Theo UBND TP.HCM, dự án Xây dựng tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư khoảng 99.764 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) có tổng mức dự kiến hơn 41.600 tỷ đồng. Trong đó vay Chính phủ Tây Ban Nha 275 triệu Euro, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) 475 triệu Euro, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) 200 triệu Euro, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) 150 triệu Euro và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố 462,71 triệu Euro.
Giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư có tổng mức khoảng hơn 57.100 tỷ đồng. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét cung cấp khoản hỗ trợ kỹ thuật thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi.
Để tiết kiệm thời gian chuẩn bị dự án, tránh lãng phí và tận dụng hiệu quả các cam kết tài trợ, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư .
Trước đó, trong một văn bản gửi UBND TP.HCM, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng có ý kiến, do quy định hành chính của Việt Nam thay đổi dẫn đến thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án kéo dài.
Trong đó trong hai năm 2015, 2016 dự án chậm thực hiện vì chờ đợi hướng dẫn của Luật Đầu tư công. Do đó, các nhà tài trợ đã bày tỏ quan ngại về tiến độ phê duyệt dự án cũng như công tác giải ngân nguồn vốn tài trợ thực hiện dự án.
Dự kiến tuyến metro số 5 đưa vào khai thác năm 2025 gồm 6 đoàn tàu. Vận tốc khai thác khoảng 36,7 km/giờ và vận tốc tối đa là 90 km/giờ. Chế độ vận hành tàu tự động (không người lái) dựa trên hệ thống điều khiển chạy tàu trên cơ sở mạng thông tin vô tuyến và sử dụng hệ thống bán vé tử động, sử dụng thẻ thông minh.
Tuyến metro sẽ chạy bao quanh khu vực trung tâm kinh doanh thương mại của Thành phố, kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến metro số 1, số 2, số 3a, số 3b, số 4; cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm Thành phố.