Trung Quốc muốn 'lợi dụng' sự do dự của Mỹ

Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng sẵn sàng lợi dụng sự do dự và thiếu quyết đoán của nước Mỹ. Trung Quốc muốn một “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” với Mỹ để buộc Mỹ thừa nhận các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Trung Quốc muốn 'lợi dụng' sự do dự của Mỹ

Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về dự án xây dựng tuyến đường, theo đó Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 1.250 tỷ USD ra nước ngoài trong vòng 1 thập kỷ tới, và chi 40 tỷ USD để tái thiết Con đường Tơ lụa cũ trên bộ đồng thời tiến hành xây dựng Con đường Tơ lụa Mới trên Biển.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã đưa ra đề xuất về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á với số vốn ban đầu trị giá 50 tỷ USD. Giống như Ngân hàng Phát triển Mới (trước đây gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS), các kế hoạch trên đang làm suy yếu hệ thống kinh tế quốc tế Bretton Woods với các tổ chức quản lý lỏng lẻo. Như Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã tuyên bố gần đây tại một hội nghị, “Nếu các thể chế của hệ thống Bretton Woods không thể cung cấp tài chính để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế mới nổi, thì chúng tôi sẽ phải tìm các giải pháp thay thế khác.”

Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống quyền lực trong lĩnh vực cung cấp vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Thay vì phản đối theo bản năng và trông chờ các nước bạn bè như Indonesia, Ấn Độ, hay các nước khác quay mặt với cơ hội trên, biện pháp tốt hơn cho nước Mỹ là cố gắng tạo ra các cơ hội mới thông qua những thể chế hiện hành. Nước này cũng cần củng cố lại các thể chế kinh tế hiện tại như IMF, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, đồng thời đảm bảo rằng bất kỳ thế chể mới nào ra đời cũng phải tuân thủ các nguyên tắc minh bạch và đã được thống nhất.

Khó khăn của việc xây dựng lòng tin

Theo quan điểm của một số nhà phân tích, mối quan hệ Trung-Mỹ nên tập trung vào việc xây dựng lòng tin. Bàn về lòng tin không giống với việc tăng cường lòng tin. Ngay cả các biện pháp xây dựng lòng tin (Confidence-building measures – CBMs) với mục tiêu giảm bớt căng thẳng quân sự cũng không bảo đảm sẽ làm dịu đi những căng thẳng như vậy.

Có thể lấy cuộc gặp thượng đỉnh bên lề hội nghị APEC năm 2014 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama làm ví dụ minh họa. Cuộc gặp diễn ra trong không khí thân mật, nhưng không có bất kỳ thay đổi thực chất nào trong vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, cũng như các vấn đề an ninh phức tạp nhất đang chi phối cuộc cạnh tranh chiến lược ở Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc không đưa ra bất kỳ cam kết nào cụ thể hay đồng ý ràng buộc với điều gì.

Dù thiếu các biện pháp mang tính thực chất nhưng Mỹ đã nhân nhượng bằng việc cải thiện mối quan hệ quân sự song phương. Có hai biện pháp xây dựng lòng tin đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo giới, nhưng cùng lắm đây cũng chỉ là các khuôn khổ để từ đó hai bên có thể xây đắp thêm, chứ không phải là những thỏa thuận mới. Biện pháp xây dựng lòng tin về Các Quy tắc Hành xử An toàn khi Va chạm trên Biển và trên Không tại thời điểm này sẽ mở ra các đối thoại quốc phòng về phòng tránh va chạm giữa các tàu trên mặt nước, nhưng hai bên đã không cam kết thêm bất cứ điều gì ngoài những gì đang bị ràng buộc bởi các hiệp ước quốc tế hiện hành.

Tất nhiên theo thời gian, khi các cuộc đối thoại này ngày một tiến triển và các phụ lục mới được thêm vào, có lẽ đây sẽ là nền tảng để hai bên dự đoán tốt hơn các hoạt động quân sự của nhau. CBM còn lại về việc Thông báo Các Hoạt động Quân sự Lớn mang tính khuyến khích nhiều hơn là định hướng, và khả năng để nó tạo ra chuyển biến chiến lược quan trọng là hoàn toàn không rõ ràng.

Điều tốt nhất có thể đạt được qua hai biện pháp xây dựng lòng tin ở trên là tạo dựng cơ sở cho hợp tác trong tương lai. Điều này cũng giống như việc kêu gọi các bên sớm tiến tới hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, ngay cả khi Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự trên các thực thể ngập nước ở Biển Đông.

