Sáng sớm ngày 15/9, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương, phía đông Nhật Bản. Khoảng cách bay của tên lửa Triều Tiên lần này đã đạt khoảng 3.700 km, bay lên độ cao khoảng 770 km.
Tên lửa này được Mỹ và Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo tầm trung như Hwasong-12. Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Hành động này của Triều Tiên đã tiếp tục vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, kể cả Trung Quốc và Nga.
Hàn - Nhật - Mỹ phản ứng mạnh mẽ
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa được vài phút, trong một cuộc tấn công mô phỏng đối với Triều Tiên, Hàn Quốc đã phóng 2 quả tên lửa đạn đạo và chúng rơi xuống biển.
Quân đội Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên Hàn Quốc phóng tên lửa sau khi tăng cường trừng phạt, địa điểm phóng ở sân bay Sunan, phía bắc Pyongyang, thời gian phóng là trước 7 giờ sáng ngày 15/9.
Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một hội nghị an ninh khẩn cấp để bàn đối sách. Ông Moon Jae-in tuyên bố tăng cường đề phòng mối đe dọa xung điện từ trong trường hợp Triều Tiên tấn công hạt nhân và nguy hiểm khi Triều Tiên sử dụng vũ khí hóa học.
Ông Moon Jae-in còn kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế cùng thực hiện nghị quyết mới nhất của Hội đồng bảo an, thúc giục Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong khi đó, ngày 15/9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên án hành động này của Triều Tiên với “ngữ khí mạnh mẽ nhất”. Nhật Bản coi đây là hành động “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhanh chóng triệu tập hội nghị an ninh khẩn cấp tiến hành phân tích tình hình để xử lý về đối nội và đối ngoại. Nhật Bản sẽ tăng cường thu thập và trao đổi tin tức tình báo với các nước như Hàn Quốc và Mỹ, dự báo các hành động tiếp theo của Triều Tiên, sau đó đưa ra phản ứng.
Thủ tướng Nhật Bản còn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước Mỹ và Hàn Quốc tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nhật Bản sẽ hết sức nỗ lực bảo đảm an ninh cho công dân của mình.
Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, Nhật Bản “hoàn toàn không thể nhẫn nhịn” đối với các hành động nguy hiểm của Triều Tiên. Ông nói: “Nếu Triều Tiên tiếp tục đi trên con đường này thì sẽ không có tương lai tốt đẹp”.
Đối với vụ phóng tên lửa mới lần này của Triều Tiên. Mỹ cũng phản đối rất mạnh mẽ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, vụ phóng tên lửa mang tính khiêu khích của Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp lần thứ hai đối với đồng minh Nhật Bản chỉ trong vài tuần qua. Mối đe dọa liên tục này sẽ làm cho Triều Tiên bị cô lập hơn về ngoại giao và kinh tế.
Ông Rex Tillerson nhấn mạnh, một loạt nghị quyết của Hội đồng bảo an chỉ là hành động cần thiết nhất, chứ không phải là hành động cuối cùng. Mỹ kêu gọi tất cả các nước áp dụng biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Kim Jong-un.
Tuyên bố cho rằng Trung Quốc là nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Triều Tiên. Nga là nước tiếp nhận lớn nhất lao động của Triều Tiên. Trung Quốc và Nga phải tự triển khai các “hành động trực tiếp”, thể hiện họ không chấp nhận đối với hoạt động phóng tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, đại diện thường trực của Pháp tại Liên hợp quốc cho rằng hành vi của Triều Tiên đã từ mối đe dọa đối với các nước láng giềng và khu vực mở rộng đến mối đe dọa đối với thế giới, bao gồm châu Âu. Triều Tiên cần “trả giá” cho hành vi của mình.
Trung Quốc và Nga phản ứng
Trước vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc phản đối Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo tiến hành hoạt động phóng. Nhưng bà Oánh kêu gọi các bên giữ kìm chế, không làm những việc để tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên và khu vực trầm trọng hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/9 cũng khẳng định hành động phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và bà đã lấy đáng tiếc về điều này.
Nhưng Nga kêu gọi xem xét lại chính sách tạo sức ép và đe dọa đối với hai bên trong vấn đề này, cho rằng chính sách này có thể gây ra kết quả hoàn toàn trái ngược.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc thì cho rằng tình hình hiện nay đã tạo ra một “tuần hoàn xấu”, đó là khiêu khích, trừng phạt, rồi lại khiêu khích, lại trừng phạt. Các bên cần nghiên cứu và thảo luận để thoát khỏi “tuần hoàn xấu” này.
Hội đồng bảo an ra tuyên bố mới
Đối với vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, theo đề nghị của Đoàn đại biểu thường trực của Mỹ và Nhật Bản ở Liên hợp quốc, chiều ngày 15/9, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức hội nghị khẩn cấp, thảo luận vụ phóng tên lửa mới này của Triều Tiên.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố báo chí, mạnh mẽ lên án Triều Tiên ngày 15/9 phóng tên lửa đạn đạo về vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên lập tức chấm dứt hành vi khiêu khích.
Tuyên bố cho rằng để làm dịu tình hình căng thẳng, điều quan trọng nhất là Triều Tiên lập tức áp dụng hành động cụ thể, có thiện chí phi hạt nhân hóa. Tuyên bố tái khẳng định, cần thông qua phương thức ngoại giao hòa bình để giải quyết vấn đề mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Tuyên bố yêu cầu các nước thành viên thực hiện toàn diện và hoàn chỉnh các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an, nhưng không đề cập đến khả năng Hội đồng bảo an áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thông qua tuyên bố của người phát ngôn lên án mạnh mẽ Triều Tiên, kêu gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên chấm dứt các thử nghiệm mới, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an, tạo không gian cho tìm kiếm khôi phục đối thoại chân thành về phi hạt nhân hóa.
Ông Antonio Guterres cho biết tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ được các bên liên quan thảo luận trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới.
Vài ngày trước, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2375, quyết định tiến hành trừng phạt mới đối với việc Triều Tiên tiến hành thử bom H. Vì vậy, lần này Triều Tiên phóng tên lửa là để thể hiện thái độ cứng rắn, cho thấy họ sẽ không dừng phát triển hạt nhân và tên lửa.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu