La Croix có bài phân tích về Trung Quốc nơi mà chiến dịch «trăm hoa đua nở» trong thập niên 1950 và các đợt thanh trừng tiếp theo đã làm chết hàng chục triệu người, sẽ bước vào năm Bính Thân 2016 như thế nào.
Trung Quốc sắp rời năm Dê bước vào năm Khỉ, biểu tượng của bất trắc của những đòn gian xảo và ảo tưởng... Trên đây không phải là bói toán tử vi mà là những phân tích nghiêm túc của nhật báo La Croix.
Theo các chuyên gia được La Croix đặt câu hỏi, cho dù các chỉ số kinh tế chưa báo hiệu kịch bản tai họa, nhưng Trung Quốc đứng trước ba bất trắc kinh tế, chính trị và xã hội, chưa tính đến những biến chuyển quốc tế như bầu cử tổng thống tại Đài Loan vừa qua và bầu tổng thống Mỹ sắp tới. Bắc Kinh còn đủ sức ổn định tài chính trong ngắn hạn để chịu đựng cơn «sốc» cải cách các xí nghiệp quốc doanh hút máu ngân sách, nhưng hai năm tới bắt buộc phải cải tổ cấu trúc cần thiết thì lúc đó sẽ ra sao ?
Thật ra, tình hình kinh tế trì trệ hiện nay chứng tỏ chủ tịch Tập Cận Bình không nắm toàn quyền như ông muốn chứng tỏ. Từ hơn hai năm nay, sự chống cự bên trong đảng rất mạnh, làm cho nội bộ căng thẳng, phe nhóm phân chia. Tạm thời, phong trào phản kháng có tổ chức chưa trỗi dậy, vì bộ máy quyền lực kiểm soát chặt chẽ.
Trong hơn hai năm qua, xã hội Trung Quốc bị o ép chưa từng thấy kể từ các thập niên gần đây. Lúc ông Tập Cận Bình mới lên, nhiều người tươngr rằng chính sách «bài trừ tham nhũng» là để trong sạch hóa hệ thống kinh tế để có thể thực hiện cải tổ chính trị trên nền tảng Nhà nước thượng tôn pháp luật như ông Tập Cận Bình thường tuyên bố.
Giáo sư Marie Holzman, chủ tịch Hiệp Hội Đoàn Kết Trung Quốc, cho biết: trong thời gian gần đây, nhiều người Trung Quốc gọi đất nước họ là «Tây Triều Tiên» có nghĩa là thi hành một số chính sách còn cứng rắn hơn xứ sở của ông Kim Jong Un. Vì ngoài ý do chính trị, Tập Cận Bình còn mang trọng trách «gia truyền» của người cha cách mạng để lãnh đạo đảng. Theo La Croix, để bảo đảm tính «chính danh», ông Tập Cận Bình sẽ còn tỏ ra cứng rắn hơn nữa.
Trong khi đó các báo Pháp ghi nhận, với TPP (Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương), Mỹ đã công khai tuyên bố chiến thắng Trung Quốc trong trận chiến thương mại quốc tế, theo nhận định của La Croix và Libération.
Libération cho rằng, tổng thống Mỹ có lý do hoan hỉ khi tuyên bố không để cho Trung Quốc chỉ đạo kinh tế toàn cầu. Hiệp Định TPP với 12 thành viên, tuy còn phải chờ ít nhất 2 năm để được quốc hội từng nước phê chuẩn, sẽ cho phép Mỹ duy trì thế thượng phong trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao trong chiến lược «xoay trục». Trong trận thế này, Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đóng vai trò cánh tay phải ở châu Á của Washington. Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh cũng năng nổ lập một vùng mậu dịch tự do khác với các nước châu Á và nghiên cứu đánh giá lợi hại của TPP.
Cùng nhận định, La Croix đưa bản đồ hai vùng mậu dịch tự do cạnh tranh nhau tại Châu Á Thái Bình Dương, nhưng dự báo phần thắng «nghiêng về phía Mỹ ». La Croix nhấn mạnh là TPP sẽ giúp thế giới tăng trưởng 0,40% mỗi năm kể từ 2030. Đối với những đối tác «nhỏ» như Việt Nam và Malaysia, tỷ lệ tăng trưởng theo thứ tự lên đến 3% và 1,5%.
Bị đặt ra bên lề, Trung Quốc cố gắng thành lập vùng mậu dịch riêng, nhưng theo La Croix, về lâu về dài Bắc Kinh cũng phải gia nhập TPP cũng như Liên Hiệp Châu Âu đang đàm phán với Mỹ Hiệp Định Thương Mại Xuyên Đại Tây Dương TAFTA.