Gần đây tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, chúng tôi đã đón tiếp một phái đoàn các sĩ quan và chuyên gia phân tích đến từ Đại học Quốc phòng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Thừa nhận rằng vẫn chưa có nhiều việc làm thực chất để giảm bớt các căng thẳng trên biển, các khách mời Trung Quốc đã đề nghị chúng tôi đưa ra một danh sách các bước đi thiết thực mà Trung Quốc có thể triển khai nhằm giảm thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Chúng tôi đã đề xuất với họ một số ý tưởng cụ thể – từ việc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn, đưa lực lượng cảnh sát biển, bên cạnh lực lượng hải quân, vào các cuộc thảo luận về tránh va chạm trên biển, ký kết một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc, và tránh thực hiện các hành động nguy hiểm xung quanh tàu và máy bay của Mỹ trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ. Phía Trung Quốc đã trả lời rằng: “Không, hãy đề xuất những gì thực tế mà chúng tôi có thể làm”. Điều này cho thấy thật khó để chối bỏ suy nghĩ rằng Trung Quốc chỉ muốn thể hiện hình ảnh trỗi dậy hòa bình, chứ không phải việc làm trên thực tế.

Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng sẵn sàng lợi dụng sự do dự và thiếu quyết đoán của nước Mỹ. Trung Quốc muốn một “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” với Mỹ để buộc Mỹ thừa nhận các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đứng trên cả lợi ích của các nước láng giềng. Mặc dù khi nói đến việc xác định các lợi ích biển của mình Trung Quốc dường như đang mong muốn bành trướng, từ kiểm soát các vùng biển gần tới các tuyến giao thương biển trên phạm vi toàn cầu.

Thích ứng nhưng không dung dưỡng hành vi sai trái

Nước Mỹ phải thích ứng với một Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng chúng ta không thể dung dưỡng lối hành xử thiếu thận trọng và thậm chí là hung hăng. Việc Trung Quốc ngày càng giàu có là một thực tế, cũng giống như việc nước này đang triển khai mô hình cưỡng ép trên biển. Trung Quốc đã sử dụng các ưu thế sức mạnh để ép buộc các nước láng giềng với mục tiêu thống trị khu vực.

Thực vậy, nước này gần đây đã triển khai mô hình “cưỡng ép tinh vi” tại các vùng biển Châu Á. Bên cạnh việc tham gia vào các cuộc thảo luận kéo dài về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc haycác biện pháp mới để xây dựng lòng tin, Trung Quốc sử dụng một cách hệ thống các công cụ sức mạnh về ngoại giao nhân dân, pháp lý, và tâm lý để vẽ lại các đường ranh giới hiện nay.

Nhìn chung, Trung Quốc đang từng bước thực hiện tham vọng này với chiến thuật cắt lát salami (hay còn gọi là “tằm ăn rỗi” – ND) – chiến thuật ít gây leo thang căng thẳng hoặc kích động phản ứng mạnh mẽ. Với lực lượng cảnh sát biển, chấp pháp và bán quân vượt trội so với các nước láng giềng về cả chất lượng và quy mô, Trung Quốc tương đối dễ dàng thực thi yêu sách đối với những vùng biển thường có tranh chấp này.

Mục tiêu của Trung Quốc là duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên biển với một lực lượng quân sự tối thiểu. Tuy nhiên, việc nước này triển khai lực lượng cảnh sát biển, cơ quan chấp pháp và các lực lượng khác với mô hình quyết đoán hơn đã khiến các nước rất lo lắng và quan ngại. Một Trung Quốc vượt trội về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự với quyết tâm thực hiện tham vọng bằng hành động cưỡng ép, nếu thấy cần thiết, thực sự là vấn đề đối với các quốc gia trong khu vực, vốn nghiêng về cách tiếp cận hợp tác mang tính toàn diện, dựa trên luật pháp.

Từ việc tuần tra liên tục các vùng biển liền kề và vùng lãnh hải của Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đến tuyên bố Vùng nhận diện Phòng không (Air Defense Identification Zone – ADIZ) cuối tháng11/2013, các tàu và máy bay Trung Quốc đang gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ va chạm với Nhật Bản và Mỹ ở Biển Hoa Đông. Trong 2 vụ việc xảy ra vào đầu năm 2014, máy bay SU-27 của Trung Quốc đã tiếp cận máy bay do thám của Nhật Bản ở cự ly chỉ 30 mét. Tương tự như vậy ở Biển Đông, Trung Quốc áp dụng “chiến lược cải bắp” ở Bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để mở rộng sự hiện diện trên biển của mình.

Những bức ảnh chụp vào tháng 3 cho thấy Trung Quốc đang tiến hành hoạt động cải tạo đất ở Đá Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, cũng như các khu vực khác nhau của Biển Đông, nhằm mục đích tăng cường khả năng triển khai sức mạnh, đồng thời củng cố các yêu sách pháp lý của nước này.

Tác giả Patrick M. Cronin, Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới vừa công bố tài liệu nghiên cứu về Trung Quốc, rằng bất kỳ hành động sai trái nào cũng phải trả giá. Đó là lý do Mỹ và các nước đồng minh, đối tác cần xem xét chiến lược "áp đặt cái giá phải trả" đối với những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Nguồn: Patrick Cronin, “How to Deal with Chinese Assertiveness: It’s Time to Impose Costs“, The National Interest, 4/12/2014.

Theo: Tuần Việt Nam