Tờ Epochtimes gần đây có bài viết cho rằng mặc dù Trung Quốc phản ứng cứng rắn với chiến tranh thương mại do Mỹ tiến hành, nhưng vài tháng qua một loạt biện pháp của Trung Quốc cho thấy dưới sức ép của chiến tranh thương mại, Trung Quốc đang từng bước đáp ứng yêu cầu do phía Mỹ đưa ra.
Trung Quốc hiện hầu như sẵn sàng đàm phán vấn đề điều chỉnh kế hoạch chiến lược “Trung Quốc chế tạo 2025”. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng kế hoạch chiến lược này tạo ra mối đe dọa lâu dài cho các ngành nghề lớn của Mỹ như chế tạo máy bay, chất bán dẫn và dược phẩm – tờ Thời báo New York ngày 9/8 cho hay.
Theo bài báo, lập trường hiện nay của Trung Quốc là giải quyết quan hệ căng thẳng thương mại không nên gây trở ngại cho sự phát triển tiếp theo của kinh tế nước này, nhưng có thể tiến hành điều chỉnh đối với “Chế tạo Trung Quốc 2025”.
Hiện nay, chính quyền Donald Trump đã đưa ra yêu cầu chấm dứt cung cấp các loại trợ cấp cho các ngành nghề do kế hoạch “Chế tạo Trung Quốc 2025” đề cập đến, bao gồm cho vay chi phí thấp của ngân hàng nhà nước; chấp nhận Mỹ xuất phát từ nguyên nhân an ninh quốc gia, tiến hành tăng thuế quan lên những ngành nghề này; chấm dứt hoạt động gián điệp mạng nhằm ăn cắp bí mật thương mại; chấm dứt cách làm yêu cầu công ty Mỹ chia sẻ công nghệ then chốt với công ty Trung Quốc.
Theo tiết lộ của một số người tham gia quyết sách của ông Donald Trump, vài trăm doanh nghiệp phương Tây đã xem xét lại vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ. Các CEO đang tìm cách di dời nhà máy lắp ráp cuối cùng sản phẩm tới khu vực ngoài Trung Quốc, chủ yếu là các khu vực khác của châu Á hoặc các nước có chi phí lao động thấp như Mexico.
Tiến hành lắp ráp cuối cùng ở ngoài Trung Quốc sẽ làm cho các công ty vượt qua thuế quan mới của Mỹ. Làm như vậy có thể làm cho nhập siêu thương mại với Trung Quốc của Mỹ bắt đầu giảm đi trong vài năm tới.
Trung Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng thay đổi một bộ phận vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu trong chính sách ngành nghề của họ. Trong khuôn khổ “Chế tạo Trung Quốc 2025”, Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm phương thức cung cấp vốn cho nghiên cứu phát triển nhiều hơn, chứ không phải là cung cấp vốn cho việc lập tức xây dựng một loạt nhà máy. Quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép trợ cấp nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: New York Times.
|
Trong đàm phán trước đây với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, phía Mỹ đã đưa ra 3 yêu cầu lớn như Bắc Kinh hủy bỏ các biện pháp như trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, áp dụng nhiều biện pháp hơn để giảm tối đa thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Nhưng điều này từng bị phía Trung Quốc từ chối.
Theo bình luận viên thời sự Lý Lâm Nhất, điều Trung Quốc lo ngại nhất là các doanh nghiệp nước ngoài mạnh tay rút vốn khỏi Trung Quốc, vì vậy nhượng bộ rất bình thường. Nếu không, khi vốn đầu tư nước ngoài rút đi, sẽ giáng một đòn “chí mạng” đối với dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
Gần đây, giáo sư Lý Hiểu, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc cho rằng trong 1.900 tỷ USD dự trữ ngoại hối giá trị thực, có tới 80% trở lên do các công ty đầu tư nước ngoài nắm giữ.
