Nhóm G7 sẽ thành lập nhóm điều tra độc lập truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của việc truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2, nhiều nhà khoa học đề xuất Nhóm G7 nên bỏ qua WHO và thành lập một nhóm điều tra riêng.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 họp trung tuần tháng 6 tại Anh đã thống nhất kêu goi tiếp tục tiến hành điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 họp trung tuần tháng 6 tại Anh đã thống nhất kêu goi tiếp tục tiến hành điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) sáng 3/7 dẫn bản tin độc quyền của hãng AP ngày 2/7. Theo bản tin, một số chuyên gia, trong đó có cả những người thân cận với WHO, cho rằng mối quan hệ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng, một cuộc điều tra do WHO lãnh đạo không thể có được đáp án đáng tin cậy.

Họ cho rằng điều cần thiết bây giờ là một cuộc điều tra độc lập sâu rộng, tương tự như cuộc điều tra thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Nga năm 1986.

Một cuộc điều tra do WHO lãnh đạo sẽ lại không tìm ra kết quả

Giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus do WHO và Trung Quốc cùng tiến hành đã kết thúc vào tháng 3 năm nay. Kết luận của cuộc điều tra đó là coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) có thể đã được truyền sang người qua động vật, và việc rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Giai đoạn điều tra tiếp theo phải tìm ra các bẹnh án chi tiết của những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu, hoặc xác định con vật nào đã truyền virus sang người, chẳng hạn như dơi, hoặc qua vật chủ trung gian khác.

Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí tiếp tục điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 đối với Trung Quốc (Tranh biếm: Dwnews).

Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí tiếp tục điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 đối với Trung Quốc (Tranh biếm: Dwnews).

Nhưng gần đây, ý kiến ​​cho rằng đại dịch này có thể là do rò rỉ trong phòng thí nghiệm hoặc một loại virus được biến đổi nhân tạo đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho hệ thống tình báo Mỹ thực hiện một nghiên cứu về nguồn gốc của virus và báo cáo kết quả trong vòng 90 ngày.

Tháng trước, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc các dự án khẩn cấp của WHO, cho biết công việc lập kế hoạch điều tra trong giai đoạn tiếp theo của WHO sắp hoàn thành. Tuy nhiên, ông Ryan nhấn mạnh rằng WHO chỉ có thể sử dụng "sự thuyết phục" để tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc mà không có quyền ép buộc Trung Quốc hợp tác.

Có quan điểm cho rằng đây chính là lý do tại sao cuộc điều tra do WHO lãnh đạo sẽ thất bại.

Hãng tin AP dẫn lời ông Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nhân quyền và Luật Y tế Công cộng của WHO tại Đại học Georgetown nói: “Nếu chúng ta dựa vào WHO, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm ra nguồn gốc của virus”.

Viện Virus Vũ Hán, tâm điểm của cuộc điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Viện Virus Vũ Hán, tâm điểm của cuộc điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Reuters).

Ông Gostin cho biết: "Trong suốt một năm rưỡi, Tổ chức Y tế Thế giới đã để mặc Trung Quốc sắp đặt. Rõ ràng là Tổ chức Y tế Thế giới không thể tìm ra được sự thật".

Gostin nói rằng Mỹ và các quốc gia khác có thể thu thập các manh mối khác nhau thông qua các cơ quan tình báo của riêng họ, sửa đổi luật y tế quốc tế, trao cho WHO quyền lực cần thiết hoặc thành lập một cơ quan mới chịu trách nhiệm đặc biệt về cuộc điều tra.

Nhiệm vụ giai đoạn đầu của WHO cần có sự đồng ý của Trung Quốc; không chỉ đồng ý các chuyên gia WHO nhập cảnh mà còn đồng ý với toàn bộ chương trình điều tra và đồng ý với bản báo cáo điều tra cuối cùng do các chuyên gia đưa ra.

Richard Ebright, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers, Mỹ, gọi đó là "sự quậy phá". Ông cho rằng việc xác định xem virus đến từ động vật hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm, trước hết là vấn đề khoa học, một vấn đề vượt quá phạm vi chuyên môn của WHO và có ảnh hưởng chính trị.

Lần cuối cùng con người phát hiện ra gene gần gũi với SARS-CoV-2 là vào năm 2012. Trước đó có 6 công nhân làm việc trong một khu mỏ bỏ hoang ở thị trấn Thông Quan, Mặc Giang, Vân Nam, Trung Quốc, đã bị viêm phổi sau khi tiếp xúc với những con dơi mang virus. Tuy nhiên, năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa khu mỏ này, tịch thu các mẫu virus mà các nhà khoa học thu được, đồng thời ra lệnh cho người dân địa phương không được nói chuyện với các nhà báo về vấn đề này.

