Mỗi năm các nhà khoa học phát hiện trung bình 5 loài chim mới. Vào năm 2013, trong hành trình đến một quần đảo xa xôi ở Indonesia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 10 loài mới chỉ trong 6 tuần — số lượng lớn nhất trong hơn một thế kỷ. Khu vực đó được gọi là Wallacea theo tên của nhà tự nhiên học Alfred Russel Wallace, và là một trong những “điểm nóng” về đa dạng sinh học của thế giới.
Thế nhưng Wallacea không còn sở hữu sự sống hoang dã trù phú. Các hoạt động khai thác gỗ, phát quang làm nông nghiệp và gần đây là sự phát triển của các đồn điền dầu cọ đã quét sạch một khu vực rừng rộng lớn kể từ giữa thế kỷ 20.
Và giờ, một đợt bùng nổ tài nguyên khác lại đang diễn ra. Indonesia hiện là nước sản xuất nickel, kim loại được mệnh danh là "vàng xanh", lớn nhất thế giới. Thứ kim loại này – ngoài các giá trị sử dụng khác – đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất pin hiệu suất cao. Nhu cầu loại pin này được dự báo sẽ tăng mạnh cùng với nhu cầu về xe điện (EV).
Nhờ vào những công nghệ mới trong chiết xuất nickel từ đất, Indonesia đang có kế hoạch tăng mạnh sản lượng. Macquarie Group, một công ty tài chính Australia, dự báo rằng đến năm 2025, Indonesia có thể cung cấp 60% tổng lượng nickel của toàn thế giới, từ con số khoảng 50% hiện nay.
Hầu hết nickel trên thế giới, bao gồm cả lượng được khai thác từ Indonesia, đến từ quặng đá ong. Loại quặng này cũng được chia làm 2 loại: limonite và saprolite. Saprolite, có hàm lượng nickel cao hơn, phù hợp để xử lý trong một thiết bị gọi là lò điện lò quay (RKEF).
Thiết bị này làm tan chảy quặng ở nhiệt độ trên 1.500 độ C, cho ra một hợp chất gồm nickel và sắt gọi là gang nickel (nickel pig iron, NPI), hầu hết được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. Nhưng bằng cách bơm lưu huỳnh vào NPI để loại bỏ sắt, một sản phẩm có độ tinh khiết cao hơn gọi là “matte” nickel được cho ra lò và phù hợp để sản xuất pin xe điện.
Phương pháp này có hai nhược điểm chính. Nhược điểm đầu tiên là tiêu thụ năng lượng cao. Tại Indonesia, nguồn năng lượng thường được cung cấp từ các nhà máy điện chạy bằng than, xây dựng gần khu vực khai thác mỏ. Than đá là một nguồn năng lượng rẻ và tin cậy, nhưng nó cũng tạo ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đáng kể. Điều này trở thành một vấn đề lớn, đặc biệt khi các nhà sản xuất xe điện phương Tây, như Tesla, đang nhắm đến việc "xanh hóa" các sản phẩm của mình.
Vấn đề cơ bản hơn là, hầu hết saprolite của Indonesia đã được khai thác và xuất khẩu, chủ yếu là sang Trung Quốc. Năm 2020, Indonesia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lượng saprolite còn lại. Hầu hết lượng nickel còn lại của quốc gia này nằm trong quặng limonite, không phù hợp cho quy trình xử lý RKEF.
Trong suốt nhiều thập kỷ, các công ty khai khoáng đã thí nghiệm một phương pháp thay thế có tên gọi là lọc axit áp suất cao (HPAL). Thay vì nung chảy, quặng được đặt vào trong một cỗ máy giống như nồi áp suất và được trộn với axit sunfuric, giúp lọc nickel ra. Phương pháp này có hiệu quả với limonite, và có thể trực tiếp sản xuất ra nickel có độ tinh khiết cao đủ để sản xuất pin xe điện. Nhưng phương pháp này lại rất khó làm chủ, khi các nhà máy thí điểm thường bị đội chi phí và hoạt động với công suất không như mong đợi.
Tuy nhiên, gần đây, điều đó đã thay đổi. 3 nhà máy HPAL đã được khởi động ở Indonesia kể từ năm 2021. Thêm 7 nhà máy khác (trong đó 5 cơ sở ở Sulawesi) đang được xây dựng, theo Hiệp hội Khai thác Nickel Indonesia (APNI). Hầu hết đều được xây dựng bằng công nghệ của Trung Quốc. 2 trong số 3 nhà máy đang hoạt động là dựa trên thiết kế của Tập đoàn China Enfi Engineering, một nhánh của Tập đoàn China Metallurgical Group đang điều hành một nhà máy HPAL ở Papua New Guinea.
Ngoài khả năng xử lý limonite, các nhà máy HPAL này còn “xanh” hơn. Do không cần nhiệt độ cao, chúng sử dụng ít năng lượng hơn so với các nhà máy RKEF và nhờ vậy cũng giảm được lượng khí thải. Nhưng quy trình tinh chế cũng sản sinh ra lượng lớn chất độc hại. Được gọi là “đuôi quặng” trong thuật ngữ ngành khai khoáng, chúng rất khó xử lý một cách an toàn trong khi lại tốn kém.
Có 3 cách để xử lý chất thải của HPAL: đổ ra biển (điều mà chính phủ Indonesia đã cấm), dự trữ nó bên trong các con đập hoặc làm khô chất thải và chất đống. Hiện tại, các nhà máy HPAL của Indonesia sử dụng phương pháp làm khô và chất đống. Nhưng quy trình này cần rất nhiều đất đai. Với lượng lớn nickel mà quốc gia này dự báo sẽ sản xuất, các nhà máy cuối cùng sẽ hết chỗ chứa chất thải. Các công ty có thể phải xây thêm đập để dự trữ - nhưng do Indonesia thường xuyên xảy ra động đất và mưa lớn nên rất khó.
Ngay cả khi chất thải được dự trữ đúng cách, các khu vực đất đai bị chặt phá cây rừng để khai khoáng có thể nhanh chóng bị sạt lở, đặc biệt là với những cơn mưa nhiệt đới dữ dội của Indonesia. Chất thải từ các khu mỏ có thể làm ô nhiễm sông hồ.
Tính đến năm 2022, Chính phủ Indonesia đã cấp khoảng 1 triệu hecta đất để khai khoáng, theo Diễn đàn Môi trường Indonesia, một tổ chức từ thiện. Gần ¾ số này nằm ở các vùng rừng núi đang bị thu hẹp.
Khó có thể nắm bắt được tác động về môi trường mà các khu mỏ này gây ra. Rất ít công ty khai thác nickel của Indonesia công khai thông tin. Về nguyên tắc thì lượng khí thải carbon có thể tính toán được, nhưng sự đa dạng sinh học bị mất đi thì khó tính được.
Indonesia có thể sẽ chịu sức ép từ phía các nhà sản xuất EV nằm cao hơn trong chuỗi cung ứng, do vấn đề môi trường. Từ năm 2024, các hãng sản xuất pin xe điện của EU – một trong số những thị trường EV lớn nhất thế giới – sẽ buộc các công ty phải công khai dữ liệu về khí thải carbon sản sinh trong quá trình sản xuất pin./.
BYD vượt mặt Tesla giành hợp đồng EV lớn tại Indonesia, tham vọng tiến vào thị trường Việt Nam
'Công thức' tăng trưởng của Ấn Độ và Indonesia: Khi xuất khẩu dịch vụ công nghệ tạo nên khác biệt
Indonesia hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu
Theo The Economist