Theo Lý Lâm Nhất, sau khi Mỹ đưa ra các yêu cầu, Trung Quốc mạnh mẽ đáp trả, nhưng đây đều là “tạo dáng” để cho người dân nhìn. Trên thực tế, Trung Quốc đang từng bước đáp ứng yêu cầu của Mỹ, đây đã là “bí mật” không thể nói rõ.
Gần đây, đồng nhân dân tệ đổi sang đồng USD liên tục sụt giảm trong 8 tuần, mức sụt giảm tổng cộng đạt 6,7%, lập kỷ lục liên tục sụt giá đồng nhân dân tệ lâu nhất kể từ năm 1994 đến nay. Từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 8/2018, đồng nhân dân tệ đổi sang USD từ 6,27 liên tục trượt đến 6,88, mức trượt trên 9,7%.
Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lên lên án Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái. Ngày 19/7, ông Donald Trump cho rằng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ gần đây “rơi như một hòn đá”, Trung Quốc đang dùng phương thức thao túng tỷ giá đồng nhân dân tệ để tránh trừng phạt của Mỹ, trái lại đồng USD lại đang mạnh lên, điều này bất lợi cho Mỹ.
Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng việc Trung Quốc đánh tụt giá đồng tiền chắc chắn đã tạo ra ưu thế bất công. Mỹ sẽ đánh giá nghiêm túc việc Trung Quốc có phải đang thao túng tỷ giá hối đoái hay không.
Ngày 20/7, ông Donald Trump tiếp tục đăng lên Twitter chỉ trích Trung Quốc trực tiếp thao túng việc tụt giá đồng tiền và lãi suất.
Ngày 3/8, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) ra tay ngăn chặn sụt giá, kết quả chỉ trong vòng 1 giờ, tỷ giá nhân dân tệ cao hơn 6,83 nhân dân tệ. Cố vấn PBOC là Thịnh Tùng Thành chỉ ra, việc khấu hao tỷ giá hối đoái sẽ gây ra rất nhiều vấn đề, bao gồm áp lực chảy vốn ra nước ngoài tăng lớn, dễ làm cho va chạm thương mại leo thang hơn nữa.
Hiện nay có các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chuyển từ “cao giọng mắng mỏ” trước đây chuyển sang thái độ dịu đi. 1 tháng trước, nhà cầm quyền Trung Quốc hạ lệnh cho báo chí nhà nước “không nên sử dụng những lời nói quá khích đối với Donald Trump”. Trước đó nữa, nhà cầm quyền Trung Quốc còn ra lệnh không được đưa tin và đề cập đến “chiến tranh thương mại”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Dwnews.
|
Một loạt biện pháp do Trung Quốc đưa ra trong vài tháng qua cho thấy Trung Quốc từng bước đáp ứng yêu cầu thương mại của Mỹ.
Ngày 11/7, chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết sẽ thúc đẩy thực hiện “100 điều tăng cường mở cửa Thượng Hải”. Đến nay, Thượng Hải đã thực hiện 74 điều, bao gồm tiếp tục hủy bỏ hạn chế về tỷ lệ cổ phần của vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như ô tô sử dụng năng lượng mới, tài chính.
Các thông tin công khai cho biết vào tháng 4/2018, Công ty TNHH kinh doanh bảo hiểm Willis đã nhận được giấy phép của nhà cầm quyền Thượng Hải, cho phép mở rộng hoạt động kinh doanh. Tháng 5/2018, Công ty TNHH kinh doanh bảo hiển JLT cũng nhận được giấy phép tương tự.
Ngày 28/6, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia, Bộ Thương mại Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế nhà đầu tư nước ngoài giữ cổ phần trên 22 lĩnh vực gồm nông nghiệp, điện lực, giao thông, tài chính.
Có chuyên gia cho rằng những lĩnh vực như nông nghiệp, tài nguyên thượng nguồn, điện lực, giao thông, tài chính đều là các dự án liên quan đến quốc kế dân sinh, nhưng nay lại được Trung Quốc tăng cường “mở cửa”.