Trung Quốc là nơi thông báo các ca COVID-19 đầu tiên, nhưng cho đến nay nguồn gốc virus vẫn còn là điều bí ẩn (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc là nơi thông báo các ca COVID-19 đầu tiên, nhưng cho đến nay nguồn gốc virus vẫn còn là điều bí ẩn (Ảnh: Reuters).

Sau khi dịch bùng phát, mặc dù ban đầu các nhà chức trách Trung Quốc khuyến khích các chuyên gia điều tra nguồn gốc của virus, nhưng họ đã đột ngột thay đổi thái độ ngay sau khi virus lây lan toàn cầu vào đầu năm 2020. Một cuộc khảo sát do hãng tin AP thực hiện vào tháng 12 cho thấy Bắc Kinh đã áp đặt nhiều hạn chế khác nhau đối với các tài liệu nghiên cứu về SARS-CoV-2, buộc tất cả các luận văn liên quan phải được cơ quan trung ương xem xét.

Jamie Metzl, một thành viên của nhóm cố vấn WHO và một số đồng nghiệp của ông đưa ra đề xuất rằng các bên liên quan nên nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập một nhóm điều tra mới của Tập đoàn các quốc gia công nghiêp phát triển (G7) để chịu trách nhiệm điều tra.

Mỹ cũng dính líu và phải chịu trách nhiệm

Ông Jeffrey Sachs, Giáo sư tại Đại học Columbia, Mỹ, nói rằng Mỹ cần phải sẵn sàng cho phép các nhà khoa học Mỹ chấp nhận cuộc điều tra nghiêm ngặt và thừa nhận rằng họ có thể chịu trách nhiệm tương tự như các nhà khoa học Trung Quốc.

Jeffrey Sachs nói: “Mỹ đã tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu của phòng thí nghiệm Vũ Hán”. Ý ông muốn nói ở đây là Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho các thí nghiệm gây tranh cãi do các phòng thí nghiệm này tiến hành và hoạt động tìm kiếm virus động vật gây ra dịch bệnh.

Sachs nói, “Quan điểm cho rằng Trung Quốc hành xử tồi tệ ngay từ đầu đã đặt cuộc điều tra này vào tiền đề sai”. Ông nói: “Nếu công việc trong phòng thí nghiệm có trách nhiệm nào đó (đối với việc bùng phát dịch), thì khả năng rất lớn là cả Mỹ và Trung Quốc cùng tham gia vào dự án nghiên cứu khoa học này đều có trách nhiệm”.

Nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc đầu năm nay đã kết luận "khả năng rò rie virus từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là "cực kỳ nhỏ" (Ảnh: AP).

Nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc đầu năm nay đã kết luận "khả năng rò rie virus từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là "cực kỳ nhỏ" (Ảnh: AP).

Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 được tổ chức trong tháng 6, các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia đã công khai tuyên bố rằng họ yêu cầu WHO tiến hành cuộc điều tra giai đoạn hai về nguồn gốc của SARS-CoV-2, kêu gọi cho phép các chuyên gia tham gia cuộc điều tra độc lập được quyền truy cập không hạn chế vào các dữ liệu gốc và mẫu nguyên bản của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Biden gần đây đã ủy nhiệm cho các cơ quan tình báo điều tra các giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của virus, bao gồm nguồn gốc từ động vật hoang dã và khả năng rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Ông Jake Sullivan, Trợ lý Các vấn đề An ninh Quốc gia của Nhà Trắng gần đây cho biết nếu Bắc Kinh không cho phép các nhà điều tra tiến hành các cuộc điều tra thực sự ở Trung Quốc, họ sẽ phải đối mặt với sự cô lập của quốc tế. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chĩa mũi dùi về phía Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiếp tục bày tỏ “sự bất bình mạnh mẽ” trong bài phát biểu của mình. Ông cho rằng những nhận xét của Sullivan là “bắn tiếng dọa dẫm”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Ảnh: Tân Hoa xã).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trước đó, Triệu Lập Kiên cũng bày tỏ quan điểm rằng Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán lần đầu tiên phát hiện ra chuỗi gene của SARS-CoV-2 không có nghĩa là Vũ Hán là nơi khởi nguồn của SARS-CoV-2. Ông nói rằng “nhóm nghiên cứu Vũ Hán nên nhận được ‘Giải Nobel Y học’ cho việc nghiên cứu COVID-19 chứ không phải bị đổ lỗi".

Ngoài ra, ông cũng nói rằng Mỹ đã xuất hiện "các bệnh hô hấp không rõ nguyên nhân" vào tháng 6 năm 2019 và nhắm mục tiêu vào "Căn cứ Thí nghiệm Sinh học Fort Detrick".

