Hiện trên địa bàn TP HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận 1, quận 10, quận 3, quận 5, quận Bình Thạnh với khoảng 27 nghìn hộ dân sinh sống. Phần lớn các chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, có những chung cư có thể sập bất cứ lúc nào, cùng với đó là vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ không được đảm bảo.
Tuy nhiên, thời gian qua thành phố mới tháo dỡ, cải tạo, xây dựng được 32 chung cư cũ, chủ yếu là ngân sách thành phố bỏ ra và hầu như chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở xây dựng TP HCM cho rằng khó khăn của việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề việc bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được đồng thuận 100% từ các hộ dân, khó khăn về hồ sơ pháp lý nhà đất; diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ; Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản cho một công trình chung cư được khởi công xây dựng mất quá nhiều thời gian từ 18 đến 25 tháng; Việc bảo toàn đầu tư liên quan đến vị trí chung cư, chỉ tiêu quy hoạch các chung cư và quy hoạch chung đã khiến các nhà đầu tư không dám đầu tư vào xây dựng chung cư cũ.
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP.HCM cho rằng, cần có các giải pháp giải quyết các yêu cầu, tâm tư, quyền lợi chính đáng của người dân; Đối với nhà đầu tư cần phải tháo gỡ, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, xây dựng các chính sách quy định để các nhà đầu tư tham gia; Về mặt quản lý cần phải đảm bảo các định hướng quy hoạch.
Mới đây, UBND TP HCM cũng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép UBND TP được ủy quyền cho UBND các quận - huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND TP để đẩy nhanh tiến độ cải tạo 474 chung cư cũ.
UBND TP cũng kiến nghị không áp dụng thực hiện phương thức bồi thường mà thực hiện phương thức tái định cư. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm ứng vốn để quận - huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân. Chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho UBND quận - huyện để tổ chức bố trí tái định cư.