Trung Quốc: lạm dụng cụm từ “bước vào trạng thái thời chiến” gây ảnh hưởng nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Sau khi bùng phát lần thứ 3 dịch COVID-19 ở Trung Quốc, cụm từ “bước vào trạng thái thời chiến” thường xuyên xuất hiện trong các lệnh động viên chống dịch của chính quyền các địa phương đã gây nên tranh cãi.
Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến thành phố Thạch Gia Trang ơt Hà Bắc bị đặt trong trạng thái thời chiến (Ảnh: Tân Hoa xã).
Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến thành phố Thạch Gia Trang ơt Hà Bắc bị đặt trong trạng thái thời chiến (Ảnh: Tân Hoa xã).

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc mấy ngày qua đã lên tiếng cảnh báo, cho rằng "việc lạm dụng từ ‘trạng thái thời chiến’ không có lợi cho đại cục của cuộc chiến chống dịch". Đằng sau việc các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc chỉ trích các chính quyền địa phương quá lạm dụng cụm từ "trạng thái thời chiến", khiến người ta không khỏi tự hỏi: Điều gì đã xảy ra với công tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc?

Kể từ khi bước vào mùa đông ở Trung Quốc, tại nhiều địa phương ở một số khu vực của Trung Quốc đã liên tiếp xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm Thành Đô ở Tứ Xuyên, Thẩm Dương ở Liêu Ninh, Thuận Nghĩa ở Bắc Kinh, Tuy Hóa ở Hắc Long Giang...và Thạch Gia Trang, Hình Đài ở Hà Bắc là nơi đang bùng phát mạnh đều đã tuyên bố "bước vào trạng thái thời chiến". Thậm chí một số khu vực nguy cơ thấp, không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng mới được xác nhận, cách xa nơi xảy ra dịch, cả những nơi chưa từng có ca nhiễm bệnh nào cũng đều tuyên bố "bước vào trạng thái thời chiến".

Thành phố Thạch Gia Trang đã bị phong tỏa giống Vũ Hán năm ngoái (Ảnh: AP).

Thành phố Thạch Gia Trang đã bị phong tỏa giống Vũ Hán năm ngoái (Ảnh: AP).

Trước tình trạng này, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã chỉ trích: “Thứ nhất là việc lạm dụng "trạng thái thời chiến", có thể truyền đi tín hiệu sai, tạo nên sự hoang mang không cần thiết trong quần chúng, thậm chí gây ra tin đồn, và các hành vi mất trật tự như hoảng loạn gom hàng. Thứ hai, dễ làm tê liệt tâm lý của người dân và làm loãng nhận thức của người dân về “chuẩn bị chiến tranh” bằng cách chưa nghiêm trọng đã kêu “bước vào trạng thái thời chiến”. Thứ ba là lạm dụng cụm từ "trạng thái thời chiến" e cũng dẫn đến sự lười biếng của chính quyền”.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 17/1 viết, sự chỉ trích của Tân Hoa Xã nói lên tâm trạng của nhiều người Trung Quốc hiện nay, bởi vì tuyên bố "bước vào trạng thái thời chiến" thì dễ, nhưng đằng sau nó là liên quan đến đời sống và thậm chí là sinh kế của hàng chục triệu người, đòi hỏi phải rất thận trọng. Tuyên bố "bước vào trạng thái thời chiến" thường có nghĩa là áp dụng các biện pháp khẩn cấp như "phong thành" (phong tỏa thành phố) và ngăn chặn giao thông. Điều này tất nhiên là rất cần thiết đối với những khu vực có dịch bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như Vũ Hán, Hồ Bắc khi ở trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh.

Mọi cư dân ở Thạch Gia Trang, Hình Đài,Lang Phường (Hà Bắc) đều phải xét nghiệm axit nucleic (Ảnh: Tân Hoa xã).

Mọi cư dân ở Thạch Gia Trang, Hình Đài,Lang Phường (Hà Bắc) đều phải xét nghiệm axit nucleic (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Dương Chiếm Thu, giáo sư tại Viện Virus học, Khoa Y, Đại học Vũ Hán, ngày 12/1 cho rằng so với việc đóng cửa ở Vũ Hán vào năm 2020, các cuộc “phong thành” đang được thực hiện ở nhiều nơi ở Trung Quốc là giống nhau về các phương thức quản lý khép kín; nhưng việc thực hiện ở Vũ Hán vào năm 2020 cấp bách hơn nhiều so với Thạch Gia Trang, Hình Đài và Lang Phường ở Hà Bắc hiện tại. “Nếu so sánh, mức độ khẩn trương thực hiện phong tỏa ở Thạch Gia Trang và những nơi khác kém xa so với Vũ Hán vào đầu năm 2020. Cũng có thể khẳng định làn sóng dịch lần này là lây nhiễm ngoại nhập, cả nguồn bệnh và nơi ở của bệnh nhân đều khá rõ, việc khống chế kiểm soát dịch bệnh tương đối dễ dàng". Ông cho rằng chỉ cần xác định rõ những ca bệnh đã được xác nhận, những ca bị bệnh không có triệu chứng, những người tiếp xúc gần, kiểm soát tốt những người liên quan thì không có gì phải lo lắng.

Mọi người dân tỉnh Hà Bắc lân cận đến Bắc Kinh đều phải kiểm tra mã QR sức khỏe (Ảnh: AP).

