Trung Quốc báo động vì tỷ lệ sinh đẻ thấp, lực lượng lao động giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dân số Trung Quốc đã tăng tới 1,412 tỉ trong thập kỷ qua, tốc độ thấp nhất kể từ những năm 1950, trong khi lực lượng lao động đang giảm dần cùng với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng.
Dân số Trung Quốc đã tăng lên 1,412 tỉ người trong năm 2020 (Ảnh: Reuters)
Dân số Trung Quốc đã tăng lên 1,412 tỉ người trong năm 2020 (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Cục Thống kê Quốc gia (NBS) nói rằng dân số Trung Quốc sẽ vẫn ở mức trên 1,4 tỉ “trong một khoảng thời gian nhất định”, khi họ công bố kết quả tổng điều tra dân số vào ngày 11/5, nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng cần phải có ngay các biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề về tỷ lệ sinh đẻ giảm, tránh số phận như Nhật Bản – nước có đà tăng trưởng kinh tế suy giảm cũng do xu hướng trên.

Dân số của Trung Quốc đại lục đã tăng 5,38% trong năm 2020, so với 10 năm trước, đây là tốc độ thấp nhất kể từ khi các cuộc tổng điều tra dân số được bắt đầu thực hiện vào năm 1953.

Số trẻ em mới sinh trong năm 2020 ở Trung Quốc là 12 triệu, giảm từ mức 14,65 triệu trong năm 2019, theo NBS, đánh dấu mức giảm 18% theo từng năm và sắp tiếp cận tới mức thấp nhất trong vòng 6 thập kỷ.

Tỷ lệ sinh đẻ - số lượng trẻ em trên mỗi phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ - đã giảm xuống còn 1,3, dưới mức 2,1 mà giới chuyên gia cho là cần phải duy trì để giữ cho dân số ổn định.

“Dân số Trung Quốc sẽ đạt tới mức đỉnh trong tương lại, nhưng thời điểm cụ thể vẫn chưa chắc chắn. Hy vọng rằng tổng dân số sẽ giữ vững ở mức trên 1,4 tỉ trong khoảng thời gian tới” – người đứng đầu NBS, Ning Jizhe, nói trong cuộc họp báo ngày 11/5.

Mặc dù các nguồn lực lao động của Trung Quốc “vẫn dư thừa”, nhưng tình trạng già hóa dân số đã trở thành “một thực tế cơ bản”, ông Ning nói. “Dân số ở độ tuổi lao động đang giảm dần một cách chậm rãi theo từng năm, bởi vậy cơ cấu của nền kinh tế và sự phát triển công nghệ cần phải được điều chỉnh để thích nghi”, ông nói thêm.

Dữ liệu tổng điều tra dân số cũng nêu rằng lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm trong thập kỷ tới, một xu hướng có thể làm suy yếu sản lượng của nền kinh tế nước này về lâu về dài, kéo theo cả nhu cầu tiêu dùng và động lực đổi mới.

Bắc Kinh vốn đã nhận thức rõ những thách thức về nhân khẩu học và trong tháng 3 năm nay từng tuyên bố rằng họ sẽ dần dần tăng độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc lên 60 đối với nam và 55 đối với nữ.

Dữ liệu mới dường như cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi về nhiều vấn đề, như gỡ bỏ hạn chế số lượng con cái mà một gia đình được phép có, hay gỡ bỏ hệ thống hộ khẩu vốn hạn chế quyền di chuyển và cơ hội kiếm việc của các công nhân vùng nông thôn.

“Một thực tế nghiệt ngã là Trung Quốc đang già hóa rất nhanh chóng. Một thực tế còn nghiệt ngã hơn là Trung Quốc đang già đi trước khi giàu lên” – Larry Hu, chuyên gia kinh tế thuộc Macquarie Group, nhận định – “Mức độ già hóa ở Trung Quốc đã ngang bằng mức của Nhật Bản trong năm 1992, và của Hàn Quốc trong năm 2015”.

Mặc dù các chuyên gia nhân khẩu học tin rằng vẫn còn thời gian để đảo ngược cuộc khủng hoảng dân số, nhưng Bắc Kinh sẽ cần phải đưa ra hành động mạnh mẽ và kịp thời. Việc gỡ bỏ hạn chế sinh con là chưa đủ để tạo nên sự khác biệt rõ ràng. Theo họ, chính quyền cần đưa ra khuyến khích về tài chính để giúp phụ nữ cân bằng giữa chi phí nuôi con và sự nghiệp, khuyến khích tạo lập gia đình.

“Chúng ta cần phải thận trọng về xu hướng giảm mức tăng dân số, mặc dù dân số vẫn tiếp tục tăng trong năm 2020, bởi gần như không thể nào thay đổi được xu hướng dân số” – Guan Qingyou, nhà kinh tế và là chủ tịch của Viện Tài chính cao cấp Rushi, viết trên Weibo.

Ông Guan nói ông kỳ vọng dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và sau đó giảm dần.

Tuy nhiên, Ren Zeping, nhà kinh tế học thuộc hãng Soochow Securities, ước tính rằng dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm ngay trong 5 năm tới.

“Già hóa dân số, tỷ lệ sinh đẻ và kết hôn giả đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Đây là một trong số những thách thức về phát triển kinh té và xã hội mà Trung Quốc đang phải đối mặt” – ông Ren viết trên Weibo.

James Liang, Giáo sư chuyên ngành kinh tế ứng dụng tại ĐH Peking, dự báo rằng trong vòng 10 năm tới, số phụ nữ Trung Quốc thuộc nhóm tuổi mang thai, từ 22 – 35, sẽ giảm hơn 30% so với hiện tại.

“Nếu chúng ta giảm chi phí nuôi con và đưa ra những chính sách khuyến khích cho phụ nữ, đặc biệt là ở các thành phố lớn vốn có chi phí nhà ở và nuôi con cao hơn, tôi cho rằng tỷ lệ sinh đẻ sẽ tăng lên” – ông Liang nói.

Dân số Trung Quốc theo khu vực (Ảnh: SCMP)

Dân số Trung Quốc theo khu vực (Ảnh: SCMP)

Cai Fang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, kêu gọi chính quyền Bắc Kinh có hành động tức thì để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số sắp đến.

“Rõ ràng là việc gỡ bỏ chính sách hạn chế số lượng con trong một gia đình là phù hợp với ý chí của người dân và lợi ích quốc gia của Trung Quốc” – ông Cai viết trong một bài xã luận đăng tải trên tạp chí Caixin – “Tuy nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng điều kỳ diệu xảy ra giúp tăng tỷ lệ sinh đẻ và trì hoãn già hóa dân số”.

Nhìn vào dân số giảm dần của Nhật Bản, điều đó khiến nguồn cung hàng hóa và dịch vụ vượt quá lượng cầu, ông Cai nói.

“Trung Quốc vẫn chưa đến điểm bước ngoặt này, nhưng nhiều quốc gia khác đã phải trải qua 2 điểm bước ngoặt, như Nhật Bản, và đó là nhưng kinh nghiệm và bài học mà chúng ta cần học hỏi” – ông nói.