Hồi tuần trước, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) lần đầu tiên công bố các bức ảnh cho thấy lãnh đạo Kim Jong-un đang thị sát "một tàu ngầm mới hoàn thiện" dự kiến "sẽ thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển phía Đông Triều Tiên", thêm rằng con tàu này "sẽ đi vào hoạt động" trên vùng biển Nhật Bản. Trong lúc giới chuyên gia đồn đoán về lớp tàu ngầm mới được chế tạo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp kín với các nhà lập pháp hàng đầu về vấn đề này.
Dẫn nguồn Bộ Quốc phòng, ông Lee Hye-hoon - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc hội - nói trước báo giới rằng, dù Triều Tiên tuyên bố rằng họ đang chế tạo một lớp tàu ngầm có trọng tải lên tới 3.000 tấn, nhưng thực chất con tàu này nhỏ hơn, tuy nhiên vẫn có khả năng sẽ là tàu ngầm lớn nhất từng được họ chế tạo trong nước, với khả năng mang tải được 3 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
"Có khả năng con tàu ngầm mới này nhỏ hơn chút ít so với tàu ngầm lớp Gorae (2.500 tấn)" - hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng cho hay, thêm rằng Triều Tiên có thể đã hiện đại hóa lớp tàu ngầm Romeo (1.800 tấn) có từ thời Liên Xô cũ nhằm thay thế dần hạm đội đã cũ kỹ.
Triều Tiên được cho là đang sở hữu hơn 70 tàu ngầm - có khi còn nhiều hơn cả Mỹ - nhưng nhiều chuyên gia tỏ ý hoài nghi về khả năng của các lớp tàu ngầm cũ kỹ đã có từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong khoảng thời gian đó, Liên Xô và Trung Quốc là những nước đồng minh của Triều Tiên để chống lại Hàn Quốc và liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Triều Tiên được cho là đã mua nhiều trang thiết bị thay thế, ngoài ra còn có 10 tàu ngầm lớp Golf II với độ choán nước 2.800 tấn, nhưng vẫn không rõ liệu số tàu ngầm này có đi vào hoạt động hay không. Năm 2017, một số bức ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang chế tạo một tàu ngầm cỡ lớn, con tàu lớn nhất từng được sản xuất trong nước, tại xưởng đóng tàu Sinpo ở tỉnh Nam Hamgyong. Năm ngoái, ông Kim Hack-yong - một đại diện đến từ đảng Hàn Quốc Tự do đối lập - dẫn một số nguồn tin quân sự cho hay, Triều Tiên đang phát triển một lớp tàu ngầm mới có khả năng mang tới 3 SLBM.
Kể từ năm 2015, Triều Tiên đã phóng ít nhất 5 SLBM, được tin là tên lửa Pukkuksong-1 (KN-11). Dù các vụ phóng thử này mang lại kết quả khác nhau, nhưng lần phóng gần nhất vào tháng 8/2016 cho thấy tên lửa này bay được 311 dặm và xuyên qua Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản sau khi được phóng từ một tàu ngầm lớp Gorae - còn gọi là lớp Sinpo hoặc lớp Pongdae.
Bức ảnh KCNA công bố ngày 25/8/2016 cho thấy một vụ phóng thử tên lửa Pukkuksong-1 (Ảnh: AFP)
|
Dự án Phòng thủ Tên lửa, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ước tính rằng tầm bắn thực sự của tên lửa KN-11 có thể lên tới 746 dặm (1.200 km). Tên lửa trên, được liệt vào danh sách các loại vũ khí "đang phát triển" cùng với tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tên Pukkuksong-2, hay KN-15.
Trong hôm thứ Tư vừa qua, Triều Tiên đã phóng thử nghiệm 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bay được 155 dặm (250 km) và đạt độ cao tối đa 19 dặm (30 km) từ bờ biển phía Đông Bắc nước này - theo Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc. Vụ thử nghiệm này là vụ thử thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Trước đó, ngày 25/7, Triều Tiên cũng phóng 2 tên lửa tầm ngắn, bay được 370 dặm (600 km) và đạt độ cao tối đa 30 dặm (48 km).
KCNA sau đó mô tả thứ vũ khí này như một "hệ thống phóng tên lửa dẫn đường cỡ nòng lớn, mới được phát triển". Lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng "vũ khí này rất lớn và nó sẽ trở thành tai họa không thể tránh khỏi đối với các lực lượng đang trở thành một mục tiêu lớn của thứ vũ khí này".
Quân đội Hàn Quốc cho hay, các loại vũ khí mà Triều Tiên sử dụng trong các vụ thử mới đây có nhiều điểm tương đồng với hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga. Hệ thống này có khả năng phóng đi các vật thể tốc độ cao, bay ở tầm cao thấp và thực sự là mối đe dọa đối với hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Triều Tiên cũng phóng 2 tên lửa tầm ngắn trong tháng 5 vừa qua, vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ sau vụ thử tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa nhất, cao độ lớn nhất mà nước này thực hiện vào tháng 11/2017. Trong lúc mối quan hệ giữa ông Kim và ông Trump bắt đầu được cải thiện trong năm nay, ông Kim tuyên bố ông sẽ "ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa".
Dù tính đến thời điểm này, ông Kim chưa phá vỡ biên bản ghi nhớ không chính thức đó, nhưng việc nối lại các vụ phóng tên lửa tầm ngắn hơn xuất hiện trong lúc mà Mỹ và Triều Tiên bế tắc trong các vòng đàm phán giải giáp hạt nhân. Tuy nhiên, cả hai bên đều thể hiện sự mong muốn hóa giải bất đồng để tiếp tục tiến trình hòa bình.
Theo Newsweek