Lời “nhắc nhở” Washington đưa ra sau khi xuất hiện một báo cáo nói rằng Bắc Kinh đã thử nghiệm bí mật một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
“Chúng tôi hết sức quan ngại về việc mở rộng nhanh chóng khả năng hạt nhân của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc họ phát triển các hệ thống phóng mới” – Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một cuộc họp báo vắn về báo cáo của tờ Financial Times hồi cuối tuần trước, trong đó nói rằng Trung Quốc đã bí mật thử nghiệm tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong tháng 8 vừa qua.
Bác lại thông tin của Financial Times, hôm đầu tuần này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi vụ thử nghiệm mà họ thực hiện là “cuộc thử nghiệm thường lệ một phương tiện không gian nhằm xác nhận công nghệ tái sử dụng của chúng” và thêm rằng vật thể được thử nghiệm “không phải một tên lửa” có mục đích quân sự.
Ông Price từ chối bình luận về nguồn thông tin mà chính phủ Mỹ nắm được liên quan tới vụ thử đó, nhưng dường như không muốn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Ông chỉ ra một báo cáo của Mỹ nói rằng có “ít nhất” 250 vụ phóng tên lửa đạn đạo được Trung Quốc thực hiện chỉ trong vòng 9 tháng, tính đến tháng 9 năm nay.
“Những diễn biến này cho thấy Trung Quốc, như chúng tôi đã nói trước đó, đang tách rời khỏi chiến lược răn đe hạt nhân tối thiểu mà họ đã áp dụng suốt nhiều thập kỷ” – ông Price nói – “Điều này đặc biệt đáng quan ngại…trong khi Trung Quốc rất thiếu sự minh bạch liên quan tới sức mạnh hạt nhân của họ”.
“Chúng tôi đã liên lạc với Trung Quốc” – ông nói thêm – “Chúng tôi đã nêu rất rõ ràng về lợi ích của chúng tôi trong việc liên lạc với Trung Quốc, với tư cách các nước có trách nhiệm. Trong khi đó, chúng tôi vẫn duy trì khả năng tự vệ và ngăn chặn hàng loạt mối đe dọa đến từ Trung Quốc: các mối đe dọa với Mỹ, với các đồng minh của chúng tôi, với các đối tác của chúng tôi”.
Thực chất thì mối quan ngại của Mỹ trước sức mạnh hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc vốn đã tăng từ trước khi có báo cáo về vụ thử tên lửa siêu thanh mới đây.
Trong bản báo cáo mới đây nhất gửi tới các nhà lập pháp Mỹ hồi năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Trung Quốc có thể đã vượt qua quân đội Mỹ trong lĩnh vực phát triển tên lửa và rất có thể sẽ tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân trong vòng một thập kỷ tới.
Lầu Năm Góc rất có thể sẽ bình luận sâu hơn về những khả năng đó trong bản báo cáo tiếp theo, dự kiến sẽ sớm được công bố; theo Caitlin Talmage, Giáo sư chuyên ngành chính sách quốc phòng và chiến lược hạt nhân đến từ ĐH Georgetown kiêm chuyên viên tại Viện Brookings.
“Rõ ràng là Trung Quốc đang cố gắng đảm bảo rằng Mỹ không thể đe dọa họ bằng vũ khí hạt nhân, và họ cũng đang tăng cường khả năng hạt nhân” – bà Talmage nói.
Vị chuyên gia nói rằng Trung Quốc đã có “bước tiến đáng kể…xét về cả chất lượng và số lượng” trong sức mạnh hạt nhân, kể từ khi bắt đầu gia nhập lĩnh vực này. Đặc biệt, bà chỉ ra tên lửa DF-26 của Trung Quốc, có tầm bắn 4.000 km và có thể sử dụng trong cả các đòn tấn công truyền thống lẫn hạt nhân, nhằm vào các mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Những thứ vũ khí như vậy bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987. Khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này vào năm 2019, một trong những lý do mà họ chỉ ra như cái cớ là Trung Quốc cũng triển khai các vũ khí như vậy.
Bà Talmage cũng tỏ ý hoài nghi về cam kết của chính phủ Trung Quốc trong việc không phải là bên kích hoạt vũ khí hạt nhân trước, và chỉ ra nhiều tín hiệu cho thấy sức mạnh hạt nhân của nước này đang được cải thiện nhanh chóng.
Ví dụ, Trung Quốc đang “theo đuổi các vũ khí hạt nhân phóng từ trên không, đầu tư mạnh tay vào các loại tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân” và “đang đa dạng hóa những nền tảng có thể giúp họ phóng các đầu đạn hạt nhân”; bà nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng nhận được câu hỏi về bài báo của Financial Times trong hôm đầu tuần này, nhưng từ chối bình luận.
“Chúng tôi đã nêu rõ về mối quan ngại của mình trước những khả năng quân sự mà Trung Quốc đang theo đuổi, và chúng tôi luôn kiên định với hướng tiếp cận của mình với Trung Quốc: chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh, nhưng không muốn sự cạnh tranh đó biến thành xung đột” – bà Psaki nói.