Trung Quốc nói WHO “ngạo mạn”, “thiếu tôn trọng” khi đề xuất điều tra nguồn gốc COVID giai đoạn 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bắc Kinh cho hay họ sẽ không chấp nhận đề xuất mà WHO đưa ra về cuộc điều tra giai đoạn hai nhằm tìm ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, đồng thời chỉ trích kịch liệt tổ chức này.
WHO mới đây ra đề xuất tổ chức điều tra giai đoạn 2 để tìm ra nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc kịch liệt phản đối (Ảnh: AFP)
WHO mới đây ra đề xuất tổ chức điều tra giai đoạn 2 để tìm ra nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc kịch liệt phản đối (Ảnh: AFP)

Zeng Yixin, Phó Chủ tịch Hội đồng Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói rằng ông “rất bất ngờ” khi lần đầu đọc được đề xuất trên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “bởi đặt ra giả thuyết rằng “các vi phạm quy tắc phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã khiến virus rò rỉ” như một trong số các ưu tiên nghiên cứu”.

Zeng nói rằng không có nhân viên hay thực tập sinh nào tại Viện Virus học Vũ Hán – tâm điểm của thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm – từng bị nhiễm virus corona chủng mới, và phòng thí nghiệm này cũng chưa từng thực hiện nghiên cứu thăm dò chức năng (Gain of Function) – nhắc tới một số ý kiến cho rằng nghiên cứu tại phòng thí nghiệm này đã khiến cho virus corona ở loài dơi có khả năng lây nhiễm mạnh hơn trên người.

“Vậy giả thuyết virus rò rỉ do vi phạm quy tắc phòng thí nghiệm từ đâu mà có?” – ông Zeng đặt câu hỏi – “Cuộc nghiên cứu giai đoạn 2 nhằm truy xuất nguồn gốc của COVID-19 là thiếu tôn trọng và đi ngược lại khoa học, xết theo một số khía cạnh. Không bao giờ chúng tôi chấp nhận đề xuất truy nguồn gốc như vậy”.

“Về điểm này, tôi có thể nhận thấy sự thiếu tôn trọng quan điểm chung và sự kiêu ngạo đối với khoa học của chương trình này” – ông Zeng nói thêm.

Bình luận trên xuất hiện chỉ 1 tuần sau khi các nước thành viên của WHO nhận được một thông báo nêu chi tiết về đề xuất bước tiếp theo của tổ chức trong nỗ lực truy xuất nguồn gốc của Sars-CoV-2, virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19.

Dẫn lại kết luận của đội chuyên gia WHO công bố hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Zeng nói COVID-19 gần như chắc chắn là thứ bệnh dịch lây lan tự nhiên, từ loài dơi sang loài người, có khả năng thông qua một vật trung gian. Các chuyên gia cũng kết luận rằng, “cực kỳ ít khả năng” virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và không khuyến khích nghiên cứu sâu theo hướng này.

Tuy nhiên, việc WHO đề xuất 5 lĩnh vực cần nghiên cứu sâu hơn đã cho thấy sự thay đổi quan điểm bước ngoặt của họ, trong đó tập trung cả vào việc “kiểm tra các phòng thí nghiệm và các viện nghiên cứu có liên quan nằm trong khu vực phát hiện ra các trường hợp nhiễm trên người đầu tiên trong tháng 12/2019”.

Bản báo cáo kết luận điều tra nguồn gốc COVID-19 giai đoạn 1 thực hiện ở Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi, và Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước nói sẽ là “quá sớm” để bỏ qua giả thuyết cho rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

“Như các bạn đã biết, tôi cũng từng là một chuyên viên kỹ thuật phòng thí nghiệm, một chuyên gia miễn dịch, và đã từng làm việc trong phòng thí nghiệm. Các tai nạn trong phòng thí nghiệm thường xảy ra. Nó khá thường xuyên” – ông nói.

Ông Tedros cũng thúc giục Bắc Kinh hợp tác trong giai đoạn 2 của cuộc điều tra và cần phải minh bạch hơn, thêm rằng các nhà khoa học vẫn thiếu dữ liệu thô về các ca nhiễm và trường hợp nghi bị nhiễm COVID-19 từ những ngày đầu dịch xuất hiện.

Bắc Kinh trước nay vẫn phản đối kịch liệt thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và kêu gọi điều tra theo hướng khác, như từ động vật lây sang người, chủ yếu là từ loài dơi thông qua một động vật trung gian và lây sang người.

Zeng nói rằng giai đoạn 2 của cuộc điều tra cần phải dựa vào những kết luận mà báo cáo giai đoạn 1 đưa ra. “Một giả thuyết đã được kết luận rõ ràng thì không nên điều tra lại lần nữa. Chúng ta nên khuyến khích một cuộc nghiên cứu toàn cầu có sự tham gia của nhiều quốc gia, thực hiện ở nhiều địa điểm liên quan tới các ca nhiễm đầu tiên, và động vật là vật chủ trung gian”, ông nói.

Thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm được đưa ra bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông vào tháng 4/2020, nhưng sau đó lại bị pha trộn với nhiều thuyết âm mưu khác, bao gồm cả thuyết cho rằng Sars-CoV-2 có thể đã được chỉnh sửa để làm vũ khí sinh học. Giới khoa học liên tục tìm cách dập tắt sự đồn đoán vô căn cứ về nguồn gốc virus trong một bài viết đăng tải trên Tạp chí The Lancet số ra tháng 3/2020.

Thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm một lần nữa trở lại hồi đầu năm nay, và trong tháng 5 vừa qua Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị cho cơ quan tình báo nước này tăng cường nỗ lực điều tra nguồn gốc của COVID-19 – bao gồm cả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm – và báo cáo lại cho ông trong vòng 90 ngày.