Tình thế khó xử của WHO

Ngay từ đầu tháng 4/2021, 24 nhà nghiên cứu từ châu Âu, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã viết thư cho WHO, cho rằng cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2 được WHO khởi động hồi đầu năm đã không được tiến hành sâu rộng, thúc giục tiến hành một cuộc điều tra nghiêm ngặt và độc lập.

Tuyên bố của các nhà nghiên cứu này chủ yếu để đáp lại bản báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO được công bố vào tháng 3, nói rằng virus "rất có thể" lây lan từ dơi sang người thông qua một vật chủ động vật trung gian khác và Chợ thủy sản Hoa Nam Vũ Hán không phải là nơi phát nguồn của dịch bệnh.

Một trong những tâm điểm của cuộc tranh cãi - Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán là cơ quan nghiên cứu hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc và nó ở rất gần với Chợ thủy sản Hoa Nam.

Ông Mike Ryan thừa nhận: WHO không thể buộc Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về việc truy tìm SARS-CoV-2 (Ảnh: WHO).

Ông Mike Ryan thừa nhận: WHO không thể buộc Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về việc truy tìm SARS-CoV-2 (Ảnh: WHO).

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa tìm thấy động vật hoang dã bị nhiễm virus cùng dòng với con người. Ngoài ra, việc chính phủ Trung Quốc từ chối cho tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về sự tồn tại của việc rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm của Viện Virus Vũ Hán cũng gây ra một số nghi ngờ về viện này.

Tháng trước (6/2021), ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành dự án khẩn cấp của WHO, tuyên bố rằng WHO không thể buộc Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về việc truy tìm SARS-CoV-2, nhưng sẽ đề xuất thực hiện nhiều nghiên cứu hơn mục đích để dự án tìm hiểu nguồn gốc SARS-CoV-2 đi đến một tầng cao hơn”.

Mike Ryan nói: “Chúng tôi hoàn toàn chờ đợi sự hợp tác ​​và hỗ trợ của tất cả các quốc gia thành viên… WHO không có quyền ép buộc bất kỳ ai trong lĩnh vực này”.

Mục đích của điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2

Mark Stevenson, một nhà dịch tễ học tại Đại học Melbourne và là giáo sư về Giao thông Đô thị và Y tế Công cộng (Urban Transport and Public Health) của Australia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang ABC rằng nếu mọi người có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh COVID-19 đã xảy ra như thế nào, chúng ta có thể tạo ra một hệ thống y tế và phòng chống dịch hiệu quả hơn để ngăn chặn tình trạng tương tự tái diễn trong tương lai.

Giáo sư Mark Stevenson: việc tìm ra nguồn gốc của SARS-CoV-2 sẽ cho phép thiết lập một hệ thống phòng thủ để ngăn chặn dịch bệnh tương tự xảy ra trong tương lai (Ảnh: The Lancet).

Giáo sư Mark Stevenson: việc tìm ra nguồn gốc của SARS-CoV-2 sẽ cho phép thiết lập một hệ thống phòng thủ để ngăn chặn dịch bệnh tương tự xảy ra trong tương lai (Ảnh: The Lancet).

Giáo sư Stevenson nói: “Mỗi khi xảy ra tai nạn trong ngành hàng không, thông lệ là tiến hành điều tra toàn diện, xác định nguyên nhân và tìm ra biện pháp ngăn chặn những tai nạn tương tự tái diễn trong tương lai. Việc điều tra nguồn gốc của virus cũng nhằm mục đích tương tự”.

Ông tin rằng để đối phó với đại dịch, chúng ta cần phải làm rõ hai vấn đề: thứ nhất, coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) đã xuất hiện như thế nào; thứ hai, làm cách nào để ngăn chặn tình trạng tương tự tái diễn.

Ông nói, việc điều tra các vụ tai nạn của ngành hàng không tương đối đơn giản, vì mảnh vỡ của máy bay chứa tất cả những thông tin chúng ta cần biết, ngược lại, việc điều tra SARS-CoV-2 khó hơn nhiều.

Ông chỉ ra rằng trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi buộc phải sử dụng "phương pháp loại trừ" để điều tra nguồn gốc của virus. Vì vậy, liệu việc tìm ra nguồn gốc của SARS-CoV-2 có thể giúp chúng ta đánh bại loại virus này?

Giáo sư Stevenson cho rằng câu trả lời là “không”. Nhưng ông nói rằng việc tìm ra nguồn gốc của SARS-CoV-2 sẽ cho phép chúng ta thiết lập một hệ thống phòng thủ để ngăn chặn dịch bệnh tương tự xảy ra trong tương lai.

(Theo Dwnews, ABCnews)