Tỏ thiện chí với Mỹ?
Đài phát thanh quốc tế Pháp ngày 23/7 dẫn tờ Jane's Defense Weekly Anh cho biết những hình ảnh vệ tinh của Cơ quan quốc phòng và không gian Airbus (Airbus Defence and Space) cho thấy tên lửa Hồng Kỳ-9 (HQ-9) của Trung Quốc đã dỡ bỏ khỏi đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) vào ngày 10/7, hai ngày trước khi Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 công bố kết quả phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines liên quan tranh chấp Biển Đông.
HQ-9 được tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc giới thiệu là tên lửa đất đối không thế hệ mới của Trung Quốc, nặng 1.300 kg, dài 6,51 m, tầm bắn đạt 200 km, bắn cao tối đa 30 km, tốc độ 4,2 Mach, áp dụng phương thức dẫn đường quán tính và radar chủ động đầu cuối, khả năng phòng không khu vực khá mạnh, có thể đánh chặn máy bay và tên lửa của đối phương.
Trung Quốc ít nhất đã triển khai bất hợp pháp tên lửa phòng không HQ-9 ở đảo Phú Lâm (Việt Nam) từ tháng 2/2016. Hiện nay, có thể do phải bảo dưỡng, sửa chữa hoặc phụ vụ mục đích chính trị nhất thời nên chúng đã được tàu đổ bộ xe tăng cỡ lớn Type 072A (cũng triển khai bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm) vận chuyển về đất liền.
Có quan điểm cho rằng, hiện nay, Trung Quốc chưa có cơ sở để dự trữ linh kiện tên lửa HQ-9 ở đảo Phú Lâm (Việt Nam).
Chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng di dời tên lửa HQ-9 có thể là một phản ứng "thiện chí" của Trung Quốc đối với việc Mỹ quyết định rút tàu sân bay USS John C. Stennis vào ngày 5/7/2016, cho thấy Bắc Kinh và Washington đều có ý định giảm khả năng đối đầu quân sự.
Lý Kiệt nói: "Trao đổi cấp cao quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đã có tiến triển. Sau khi Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, Mỹ cử Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc John Richardson đi Trung Quốc tiến hành hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi".
Tuy nhiên, nhà quan sát quân sự ở Ma Cao, Hoàng Đông cho rằng vài tháng qua Trung Quốc ít nhất đã tổ chức hai đợt tập trận (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa và khu vực lân cận, do đó tên lửa HQ-9 cần phải sửa chữa lớn.
Đồng thời, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice từ ngày 24/7 bắt đầu đến thăm Trung Quốc trong thời gian 4 ngày. Bà Susan Rice là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Trung Quốc sau khi Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết.
Chỉ là thay phiên?
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 25/7 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng tên lửa HQ-9 trang bị cho Quân đội Trung Quốc đã có thời gian tương đối dài. Các đơn vị được biên chế đã có kinh nghiệm trong việc bảo trì, sửa chữa hệ thống vũ khí này, việc này được làm hàng ngày ở "trận địa".
Mặc dù bộ phận kỹ thuật cấp một tiểu đoàn không thể hoàn thành sửa chữa thì đơn vị bảo đảm cấp trên hoặc nhân viên kỹ thuật nhà máy sẽ đến "trận địa" để tiến hành sửa chữa, thường sẽ không vì sự cố mà ảnh hưởng đến “trực sẵn sàng chiến đấu”, cũng sẽ không vì muốn bảo trì mà từ bỏ “trực sẵn sàng chiến đấu”.
Trọng điểm của sửa chữa, bảo dưỡng tên lửa HQ-9 phải là radar và linh kiện điện tử của xe phóng. Khi tiến hành “trực sẵn sàng chiến đấu” thông thường sẽ có linh kiện thay thế nhất định. Chỉ khi cần sửa chữa lớn thì mới đưa toàn bộ vào cơ sở hoặc nhà máy sửa chữa.
Ngoài ra, mặc dù khi thiết kế HQ-9 có thể không tính đến môi trường biển đảo, nhưng môi trường độ ẩm, độ nóng ở đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền của Việt Nam) không vượt chỉ tiêu thích ứng của hệ thống tên lửa HQ-9.
Từ hình ảnh vệ tinh hiện nay của nước ngoài sẽ thấy, đảo Phú Lâm (Việt Nam) chưa có trận địa tên lửa tương thích, hơn nữa môi trường phức tạp, có thể hoàn toàn không đảm bảo cho việc triển khai (bất hợp pháp) lâu dài một đơn vị phòng không.
Trong môi trường địa lý này, điều có tính khả thi là Trung Quốc điều các đơn vị tác chiến khác nhau triển khai luân phiên (bất hợp pháp).
Theo báo chí quốc tế thì tên lửa HQ-9 được Trung Quốc triển khai bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm vào trung tuần tháng 2/2016, đến khi rút thì đã triển khai được 5 tháng. Đây là "thời gian rất dài" khi “trực sẵn sàng chiến đấu (phi pháp)" ở biển đảo.
Vì vậy, rất có khả năng việc di dời lần này là một hành động bình thường nằm trong kế hoạch. Ở góc độ này, trong tương lai không loại trừ khả năng Trung Quốc lại triển khai luân phiên (bất hợp pháp) các đơn vị mới.