Trung Quốc phát hiện hàng loạt trang web học thuật giả mạo để trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Căn cứ manh mối được cư dân mạng cung cấp, Trung tâm tiếp nhận tố cáo của Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã cùng với các bộ phận liên quan xử lý, xóa bỏ một số trang web lừa đảo giả mạo tạp chí học thuật để trục lợi.

Tân Hoa xã cho biết, theo thông báo có 20 trang web giả đã bị xử lý và đóng cửa vĩnh viễn. Nội dung của các trang web giả mạo này rất giống với trang web của các tạp chí học thuật do một số trường đại học, viện nghiên cứu trong nước lập ra.

Những kẻ lừa đảo mạo xưng, lấy danh nghĩa các cơ quan chủ quản để gửi thông báo đặt, mời viết bài, lừa tác giả gửi bản thảo và nhân cơ hội thu cái gọi là "phí biên tập", "phí đăng bài" để trục lợi, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân mạng và làm rối loạn trật tự của việc xuất bản các bài báo học thuật.

Hiện Trung tâm tiếp nhận tố cáo đã công bố danh sách các trang web giả mạo, lừa đảo, yêu cầu cư dân mạng cảnh giác, chú ý nhận dạng, tránh bị lừa.

Theo danh sách được đăng tải, các trang web giả mạo bao gồm: Nghiên cứu quản lý Khoa học, Kinh tế thương mại và quản lý, Khoa học Xã hội Nam Kinh, Giáo dục Văn học, Hướng dẫn khóa trình mới, Công trình và Thiết kế máy tính, Tạp chí Môi trường và Sức khỏe, Sinh lý Thực vật học báo, Nghiên cứu Thổ nhưỡng, Sinh thái học báo, Đại học báo chí, Đại học Dược khoa Thẩm Dương học báo, Đại học Hà Nam học báo, Địa chất và Thăm dò, Vấn đề Kinh tế, Nghiên cứu Giáo dục, Lý luận và Thực tiễn giáo dục, Giáo học Sinh vật Trung học, Ký giả quan sát, Nghiên cứu giáo dục công trình cao đẳng.

Mot phan danh muc trang web gia mao.jpg
Một phần danh mục các trang web bị giả mạo (Ảnh: CCTVnews)

Sau khi tổng hợp phân loại, có thể nhận thấy các trang web giả mạo này thường có chung một số đặc điểm.

Thứ nhất là giả mạo địa chỉ tên miền. Những kẻ lừa đảo lợi dụng tên miền và địa chỉ rất giống với trang web chính thức để gây nhầm lẫn cho công chúng, ví dụ: địa chỉ trang web chính thức của tạp chí "Giảng dạy Sinh học Trung học cơ sở" là zxswjx.com thì địa chỉ trang web giả mạo là zxswjx.cn.

Thứ hai, sao chép nội dung của trang web thật. Một số trang web giả mạo về cơ bản là sao chép nội dung của trang web chính thức, từ phần giới thiệu tạp chí, hướng dẫn nộp bài đến gửi bài qua mạng, tất cả các chuyên mục đều đầy đủ và trông rất quy củ.

Tuy nhiên, nếu kiểm tra kỹ hơn, có thể nhận thấy nội dung của một số website giả mạo đã cũ, không được cập nhật kịp thời, chẳng hạn trên website giả mạo của tạp chí “Các vấn đề kinh tế”, các tin tức trên website đăng tải đều là các tin trong năm 2016 và 2017.

Thứ ba, phương thức nhận tiền thanh toán không chính quy. Thông tin thanh toán tiền của các tạp chí chính thức chủ yếu là tài khoản công cộng, nhưng các trang web giả mạo lại sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để thu tiền thanh toán.

Trung tâm tiếp nhận tố cáo của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc nhắc nhở cư dân mạng hãy cảnh giác và chú ý đề phòng hơn. Nếu gặp phải một trang web tạp chí khó phân biệt thật giả hay đáng nghi vấn, có thể xác nhận trang web chính thức và phương thức gửi thông qua phiên bản giấy của tạp chí hoặc gọi đến số điện thoại liên hệ của tạp chí để xác minh.

Theo CCTV