Chính sách nới lỏng hạn chế đầu tư nước ngoài này của Trung Quốc đã lập tức có tác dụng tích cực. Ngày 10/7, công ty Tesla đã ký thỏa thuận xây dựng siêu nhà máy thứ ba ở Thượng Hải. Công ty này sẽ đầu tư 9 tỷ USD tại Trung Quốc với mục tiêu sản xuất 500.000 chiếc ô tô điện hoàn chỉnh/năm.
Tuy nhiên, CEO của công ty Tesla cho biết nhà máy mới được xây dựng ở Trung Quốc theo kế hoạch sẽ nhận được khoản vay từ một ngân hàng địa phương.
Theo đánh giá của bình luận viên Lý Lâm Nhất, dòng tiền mặt của Tesla rất căng thẳng, tổng nợ đã trên 22 tỷ USD, việc xây dựng nhà máy ở Thượng Hải cần 2 tỷ USD, phần lớn vốn sẽ huy động bằng cách phát hành nợ địa phương, tức là “mượn tiền của Trung Quốc”, tình hình này tương đối hiếm có. Bởi vì, ngay cả doanh nghiệp Trung Quốc cũng khó làm được việc này.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn kêu gọi “loại bỏ đòn bẩy”, kiểm soát nợ địa phương. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã nhượng bộ Mỹ.
Từ ngày 2 - 4/5/2018, đoàn đại biểu Mỹ đến Bắc Kinh. Theo báo chí Trung Quốc, trong cuộc đàm phán đầu tiên giữa Trung - Mỹ, Mỹ đã đưa ra các yêu cầu chủ yếu và cụ thể sau đây:
- Bắt đầu từ tháng 7/2018, cứ 12 tháng ít nhất giảm thâm hụt thương mại với Mỹ 100 tỷ USD. Đến cuối năm 2020, so với cuối năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ít nhất giảm 200 tỷ USD.
- Tính đến ngày 1/7/2020, thuế quan nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống tương đương hoặc thấp hơn mức thuế quan của Mỹ đối với cùng một hàng hóa.
- Lập tức hủy bỏ trợ cấp và các hỗ trợ chính phủ khác đối với 10 ngành chế tạo khoa học công nghệ cao được xác định trong “Chế tạo Trung Quốc 2025”.
- Hủy bỏ hạn chế đầu tư đối với các công ty nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc, bao gồm giới hạn cổ phần của các công ty nước ngoài trong các công ty liên doanh bản địa Trung Quốc; trước ngày 1/7/2018 đưa ra danh sách kiểm soát xuất nhập khẩu (negative list) mới.
- Trước ngày 1/1/2019, Bắc Kinh chấm dứt chính sách và cách làm cụ thể liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (cưỡng chế chuyển giao công nghệ, yêu cầu của công ty liên doanh).
Do sức ép to lớn từ chiến tranh thương mại, Trung Quốc được cho là đang từng bước nhượng bộ Mỹ. Ảnh: Epochtimes.
|
Theo bình luận viên Lý Lâm Nhất, dưới sức ép của Mỹ, Trung Quốc đang từng bước đáp ứng yêu cầu thương mại của Mỹ: Hủy bỏ trợ cấp có thể thực hiện trong tương lai; hạn chế đầu tư đã được loại bỏ; việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mặc dù chưa đưa ra cam kết bằng lời nói, nhưng đang ngầm hoặc đã từng bước triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn cả trong và ngoài nước, không loại trừ Trung Quốc cũng có “thủ đoạn” của mình.
Lý Lâm Nhất cho rằng trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc cũng có “át chủ bài”. Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đã có bài viết hoan nghênh sự quay trở lại của Google với tiền đề là tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Điều này cho thấy mặc dù trước đó Mỹ đưa tường lửa vào hàng rào thương mại, nhưng Trung Quốc không bỏ qua giới hạn kiểm soát ngôn luận. Bất cứ hành vi nào đe dọa thực tế tới sự ổn định của chế độ thì Trung Quốc đều sẽ không nhượng bộ.