Mọi người dân tỉnh Hà Bắc lân cận đến Bắc Kinh đều phải kiểm tra mã QR sức khỏe (Ảnh: AP).

Theo Đa Chiều, dưới góc độ khoa học phòng chống dịch, đối với một số vùng nguy cơ thấp, đặc biệt là một số vùng chưa có ca bệnh nào được xác nhận, hành vi lạm dụng "trạng thái thời chiến", theo cách nói của truyền thông chính thống của Trung Quốc: đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống bình thường, không có lợi cho công tác phòng chống dịch. Nói chung không chỉ bị nghi ngờ là "chính quyền lười biếng", thậm chí đây là lạm dụng quyền hạn hoặc vô trách nhiệm. Lấy Hà Bắc nơi dịch bùng phát làm ví dụ. Các nơi bùng phát dịch tập trung chủ yếu tập trung ở Thạch Gia Trang và Hình Đài, nhưng toàn bộ tỉnh Hà Bắc đã bị đặt trong "trạng thái thời chiến", thậm chí một số khu vực không liên quan về mặt địa lý với Thạch Gia Trang và Hình Đài cũng không được tha.

Giá rau củ quả ở Bắc Kinh đều tăng vọt do ảnh hưởng dịch bệnh (Ảnh: Dongfang).

Giá rau củ quả ở Bắc Kinh đều tăng vọt do ảnh hưởng dịch bệnh (Ảnh: Dongfang).

Trên thực tế, mặc dù trong cùng một tỉnh, nhưng một số khu vực là khu vực nguy cơ thấp cũng giống như các tỉnh khác, nhưng người dân ở những khu vực này, bị phân biệt đối xử như dân chúng ở khu vực nguy cơ cao, chẳng hạn như họ phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 7 ngày trước mới được cho vào Bắc Kinh, v.v. Từ thực tế phòng chống dịch hiện nay của Trung Quốc, điều này rõ ràng là phòng dịch quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Ví dụ, theo trang tin Dongfang ngày 17/1, do nhiều địa phương cấm mở hoặc thu hẹp quy mô chợ hoa Tết, chuyển sang mua bán qua mạng nên các vùng trồng hoa ở Quảng Châu năm nay thiệt hại nghiêm trọng do ứ đọng lượng hàng lớn không bán được. Có thôn hiện 450 ngàn cây Quất chín vàng trong vườn không bán được cho ai, giá hoa Lan giảm hơn 30% so với năm ngoái vẫn không bán được khiến các trang trại thua lỗ nghiêm trọng. Tại Bắc Kinh giá rau xanh và thịt đều tăng mạnh. Theo Dongfang ngày 17/1, số liệu do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn công bố tuần qua cho thấy giá 19 loại rau củ quả ở Bắc Kinh tăng bình quân 22,8% so với cùng kì năm trước, trong đó xà lách tăng 72%, củ cải tăng 61,7%, giá thịt gà, dê, bò đều tăng hơn 10%.

Quất chín vàng ở các nhà vườn Quảng Châu không bán được (Ảnh: Dongfang).

Quất chín vàng ở các nhà vườn Quảng Châu không bán được (Ảnh: Dongfang).

Đa Chiều cho rằng, Trung Quốc trải qua một năm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đã thiết lập được một hệ thống phòng chống dịch tương đối hoàn thiện. Việc sử dụng rộng rãi “big data” và mã sức khỏe đã làm cho việc phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 trở nên khoa học và chính xác hơn, đồng thời có thể xác định chính xác hơn những người tiếp xúc gần với người bị bệnh để thực hiện các biện pháp tương ứng. Vì vậy, việc bỏ qua tình hình thực tế và máy móc lạm dụng “trạng thái thời chiến” rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc thực sự cầu thị và là một biểu hiện của chủ nghĩa hình thức.

Theo tin tức từ Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, tính đến 24 giờ ngày 17/1, hiện có 1.301 trường hợp nhiễm COVID-19 mới được xác nhận và đang điều trị ở Trung Quốc (trong đó có 43 trường hợp nặng). Trong ngày Chủ nhật 17/1 có thêm 109 trường hợp nhiễm bệnh nữa được xác nhận, trong đó có 16 trường hợp nhập cảnh. Trong đó, 93 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Hà Bắc (54 ca), Cát Lâm (30 ca), Hắc Long Giang (7 ca), và Bắc Kinh (2 ca). Dưới góc độ của đại dịch COVID-19 toàn cầu, số liệu trên cho thấy dịch bệnh ở Trung Quốc không bùng phát trên diện rộng và nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được.

Giá hoa các loại rẻ hơn năm ngoái 30% mà vẫn ế ẩm (Ảnh: Dongfang).

Giá hoa các loại rẻ hơn năm ngoái 30% mà vẫn ế ẩm (Ảnh: Dongfang).

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine trên cơ sở tự nguyện và miễn phí. Truyền thông Trung Quốc cho rằng với sự kiểm soát dịch hiện nay và việc tiêm chủng rộng rãi vaccine, dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc sẽ được khống chế. Nhưng rõ ràng, hành vi phòng chống dịch bệnh quá mức lạm dụng “trạng thái thời chiến” của các chính quyền địa phương cũng cần phải khoa học và thực tế hơn, thay vì máy móc như hiện nay.