Dưới đây là 10 quốc gia đi đầu về điện hạt nhân trên thế giới.
Mỹ: 97 GW
Mỹ dẫn đầu thế giới về năng lượng hạt nhân, chiếm hơn 30% sản lượng năng lượng hạt nhân toàn cầu, với công suất 97 gigawatt (GW) được tạo ra bởi 93 lò phản ứng hạt nhân thương mại ở 30 bang. Những lò phản ứng này sản xuất khoảng 20% tổng lượng điện của nước Mỹ.
Theo Statista, chi phí trung bình của điện hạt nhân ở Mỹ vào năm 2022 là 30,92 USD mỗi megawatt giờ (MWh). Con số này giảm từ mức 51,22 USD/MWh vào năm 2012.
Pháp: 61,3 GW
Pháp có tỷ lệ điện năng được tạo ra từ năng lượng hạt nhân cao nhất và đứng thứ 2 thế giới nếu xét về công suất. Cả nước có tổng công suất khoảng 61 GW với 56 lò phản ứng hạt nhân. Những lò phản ứng này cung cấp gần 70% lượng điện của Pháp, đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
Cuối năm 2023, chính phủ Pháp và EDF, công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước, đã đồng ý tăng giá điện hạt nhân lên 70 EUR mỗi megawatt giờ (MWh) bắt đầu từ năm 2026. Đây là mức tăng 67% so với mức giá 42 EUR mỗi MWh trước đó.
Trung Quốc: 57 GW
Trung Quốc có công suất hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới và khoảng 5% điện năng của quốc gia được tạo ra từ năng lượng hạt nhân. Nước này hiện có 55 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất khoảng 57 GW.
Chi phí điện hạt nhân ở Trung Quốc ước tính vào khoảng 0,6 NDT/kWh đối với các lò phản ứng thế hệ IV và 0,25 RMB/kWh đối với các tổ máy thế hệ thứ III. Giá thành điện hạt nhân cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện than và chịu ảnh hưởng của giá than. Năng lượng hạt nhân có thể vẫn có lãi nếu giá than ở mức trên 800 NDT/tấn.
Nhật Bản: 31,7 GW
Nhật Bản hiện vận hành 33 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất lắp đặt là 31,7 GW, trong khi 2 lò phản ứng (Ohma 1 và Shimane 3) có tổng công suất lắp đặt là 2,6 GW đang được xây dựng.
Tính đến cuối năm 2022, chi phí sản xuất điện hạt nhân ở Nhật Bản là khoảng 24,1 yen/kWh. Điều này khiến nó trở thành nguồn năng lượng đắt đỏ nhất được tạo ra ở Nhật Bản, so với năng lượng than, có giá 16,1 yen mỗi kilowatt giờ.
Nga: 29,6 GW
Năng lượng hạt nhân là một trong những thành phần chính trong cơ cấu năng lượng của Nga, chiếm khoảng 20% tổng lượng điện của cả nước. Nga có 37 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất điện hạt nhân khoảng 29,6 GW.
Hàn Quốc: 31,65 GW
Hàn Quốc có 27 lò phản ứng hạt nhân cung cấp gần 30% tổng năng lượng quốc gia, với khoảng 29,6% sản lượng điện đến từ năng lượng nguyên tử và tổng công suất điện hạt nhân khoảng 31,65 GW, khiến năng lượng hạt nhân trở thành một thành phần thiết yếu của nền kinh tế.
Vào năm 2023, giá điện hạt nhân ở Hàn Quốc là khoảng 55 won mỗi kilowatt giờ, thấp hơn khoảng 3 lần so với năng lượng tái tạo, khoảng 171 won mỗi kilowatt giờ.
Canada: 13,5 GW
Canada có tổng công suất điện hạt nhân khoảng 13,5 GW và phần lớn các lò phản ứng hạt nhân ở nước này là lò phản ứng CANDU (Canada Deuterium Uranium), một loại lò phản ứng nước nặng có áp suất nổi tiếng về hiệu quả và độ an toàn. Năng lượng hạt nhân ở Ontario chiếm 15% tổng sản lượng điện của Canada.
Chi phí điện hạt nhân ở Canada ước tính vào khoảng 16,3 cent mỗi kilowatt giờ.
Ukraine: 13,1 GW
Ukraine có tổng công suất điện hạt nhân khoảng 13,1 GW, với 15 lò phản ứng hạt nhân trực thuộc 4 nhà máy điện hạt nhân, chủ yếu ở các khu vực Chernihiv, Kharkov và Mykolaiv, trong khi 2 lò phản ứng (Khmelnitski 3 và 4) đang được xây dựng.
Vương quốc Anh: 8,9 GW
Vương quốc Anh có tổng công suất khoảng 8,9 GW và vận hành 15 lò phản ứng hạt nhân ở nhiều địa điểm. Năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện ở Anh.
Kể từ ngày 1/9/2023, mức giá điện hạt nhân tối thiểu ở Anh đã tăng lên 128,09 bảng Anh mỗi MWh, tương đương 14,8 cent mỗi kWh. Đây là mức tăng hơn 43% so với giá cũ.
Tây Ban Nha: 7,1 GW
Tây Ban Nha có ngành điện hạt nhân nhỏ hơn so với một số quốc gia khác, với tổng công suất điện hạt nhân khoảng 7,1 GW được tạo ra bởi 7 lò phản ứng, chiếm khoảng 20% tổng lượng điện của Tây Ban Nha.
Sự sụt giảm trong sản xuất năng lượng hạt nhân đã góp phần khiến giá điện ở Tây Ban Nha tăng trên 100 EUR mỗi MWh.