Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm vũ trụ mô phỏng, tái tạo những điều kiện trong không gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những thiết bị mô phỏng Trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động thử nghiệm, cung cấp cho các nhà nghiên cứu một phương pháp thuận tiện thí nghiệm các bộ phận, thành phần vệ tinh và bộ đồ vũ trụ.

Những thiết bị mô phỏng được thiết kế để tái tạo các điều kiện cụ thể trong không gian vũ trụ. Ảnh: Weibo
Những thiết bị mô phỏng được thiết kế để tái tạo các điều kiện cụ thể trong không gian vũ trụ. Ảnh: Weibo

China Space News, một trang tin tức của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết: Các thiết bị mô phỏng, triển khai phía đông bắc thành phố Cáp Nhĩ Tân được thiết kế để tái tạo những điều kiện bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất, bao gồm vi trọng lực, từ trường yếu, bức xạ điện từ, plasma và bụi không gian đã đi vào hoạt động.

Dự án còn được gọi là “Trạm vũ trụ mặt đất”, do tập đoàn và Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (HIT) cùng phát triển, trang China Space News đưa tin ngày 30/6. Bản tin lưu ý, so với các phòng thí nghiệm trong không gian vũ trụ, mô phỏng là phương thức rẻ, an toàn và thuận tiện hơn để tiến hành những thí nghiệm đối với các trang thiết bị, sẽ hoạt động trong không gian hoặc trên bề mặt Mặt Trăng.

Thietbimophongkhonggian02.jpg
Các thiết bị mô phỏng được xây dựng ở Cáp Nhĩ Tân và đang trong quá trình vận hành thử nghiệm. Ảnh: Weibo.

“Trong tương lai, nhiều thí nghiệm cần được thực hiện trong không gian có thể được thực hiện trên mặt đất,” Yan Jihong, phó trưởng khoa Khoa học Vật liệu và Môi trường Không gian của HIT, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã cuối tháng 6 nói.

Ông Li Liyi, trưởng Khoa môi trường vũ trụ cho biết mục đích của “trạm vũ trụ mặt đất” là xây dựng một nền tảng cho nghiên cứu khoa học cơ bản trên Trái đất tương tự như Môi trường Không gian thực. Ông nói trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã: “Nếu chúng ta muốn bay xa hơn, ở lại lâu hơn và thăm dò sâu hơn vào không gian, chúng ta cần biết nhiều hơn về môi trường không gian”.

Mỗi khoang thử nghiệm tái tạo một tập hợp những điều kiện khác nhau, trong đó có những điều kiện mô phỏng môi trường bề mặt của Mặt Trăng.

Trước đó, Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị mô phỏng Mặt Trăng để nghiên cứu sự hình thành của bụi mặt trăng, tác động của bụi Mặt Trăng đối với tàu đổ bộ vũ trụ, bộ đồ vũ trụ và phi hành gia, đặt mục tiêu chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng trong tương lai gần của phi hành đoàn Trung Quốc.

Theo ông Lin Xiqiang, phó giám đốc Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc, quốc gia này đặt mục tiêu đưa phi hành đoàn đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Tháng 5/2023, ông Lin cho biết, những công việc chuẩn bị cho giai đoạn đổ bộ, hạ cánh trên Mặt Trăng của chương trình thám hiểm có phi hành đoàn đang được tiến hành. Các nhà khoa học không gian Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển tất cả những hệ thống trang bị cần thiết, từ tên lửa đẩy Trường Chinh 10 mới, tàu vũ trụ, tàu đổ bộ trên Mặt Trăng và bộ quần áo bảo hộ vũ trụ cho phi hành gia hạ cánh trên Mặt Trăng.

Theo CCTV, một trong những thiết bị mô phỏng quan trọng là buồng môi trường bức xạ tích hợp, gần nhất với việc tái tạo các điều kiện thực tế của không gian. Thiết bị đặc biệt này cho phép nghiên cứu và thử nghiệm những bộ phận, thành phần của vệ tinh và tàu vũ trụ.

Buồng từ tính sẽ tái tạo từ trường gần như bằng không, hình thành điều kiện môi trường không gian, tiến hành các thử nghiệm hoạt động của nhiều thiết bị khác nhau trước khi được phóng vào không gian vũ trụ.

“Với cơ sở hạ tầng mô phỏng, chúng tôi hy vọng có thể thu hút các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đến cùng tiến hành những nghiên cứu khoa học cao cấp,” ông Li nói với CCTV.

Theo Tân Hoa Xã, ngoài các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu Trung Quốc, còn có những viện nghiên cứu từ hơn 30 quốc gia đã ký thỏa thuận khai thác sử dụng những trang thiết bị của cơ sở thử nghiệm này.

Theo SCMP