Trang tin Military Parity của Nga ngày 12.10 dẫn nguồn từ mạng quốc phòng Sina của Trung Quốc cho biết 4 tàu tên lửa nhỏ của Nga từ biển Caspi phóng tên lửa hành trình tầm xa Klub tấn công khủng bố ở Syria cách đó 1.500 km khiến thế giới bất ngờ.
Tuy nhiên nếu Trung Quốc trong hoàn cảnh như vậy chỉ cần dùng 1 tàu khu trục lớp 052D là đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của 4 tàu tên lửa của Nga vừa qua, loại tàu nhỏ chỉ có lượng choán nước cỡ 1.000 tấn. Tàu Type 052D của Trung Quốc với lượng choán nước đến 7.500 tấn có đến 64 ống phóng tên lửa thẳng đứng so với 8 ống trên mỗi tàu của Nga.
Các tàu Type 052D của Trung Quốc được trang bị loại tên lửa hành trình CJ-10 có tính năng và tầm bắn xa tương đương Klub 3M-14 (1.500 km).
Trang mạng Trung Quốc còn cho rằng hiện nay Nga đang trải qua những khó khăn nghiêm trọng trong việc đóng các tàu khu trục lớn, do vậy đành phải trang bị tên lửa hành trình Klub cho các tàu tên lửa cỡ nhỏ và tàu hộ tống cỡ vừa (?).
Tàu khu trục Côn Minh lớp Type 052D, lượng choán nước 7.500 tấn - Ảnh: Học viện Hải quân Mỹ |
Theo Học viện Hải quân Mỹ, Type 052D (lớp Lữ Dương III hoặc lớp Côn Minh, theo tên gọi của chiếc đầu tiên) là một trong những lớp tàu khu trục mới nhất và có hoả lực mạnh nhất của hải quân Trung Quốc, được cho là tương đương lớp tàu khu trục Arleigh Burke của Mỹ. Lớp tàu Type 052D dài 154 m, ngang 17 m, trang bị các radar mảng pha chủ động quét điện tử (AESA), được xem là loại tàu Aegis phiên bản Trung Quốc.
Lớp tàu này vũ trang 1 pháo chính loại 130 mm, 64 ống phóng tên lửa thẳng đứng bố trí ở đầu và cuối tàu, có thể phóng các tên lửa phòng không hoặc tên lửa hành trình, tên lửa diệt hạm. Tàu lớp này còn có pháo bắn nhanh tầm gần, ngư lôi, vũ khí chống ngầm, mang theo 1 trực thăng loại Ka-27 săn ngầm. Tầm hoạt động của tàu là 5.000 hải lý (cỡ 8.000 km), thuỷ thủ đoàn 280 người.
Có thông tin cho biết loại tên lửa CJ-10 của Trung Quốc rất có thể là bản sao chép các công nghệ tên lửa nước ngoài từ những năm 1990 như tên lửa hành trình diệt hạm Kh-55 (mua của Ukraine) và tên lửa Tomahawk của Mỹ (mua lại các tên lửa loại này bị rơi hoặc không nổ từ các nước Iraq, Pakistan, Serbia).
Vấn đề là các tàu tên lửa nhỏ của Nga không cần phải ra khỏi lãnh hải cũng đủ sức tạo ra hoả lực mạnh vào kẻ thù ở tầm rất xa, cả ngàn km; còn các nước khác muốn có hoả lực đó phải sử dụng đến tàu chiến cỡ lớn. Các chuyên gia Mỹ cũng đã thừa nhận vấn đề này. Như vậy việc mạng Sina của Trung Quốc đem tàu khu trục ‘khủng’ ra so với tàu tên lửa nhỏ của Nga thật buồn cười.
Theo Thanh Niên