Các chủ sở hữu nhà của Trung Quốc đang mất dần niềm tin suốt nhiều thập kỷ qua rằng bất động sản là nơi tích trữ của cải đáng tin cậy, làm suy yếu ngay cả các thị trường nhà được khao khát như Thượng Hải và gây thêm sức ép lên chính quyền trong việc tìm nguồn tăng trưởng kinh tế mới.
Giá nhà chào bán tại trung tâm tài chính Thượng Hải đã giảm trong 3 tháng liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19 vào cuối năm ngoái, theo dữ liệu của Centaline Group.
Trong khi đó, báo cáo của Economic Observer cho biết, số lượng nhà còn tồn lại tăng lên, nhưng số giao dịch mua bán trong thành phố này đã giảm đi 1/3 trong tháng 5 so với tháng 3.
Cuộc phỏng vấn với các chủ sở hữu nhà, hãng môi giới bất động sản và các chuyên gia phân tích đã cho thấy xu hướng giảm này xuất phát từ sự suy giảm niềm tin của người dân Trung Quốc vào việc bất động sản luôn là một hình thức đầu tư an toàn nhất.
Mặc dù sự thay đổi trong tâm lý người dân, xét theo góc độ, là điều đáng mừng đối với các nhà hoạch định chính sách bởi muốn ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nhưng nguy cơ suy thoái lại đang tăng ngay trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà. Xét về dài hạn, chính quyền các cấp có thể gặp khó khăn trong việc thay thế bất động sản như động lực tăng trưởng chính.
“Sức ép bán nhà vốn đang gia tăng” ở Thượng Hải, theo Jun Li, giám đốc đầu tư đến từ Quỹ đầu tư Power Sustainable trụ sở tại Canada. “Dường như các chủ sở hữu nhà tin rằng thị trường đã đạt đỉnh”.
Cơ hội cuối để kiếm tiền
Ông Song, một nhân viên ngân hàng vừa bán căn hộ của mình ở quận Tĩnh An, Thượng Hải với giá 10 triệu NDT (1,4 triệu USD) cho hay ông coi đây là cách cuối cùng để kiếm tiền từ đợt bùng nổ bất động sản.
Người đàn ông 35 tuổi này vẫn sở hữu nhiều bất động sản khác ở Trung Quốc, nhưng muốn giảm thiểu rủi ro bởi kỳ vọng sẽ áp thuế bất động sản và đà giảm kéo dài trong ngành này.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều chủ sở hữu nhà trên khắp Trung Quốc. Giá nhà hiện tại ở 100 thành phố đã trải qua đợt sụt giảm tồi tệ nhất trong tháng 5, kể từ năm 2022, theo dữ liệu được tổng hợp bởi công ty nghiên cứu China Index Academy.
“Thượng Hải hiện là thị trường nhà ở có sẵn trì trệ nhất ở Trung Quốc”, Yan Yuejin, giám đốc nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House Trung Quốc, nói. “Trên khắp cả nước, cung và cầu trên thị trường thứ cấp cũng xấu đi”.
Các chủ sở hữu nhà tại Thâm Quyến cũng phải hạ giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016, theo dữ liệu của Centaline Group.
Nhiều người đang tìm cách bán nhà do lo ngại về viễn cảnh kinh tế, do nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp đói vốn và tình trạng thất nghiệp.
Ở Hàng Châu, nơi có trụ sở chính của Alibaba Group Holding Ltd., một chủ nhà sống tại vùng ngoại ô đã phải hạ giá nhà 17% do không tìm được người mua trong suốt 6 tháng, theo một người môi giới tên Gong.
"Tâm lý hoang mang trong ngành bất động sản Trung Quốc khiến các nhà hoạch định chính sách phải xem xét các biện pháp hỗ trợ mới để thúc đẩy nền kinh tế" - Bloomberg nhận định.
Các cơ quan quản lý đang cân nhắc về việc giảm các khoản thanh toán ở một số khu dân cư không cốt lõi của các thành phố lớn, giảm hoa hồng của các bên môi giới bất động sản, và nới lỏng thêm các hạn chế đối với việc mua nhà ở.
Chu kỳ mới
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, nhu cầu nhà ở khó có thể tăng trở lại trong một sớm một chiều, thêm rằng Trung Quốc có thể trải qua một giai đoạn thị trường bất động sản sụt giảm và sau đó đi ngang.
“Chu kỳ này khác với chu kỳ trước đây, bởi các nhà hoạch định chính sách dường như quyết tâm không sử dụng lĩnh vực bất động sản như một công cụ kích thích ngắn hạn nữa”, các chuyên gia phân tích của Goldman viết. “Chúng tôi tin rằng ưu tiên chính sách của họ là kiểm soát tốt đà giảm kéo dài nhiều năm thay vì tạo ra một chu kỳ tăng”.
Về dài hạn, Trung Quốc sẽ trải qua một đợt thay đổi về cấu trúc do già hóa dân số, và phạm vi hạn chế để di chuyển thêm người dân vào các thành phố. Tốc độ đô thị hóa của nước này được dự kiến sẽ đạt đỉnh là 75%, từ mức 64,7% trong năm 2021 – tất cả những yếu tố này đang ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
Trạng thái bi quan này đang ngày càng thể hiện rõ ở Thượng Hải, khi mà các biện pháp phòng chống COVID hà khắc được áp dụng trong suốt 3 năm qua và làm suy yếu niềm tin vào viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc khiến các chủ sở hữu nhà và người thuê nhà thu dọn hành lý rời đi.
Cuộc di cư khỏi Thượng Hải
Là nơi được nhiều công ty nước ngoài ưa thích, Thượng Hải từng là nhà của ¼ người nước ngoài sinh sống tại Trung Quốc trước năm 2022. Thành phố này đã chứng kiến làn sóng di cư sau khi lệnh phong tỏa khiến cho gần 25 triệu người phải ở trong nhà suốt hơn 2 tháng.
Khoảng 25% người Đức sinh sống ở Thượng Hải đã rời khỏi thành phố này, trong khi số công dân Pháp và Italy đăng ký sinh sống tại đây cũng giảm 20%, theo báo cáo của Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu.
Tại Lianyang, số liệu của Bloomberg cho thấy, một quận trung tâm nổi tiếng với những người nước ngoài và tài phiệt ở Thượng Hải, giá nhà ở đã giảm 15-20% từ mức cao kỷ lục thời điểm giữa năm 2021.
Yi, 31 tuổi sinh sống tại Thượng Hải, đã bán ngôi nhà vùng ngoại ô của bà trong tháng 4 vừa qua với giá 4 triệu NDT, sau khi đã hạ giá 11% so với giá chào bán ban đầu. Trong tháng đó, số lượng nhà đã qua sử dụng chưa được bán lên tới mức cao kỷ lục, 200.000 đơn vị, theo Economic Observer.
Yi cho hay bà rất cần tiền mặt nên muốn bán gấp căn nhà của mình. “Giờ thì thị trường thuộc về người mua”, bà nói./.
Trung Quốc: Giá căn hộ rẻ "như bắp cải" tại các thành phố nhỏ
3 xu hướng bất động sản có thể xảy ra ở Trung Quốc trong năm 2024
Thực hư chuyện "mua nhà rẻ như rau" ở thành phố Hạc Bích, Trung Quốc
Theo Bloomberg