Trong khi giới chuyên gia tranh luận về tính pháp lý và địa chính trị đối với những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trên Biển Đông, giới chức quân sự Mỹ lại lo ngại nhất hoạt động "quân sự hóa" mà Bắc Kinh triển khai trên những thực thể này.
Điển hình, hồi tháng trước, phát biểu trước Quốc hội, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris đã nhấn mạnh tới hạ tầng cơ sở quân sự tại một cảng nước sâu và 3 đường băng được Trung Quốc xây trên 3 hòn đảo nhân tạo.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông David Shear thì đề cập tới mối đe dọa từ "hoạt động nâng cấp cơ sở quân sự công nghệ cao của Trung Quốc như duy trì hoạt động thường trực của các tiểu đoàn máy bay chiến đấu hay hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không trên những khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền".
Mối đe dọa từ hoạt động quân sự hóa
Trung Quốc khẳng định cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ chủ yếu phục vụ mục đích dân sự. Trên tạp chí National Interest, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định Trung Quốc có hàng loạt lựa chọn quân sự hóa tại các cơ sở mới xây dựng trên Biển Đông từ triển khai hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) cho tới các tổ hợp tên lửa. Và mỗi hoạt động phục vụ lợi ích cũng như mục tiêu riêng của Bắc Kinh.
Cụ thể, khi triển khai các hệ thống ISR trên đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ dần khẳng định chủ quyền đơn phương tại những thực thể đó. Bởi các radar trinh sát tầm xa có thể phát hiện tàu thuyền và máy bay ở khoảng cách 320 km tính từ những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng.
Nếu như Trung Quốc cho máy bay tuần tra hàng hải Y-8X cất cánh từ đường băng dài 3 km trên bãi Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nó có thể định vị và theo dõi tàu thuyền và máy bay các nước trong bán kính 1.600 km. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn hoạt động của tàu thuyền và máy bay Việt Nam, Malaysia và Philippines nằm trong phạm vi theo dõi của máy bay trinh sát Trung Quốc.
Thậm chí, một khi các hệ thống tên lửa Trung Quốc được triển khai tới đảo nhân tạo, chúng sẽ làm tăng mối đe dọa và chi phí cho hoạt động quân sự của các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng như quân đội Mỹ.
Trong 20 năm qua, Bắc Kinh đã mạnh tay chi tiền tăng cường năng lực tên lửa. Lực lượng Bộ binh, Hải quân và Không quân Trung Quốc hiện đang sở hữu số lượng lớn các loại tên lửa đất đối không (SAM) cũng như tên lửa hành trình diệt hạm (ASCM).
Tổ hợp tên lửa HQ-12 và HQ-9 của Trung Quốc. |
Các SAM của Trung Quốc bao gồm HQ-9 và S-300 PMU-1 có thể phá hủy tàu sân bay đối phương ở phạm vi 150 – 200 km. Trong khi đó, các ASCM phóng từ mặt đất như YJ-62 và YJ-83 có phạm vi tấn công từ 120 – 400 km nằm cách những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông. Theo ông Glaser, mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Trung Quốc sẽ khiến các nước trong khu vực suy nghĩ kỹ trước khi điều tàu thuyền hay máy bay ra thách thức Bắc Kinh.
Trên hết, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là sử dụng đảo nhân tạo để triển khai sức mạnh trên Biển Đông. Trong đó, các đường băng và cảng nước sâu ở bãi đá Chữ Thập và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) được dùng làm điểm luân chuyển và tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ và tàu quân sự của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc đưa các máy bay tiếp nhiên liệu trên không tới các đảo nhân tạo còn giúp lực lượng máy bay quân sự Trung Quốc kéo dài thêm thời gian và mở rộng phạm vi tuần tra trên Biển Đông. Ngay cả việc triển khai các oanh tạc cơ chiến lược H-6K cũng sẽ đưa nhiều nước bao gồm Australia vào tầm tấn công của Không quân Trung Quốc.
Chuyên gia Glaser kết luận dù triển khai khí tài quân sự tới bãi đá Chữ Thập và Vành Khăn khiến Bắc Kinh mất khá nhiều tiền và nảy sinh vô vàn khó khăn trong công tác hậu cần nhưng hoạt động này sẽ giúp quân đội Trung Quốc có sức mạnh đe dọa tới các nước trong khu vực cũng như lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tác động của hoạt động quân sự hóa
Tốc độ quân sự hóa trên Biển Đông là minh chứng rõ nhất cho tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược của Bắc Kinh cũng như kéo các nước trong khu vực vào một cuộc đua vũ trang. Song theo ông Glaser, ngay cả những thế hệ tên lửa không đối đất do Mỹ cung cấp như AGM-84 Harpoon cũng dễ dàng bị hệ thống phòng không Trung Quốc như SAM S-300 tiêu diệt.
Quan trọng hơn, dù các nước trang bị năng lực tấn công cho những thế hệ tên lửa hiện đại nhưng họ vẫn không thể thoát hệ thống thu thập thông tin ISR của Trung Quốc. Điển hình, Malaysia hiện sở hữu máy bay tuần tra đường biển Beech 200 và máy bay trinh sát RF-5E Tigereye được đánh giá trang bị hệ thống ISR hiện đại nhất trong khu vực nhưng chúng cũng không thoát khỏi tầm ngắm của những loại vũ khí bình thường của Trung Quốc chứ chưa nói gì tới các SAM HQ-9 và S-300 hiện đại.
Trung Quốc tiến hành cải tạo và xây dựng trái phép trên bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Chuyên gia Glaser cho rằng không một quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hiện đủ năng lực tấn công Trung Quốc mà không đẩy lực lượng máy bay chiến đấu, tàu chiến mặt nước và binh sĩ vào vòng tấn công của các SAM và ASCM Trung Quốc.
Trong khi đó, 2/3 kế hoạch quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông được đánh giá là "đáng đồng tiền bát gạo". Bởi việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo và đường băng sẽ giúp Bắc Kinh triển khai hệ thống radar tình báo cùng máy bay và cả hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm.
Trong khi đó, mọi nỗ lực nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của Trung Quốc cũng sẽ khiến các nước đối mặt với chi phí tài chính và tổn thất con người gia tăng. Mặc dù Không quân Mỹ có thể tấn công phủ đầu các tiền đồn của Trung Quốc nếu không may xảy ra xung đột nhưng việc điều động vũ khí và binh sĩ từ các căn cứ ở xa sẽ làm mất lợi thế của Washington.
Ông Glaser khẳng định so với Mỹ, năng lực của quân đội Trung Quốc vẫn còn thua dù nước này đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông. Song chương trình quân sự hóa lại hiển nhiên giúp Bắc Kinh giành ưu thế quân sự trước các nước láng giềng và gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột mà khả năng Mỹ là một bên tham chiến.
Theo Infonet