Bên cạnh đó, UBND các quận huyện sẽ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975 trên địa bàn.
Cụ thể, UBND cấp quận huyện được công nhận chủ đầu tư, phê duyệt phương án tạm cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá trị căn hộ cũ và giá trị căn hộ mới trong trường hợp Nhà nước tổ chức thực hiện đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm đã hết thời hạn theo quy định nhưng các chủ sở hữu nhà chung cư chưa chọn được nhà đầu tư; UBND quận huyện được phép ủy quyền phê duyệt đề cương, báo cáo kinh tế-kỹ thuật, quyết toán về công tác kiểm định và sửa chữa chung cư cũ. Đồng thời, các cơ quan này còn được công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ.
Đặc biệt, quận huyện cũng được ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp nhà chung cư cũ; phê duyệt phương án phá dỡ, phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp.
Đối với trường hợp thực hiện đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ theo hình thức đối tác công tư (PPP), UBND quận huyện sẽ phê duyệt hồ sơ và đàm phán hợp đồng BT và ký thỏa thuận đầu tư với nhà đầu tư.
Ngoài ra, UBND quận huyện còn được ủy quyền để thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án, thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, cấp giấy phép xây dựng công trình.
Trước đó, để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, quy hoạch và tái định cư cho người dân tại các khu chung cư cũ nát trên địa bàn, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng được ủy quyền cho UBND các quận huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND TP như phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư…
Được biết, địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ với tổng số khoảng 50.000 căn hộ được xây từ trước 1975, phân bổ ở 15 quận. Hiện quận 5 là quận có nhiều chung cư cũ nhất với 203 chung cư. Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.
Năm 2017, TP.HCM cũng phấn đấu cải tạo, sửa chữa 10 chung cư (16 lô) với hơn 116.000m2 sàn xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư (7 lô), gần 28.000m2 sàn xây dựng với 580 căn còn lại phải di dời; tháo dỡ 5 chung cư (8 lô) bị hư hỏng nặng, nguy hiểm. Thành phố cũng sẽ khởi công 6 chung cư tại vị trí các chung cư cũ đã tháo dỡ với quy mô 1.785 căn hộ. Và theo kế hoạch, đến năm 2020, TP.HCM sẽ hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên.