Phát biểu trước hàng trăm phái đoàn tham dự Đối thoại quốc phòng Shangri-La, ông Shanahan đã tránh nhắc trực tiếp đến tên Trung Quốc, nhưng lên tiếng chỉ trích rằng “một số bên trong khu vực của chúng ta” đã sử dụng cái mà ông gọi là “công cụ đe dọa” ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó bao gồm khu vực Biển Đông.
Thứ “công cụ” mà ông Shanahan đề cập tới bao gồm việc xây dựng đảo, triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tới các khu vực tranh chấp, hoạt động đánh cắp trong kinh tế và hoạt động đánh cắp công nghệ dân sự, quân sự được nhà nước bảo trợ - tất cả các hoạt động mà Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ 1,3 triệu dặm vuông diện tích Biển Đông và tăng cường khẳng định chủ quyền một cách hung bạo, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng sẽ không bao giờ từ bỏ “một ly lãnh thổ”. Giới chức Mỹ, trong khi đó, đã tuyên bố sẽ tiếp tục bảo đảm sự tự do hàng hải và mở cửa của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ông Shanahan nói rằng, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là vũ đài quan trọng nhất của Mỹ nếu xét về phương diện an ninh. “Chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ trong lúc một số quốc gia sử dụng luận điệu thân thiện để che đậy những hành động không thân thiện” – ông Shanahan nói thêm rằng Washington có một mạng lưới các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương “sâu và rộng hơn” so với Trung Quốc.
Peter Layton – cựu quan chức quốc phòng Australia và là chuyên gia phân tích thuộc Viện Griffith châu Á – đã gọi bài phát biểu của ông Shanahan là “hơi đáng thất vọng”. “Họ tiếp tục đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc nhưng lại không đưa ra một chiến lược để giải quyết các mối quan ngại hay thực hiện hóa chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện hữu như nhiều người kỳ vọng” – ông Layton nhận định.
Bà Meia Nouwens – chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London (Anh) – cũng cho rằng ông Shanahan đã không thể xoa dịu mối lo âu của các đồng minh châu Á. “Tôi nghĩ rằng, rõ ràng là các quốc gia trong khu vực sẽ vẫn quan ngại về việc phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc” – bà Nouwens nói.
Sau đó, ông Shanahan có trực tiếp nhắc tới Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc từng có thời là một đối tác của Mỹ trong sự thịnh vượng của khu vực, và nước này cần phải thay đổi cách mà họ hành động để có thể trở thành một đối tác tích cực một lần nữa.
“Hành vi khiến xói mòn chủ quyền các nước khác cùng những ý định gây mất niềm tin của Trung Quốc cần phải chấm dứt” – ông Shanahan nói. Trong lúc tiếp nhận các câu hỏi từ bên dưới sau bài phát biểu, ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không phớt lờ hành vi của Trung Quốc. Trong quá khứ, nhiều người vẫn cứ thấp thỏm vì điều này”.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, Washington và Bắc Kinh có nhiều vấn đề về lòng tin cần được giải quyết, trong đó có tranh cãi về mạng viễn thông 5G – một vấn đề mà Washington đang xung đột với Huawei, tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực này của Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng bài phát biểu của ông Shanahan vãn chưa đủ sức mạnh (Ảnh: CNN)
|
“Tôi không thấy một cuộc thương chiến”
Ít nhất ở một mặt nào đó, ông Shanahan đã giảm nhẹ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. “Tôi không thấy một cuộc thương chiến nào cả. Tôi chỉ thấy các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang diễn ra” – ông Shanahan nói.
Ông Shanahan cũng nói rằng mức độ niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được cải thiện bằng cách hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có chung quan điểm, như thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Chiều hôm thứ Sáu, ông Shanahan cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và tặng cho ông này một “cuốn sách đẹp” có nội dung về “chuyển dầu giữa các con tàu”, ám chỉ việc Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác trong việc ngăn chặn hoạt động chuyển hàng buôn lậu giữa các con tàu qua mặt các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ông Shanahan cũng cho hay, ông đã thảo luận với ông Ngụy về công nghệ 5G. Ông nói: “Huawei quá gần gũi với Chính phủ. Sự hòa nhập của các doanh nghiệp dân sự với quân đội là quá lớn. Điều đó là rủi ro lớn đối với Bộ Quốc phòng. Chúng tôi không thể tin tưởng vào sự an toàn của các mạng đó được”.
Trong lúc sắp kết thúc bài phát biểu của mình tại hội thảo quốc phòng, ông Shanahan đã tiếp nhận một câu hỏi từ một vị tướng lĩnh thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Vị tướng lĩnh hỏi: Kinh nghiệm của ông Shanahan khi còn làm một quan chức điều hành ở hãng Boeing sẽ giúp ích gì cho việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung?
“Kinh nghiệm làm việc của tôi ở Boeing đã được chuyển sang” – ông Shanahan nói – “Trung Quốc từng là khách hàng lớn nhất và cũng là bên cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi. Các bạn phải hiểu cách làm sao để cân bằng giữa hai thứ đó. Cạnh tranh có nghĩa rằng phải chơi theo luật”.
Tuy nhiên, câu trả lời của ông Shanahan vẫn chưa phải kết thúc của cuộc tranh luận ở Shangri-La. Ngày 2/6, ông Ngụy Phượng Hòa – quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng tham dự diễn đàn này trong 8 năm qua – sẽ đưa ra bài phát biểu quan trọng của mình.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu