Trung Quốc phát triển tên lửa có khả năng tấn công mọi nơi trên thế giới?

Theo tờ Want Daily, Trung Quốc đang phát triển tên lửa DF-5B mới chạy bằng nhiên liệu lỏng, có khả năng tấn công bất kì mục tiêu nào trên thế giới.
Một tên lửa dòng DF của Trung Quốc phóng thử vào hôm 27-7-2015
Một tên lửa dòng DF của Trung Quốc phóng thử vào hôm 27-7-2015

Các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của quân đội Trung Quốc hiện đang bao gồm DF-31A, DF-41 và JL-2, đều sử dụng nhiên liệu rắn.

Tên lửa DF-31A với tầm bắn 10.000km có thể vươn tới duyên hải phía tây nước Mỹ, trong khi tên lửa tầm xa DF-41 có tầm bắn từ 12.000 đến 15.000km được cho là có thể mang từ 3 đến 4 đầu đạn mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tên lửa JL-2, với tầm bắn ngắn hơn là khoảng 8.000km, tuy nhiên, lại có thể được phóng từ tàu ngầm nên vô cùng cơ động.

Theo truyền thông Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc mới đây vừa thử nghiệm 2 loại tên lửa đạn đạo liên lục địa là DF-41 và DF-5A. Chuyên gia bình luận quân sự Gao Feng nhận định rằng, việc phóng DF-41 là một phần của các cuộc thử nghiệm thông thường, nhưng đối với việc bắn thử DF-5A, Bắc Kinh đang muốn phát triển một loại tên lửa mới chạy bằng nhiên liệu lỏng.

Theo ông Gao, mặc dù các tên lửa DF-31A và DF-41 đều là các sản phẩm thành công, Trung Quốc vẫn muốn phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng do nó có khả năng bay xa và mang được nhiều đầu đạn hơn. Những lợi thế này chính là nguyên nhân vì sao Nga gần đây đã tuyên bố phát triển một tên lửa dùng nhiên liệu lỏng dựa theo mẫu SS-18.

Những nhận định của ông Gao đến sau khi truyền thông Trung Quốc đăng tải một bức ảnh của tên lửa DF-5B hoàn toàn mới với động cơ và đầu đạn lớn hơn DF-5A. Nhiều khả năng, mẫu tên lửa này sẽ chạy bằng nhiên liệu lỏng, mang được từ 4 đến 6 đầu đạn và có tầm bắn khoảng 13.000 đến 15.000km. Nếu điều này là sự thật thì nó sẽ có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên thế giới.

Đặng Vũ theo An ninh Thủ đô