Trùm tài phiệt Soros: Nếu EU không nhanh chóng hành động ở Ukraine....

Tờ Japan Times dẫn lời ông George Soros, một trong những ông trùm tài chính khét tiếng phố Wall, nhận định Liên minh châu Âu (EU) phải nhanh chóng hành động ở Ukraine để tránh những hậu quả tai hại.
Trùm tài phiệt Soros: Nếu EU không nhanh chóng hành động ở Ukraine....

Trong những năm gần đây, EU bị rối tung khi phải đối mặt với quá nhiều vấn đề. Hiện giờ, Liên minh này đang phải giải quyết hai cuộc khủng hoảng lớn đó là: Hy Lạp và Ukraine.

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã bị các bên giải quyết sai cách ngay từ đầu, do vậy đến giờ nó vẫn còn rất nhức nhối và không đi đến đâu.

Ông Soros đánh giá, mặc dù tính chất của cuộc khủng hoảng Ukraine khác so với Hy Lạp. EU chỉ có thể là thắng hoặc thua. Tuy vậy, EU lại đang đối phó với tình hình Ukraine như với Hy Lạp.

Ông cho rằng, đó là một phương pháp sai lầm, không những chẳng giải quyết được vấn đề mà còn tạo ra những hậu quả đáng ngại.

Ông trùm này nhận xét rằng, thực chất Nga chỉ muốn làm bất ổn Ukraine về cả kinh tế và chính trị để nước này không thể nghiêng sang EU, chứ không muốn giành chiến thắng quân sự vì nếu như vậy Moscow sẽ phải "chịu trách nhiệm với Kiev".

Ý định này được chứng minh bằng việc, Moscow đã hai lần tự từ bỏ vị thế chiến thắng của mình ở miền Đông Ukraine thành những thỏa thuận ngừng bắn.

Sự suy giảm vị thế của Ukraine kể từ thỏa thuận ngừng bắn Minsk 1 được kí kết hồi tháng 9/2014 và Minsk 2 hồi tháng 2/2015 đã cho thấy mức độ thành công của Tổng thống Nga Putin.

Tuy nhiên, ông Soros vẫn khẳng định, đó chỉ là chiến thắng tạm thời và Ukraine là một đồng minh rất giá trị mà EU không thể từ bỏ được.

Tổng thống Nga Putin tại một hội nghị của EU.
Tổng thống Nga Putin tại một hội nghị của EU.

Sai lầm ở đây là, châu Âu đang hỗ trợ nhỏ giọt cho Ukraine giống như với Hy Lạp. Kết quả, Kiev gần như không thể bước qua được những khó khăn, trong khi đó ông Putin luôn là người “đi trước một bước”. EU và Ukraine luôn phải vật lộn để đối phó với Nga.

Ông Soros khẳng định, Ukraine đang ngày càng bị suy thoái. Sự sụp đổ tài chính mà ông đã cảnh báo trong nhiều tháng qua đã diễn ra hồi tháng 2/2015 khi giá trị của đồng hryvnia giảm tới 50% chỉ trong vài ngày.

Ngân hàng Quốc gia Ukraine đã bơm một lượng tiền lớn để cứu hệ thống ngân hàng. Đỉnh điểm là vào ngày 25/2, ngân hàng trung ương quyết định siết chặt nhập khẩu và tăng lãi xuất lên tới 30%.

Đợt suy thoái đã làm lung lay niềm tin của công chúng và đe dọa các ngân hàng cũng như các công ty Ukraine. Nó cũng ảnh hưởng tới các chương trình của Ukraine trong thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU, do cũng đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính nên không sẵn sàng viện trợ song phương cho Ukraine. Vì vậy, Ukraine vẫn tiếp tục phải “đánh đu” bên bờ vực thẳm.

Tổng thống Ukraine Poroshenko gặp các quan chức EU tại Brussels hôm 30/8/2014
Tổng thống Ukraine Poroshenko gặp các quan chức EU tại Brussels hôm 30/8/2014

Trong khi chương trình cải cách triệt của Kiev đang bắt đầu có động lực và đang dần hình thành những kết quả mà cả công chúng Ukraine và châu Âu đều cảm nhận được thì hy vọng nhận được hỗ trợ từ phương Tây lại không mấy khả quan.

Điều đó khiến cho tình hình ở Kiev bị rơi vào thế rất chông chênh.

Từ đó, ông Soros nhận định, viễn cảnh dễ xảy ra là ông Putin sẽ đạt được những mục tiêu của mình khi Ukraine không thể một mình kháng cự được.

Trong khi đó, ông Putin sẽ có nhiều bạn ở châu Âu hơn, dẫn đến việc các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng sẽ bị gỡ bỏ.

Đó là kết quả tồi tệ nhất đối với châu Âu. Nội bộ liên minh này sẽ bị chia rẽ hơn nữa và sẽ bị biến thành một “chiến trường”, nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ. EU sẽ không còn là một liên minh có vai trò chính trị quan trọng của thế giới.

Một kịch bản nhiều khả năng khác là EU sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn khi Ukraine mới sụp đổ và lại trở về giống như Ukraine trước kia, một Ukraine có chính phủ thân Nga.

Chưa kể đến một bi kịch khác là, EU sẽ mất hoàn toàn cả Ukraine. Nếu như vậy, EU sẽ phải chi nhiều tiền để đối phó với các mối đe dọa mà phương Tây luôn lo sợ từ Nga hơn là chi tiền để giúp Ukraine.

Ông Soros cho rằng, để tránh các bi kịch trên, EU nên quyết định làm hết sức có thể để giúp đỡ Ukraine. Điều đó không chỉ giúp Ukraine mà còn giúp EU lấy lại được các giá trị và những nguyên tắc đã bị mai một. Ông Soros cho biết, ông ủng hộ mạnh mẽ chính sách này.

Theo Tri thức trẻ