Với các điều kiện kinh doanh thuận lợi sắp tới, ngành ô tô nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn. Chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với các xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ 1/7/2023) sẽ kích thích nhu cầu mua ô tô khi người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi với chi phí thấp hơn trên mỗi chiếc xe.
Cùng với đó là lộ trình giảm lãi suất từ nửa cuối năm 2023 từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với lãi suất cho vay sẽ giảm theo lãi suất tham chiếu, khuyến khích được người tiêu dùng sẵn sàng mua ô tô.
Hoàn thành các dự án đường vành đai và đường cao tốc được xem như là một phần của các chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023. Nhu cầu di chuyển với cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện hơn cũng sẽ tác động đến nhu cầu sở hữu ô tô đối với người tiêu dùng.
Trong nửa đầu năm 2023, mặc dù có nhiều thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế chưa ổn định, khiến doanh số sụt giảm, nhưng trong tháng 6/2023, ngành ô tô đã chứng kiến một số dấu hiệu tích cực về khôi phục và tăng trưởng.
Cụ thể, công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường tăng 15% so với tháng 5. Trong đó doanh số bán xe du lịch trong tháng 6/2023 đạt 16.572 chiếc, tăng 18,9% so với tháng trước và giảm 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng xe nhập khẩu cũng tăng 18,4% so với tháng 5, đạt 9.006 chiếc.
Nguyên nhân chủ yếu cũng do các chiến dịch khuyến mãi từ các nhà phân phối ô tô. Tâm lý tiêu dùng tích cực hơn dựa trên kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023, từ đó cải thiện thu nhập. Nhu cầu di chuyển tăng cao trong bối cảnh kỳ nghỉ dài, hoạt động du lịch dày đặc và các hoạt động xã hội diễn ra sôi động.
Sự tăng trưởng trong tháng 6 vừa qua là dấu hiệu tích cực cho việc hồi phục doanh số bán xe trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào điều kiện kinh doanh thuận lợi. Mặc dù ghi phân khúc xe du lịch ghi nhận mức sụt giảm 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh số bán xe trong quý 2/2023 đã trở lại mức trước đại dịch.