Tráo đồ “Made in China” thành hàng Mỹ, nhà thầu của NASA có thể phải nhận mức án 10 năm tù giam

VietTimes -- Trong các dự án không gian của Mỹ, một số nguyên vật liệu của các thiết bị bắt buộc phải là sản phẩm có nguồn gốc trong nước Mỹ. Một người đàn ông ở bang California đã bị cáo buộc là có tội và phải đối mặt với mức án tù 10 năm vì người này, với tư cách là nhân viên một nhà thầu của Cục Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đã cung cấp cho NASA các bộ phận bằng thép không gỉ mua từ Trung Quốc và cố gắng che giấu nguồn gốc của những sản phẩm này.
Hệ thống phóng tàu không gian Space Launch System của Mỹ bị Doãn Thành Sán tráo sản phẩm thép Trung Quốc thay cho thép Mỹ.
Hệ thống phóng tàu không gian Space Launch System của Mỹ bị Doãn Thành Sán tráo sản phẩm thép Trung Quốc thay cho thép Mỹ.

Điều đáng chú ý là, nơi đến của các sản phẩm “Made in China” này lại là “Hệ thống phóng tàu không gian” (Space Launch System) lớn nhất trong lịch sử NASA và phi thuyền không gian chở người Orion.

Theo Orlando Sentinel News ngày 23/12, người đàn ông có liên quan tên là Doãn Thành Sán (Yin Chengcan hay Seongchan “Steven” Yun), 32 tuổi, làm việc cho CBOL Corporation, một công ty tư vấn thương mại quốc tế ở Los Angeles. Công ty này cung cấp linh kiện và vật liệu cho ngành hàng không vũ trụ, NASA nằm trong số khách hàng của họ.

Vào năm 2014, Doãn Thành Sán phụ trách xử lý một hợp đồng cung cấp cho NASA các ống thép không gỉ dẫn nhiên liệu tên lửa để hỗ trợ hệ thống phóng tàu không gian và dự án tàu vũ trụ Orion tại Trung tâm vũ trụ Kennedy.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố, hợp đồng yêu cầu rõ rằng: Các ống thép phải được sản xuất trong nước Mỹ, nhưng Doãn Thành Sán đã mua các sản phẩm này từ Trung Quốc và tìm cách che giấu nguồn gốc của chúng. Tuy nhiên, những sản phẩm giả mạo này cuối cùng đã không vượt qua được các cuộc thử nghiệm vật liệu của NASA.

Các nhà điều tra phát hiện ra rằng Doãn Thành Sán đã sắp xếp để vận chuyển các ống thép này đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy và ngụy tạo các chứng chỉ giả cho rằng các sản phẩm này đáp ứng tất cả các yêu cầu của NASA.

Doãn Thành Sán bị buộc tội cung cấp tài liệu giả mạo cho các cơ quan liên bang và phải đối mặt với mức án tù cao nhất 10 năm.

Ông John Corbett, nhân viên FBI chịu trách nhiệm điều tra vụ án này, nói: “Văn phòng Tổng Thanh tra NASA sẽ tiếp tục tích cực điều tra về những kẻ đã phá hoại và lừa dối NASA khi xây dựng hệ thống phóng tàu không gian. Phán quyết của bồi thẩm đoàn là một lời nhắc nhở mạnh mẽ chúng ta. Loại hành vi phá hoại này là không thể tha thứ”.

Tàu vũ trụ chở người Orion đang trong quá trình chế tạo.
Tàu vũ trụ chở người Orion đang trong quá trình chế tạo.

Phiên điều trần để xác định mức án của Doãn Thành Sán dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 2/3/2020.

Theo tin của CNN hồi đầu tháng 12 này, ngay từ hồi đầu năm 2012, công ty Boeing đã ký hợp đồng xây dựng các thành phần chính của hệ thống phóng tàu không gian. Loại tên lửa này ban đầu dự kiến sẽ được phóng lần đầu vào tháng 12/2017.

Hiện đã quá hơn hai năm kể từ thời gian ấn định cho lần phóng đầu tiên theo lịch trình, hệ thống phóng không gian vẫn đang phải chịu những chỉ trích về sự chậm trễ và chi phí vượt mức. Quốc hội Mỹ đã phải phân bổ 14,6 tỷ USD cho việc phát triển các hệ thống phóng tàu không gian này và sản xuất hai quả tên lửa mang đầu tiên, vượt xa mức dự kiến ban đầu.

Ngoài ra, theo báo cáo của tạp chí chuyên về công nghệ Mỹ “The Verge” số tháng 6, tàu vũ trụ Orion với trợ giúp của hệ thống phóng tàu không gian, ban đầu dự kiến sẽ được phóng cùng nhau vào năm 2017, nhưng chuyến bay đầu tiên này đã liên tục bị trì hoãn.

Trang web “space.com” chuyên về không gian mới đây đã đưa tin, mặc dù NASA đã thông báo hồi mùa Hè này rằng hệ thống phóng tàu không gian cuối cùng sẽ được phóng vào cuối năm 2020, mang theo một tàu vũ trụ Orion không người lái bay quanh mặt trăng, nhưng một nhân viên cấp cao của NASA hồi tháng 10 đã tiết lộ tại một cuộc hội thảo rằng nhiệm vụ này có thể được hoãn lại đến giữa năm 2021.

Về nhân thân của Doãn Thành Sán, đây là một người đàn ông gốc châu Á, nhưng gốc Trung Quốc hay gốc Triều Tiên thì hiện chưa có thông tin xác định rõ.