Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi các thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu áp dụng “tư duy thời chiến” và tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, viện dẫn các mối đe dọa được cho là từ Nga và các quốc gia khác.
Ông Rutte hôm 15/1 lưu ý rằng các thành viên NATO đã tăng cường đầu tư quốc phòng và tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên hơn. Tuy nhiên, ông lập luận rằng những nỗ lực này “không đủ để đối phó với những nguy hiểm sắp xảy đến với chúng ta trong vòng 4 đến 5 năm tới”.
Ông Rutte đưa ra tuyên bố trên trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp của Ủy ban Quân sự ở Brussels, thêm rằng “an ninh trong tương lai của khối đang bị đe dọa”. Ông cáo buộc Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đang cố gắng “làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta và tước đoạt quyền tự do của chúng ta”.
“Để ngăn chặn chiến tranh, chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó. Đã đến lúc chuyển sang tư duy thời chiến”, ông Rutte khẳng định, đồng thời kêu gọi các nước NATO phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho quốc phòng và phát triển “khả năng phòng thủ ngày càng tốt hơn”.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để “thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến” và kêu gọi tăng cường hợp tác với các đối tác toàn cầu.
Moscow đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc rằng họ là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào, thay vào đó cáo buộc khối do Mỹ đứng đầu đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga và xâm phạm lãnh thổ của nước này.
Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng trên thực tế tất cả các quốc gia NATO hiện đang có chiến tranh với Nga. Ngoại trưởng Sergey Lavrov hôm 14/1 cũng lưu ý rằng lịch sử dường như đang lặp lại, cho thấy có “sự tương đồng rõ ràng” giữa cuộc đối đầu hiện tại của Moscow với NATO và những nỗ lực của Napoléon Bonaparte và Adolf Hitler nhằm chiếm lấy Nga sau khi khuất phục hàng chục nước châu Âu.
Hôm 14/1, ông Rutte tuyên bố rằng NATO sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Baltic - khu vực chiến lược cho các hoạt động hải quân và xuất khẩu năng lượng của Nga - bằng cách khởi động một nhiệm vụ mới với lý do bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển.
Người đứng đầu NATO tiết lộ rằng sự hiện diện này sẽ có sự tham gia của các tàu khu trục, máy bay tuần tra hàng hải và một “đội máy bay không người lái hải quân nhỏ” dự kiến sẽ “tăng cường giám sát và răn đe”.
Thông báo này được đưa ra sau một sự cố liên quan đến tàu chở dầu Eagle S đăng ký tại Quần đảo Cook, được cho là đã làm hỏng cáp điện Estlink 2 nối Phần Lan và Estonia vào tháng trước. EU đã cảnh báo rằng họ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan đến vụ việc này. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas đã mô tả hành động này là “cố tình phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu” bằng cách sử dụng một “hạm đội bóng tối” gồm các tàu chở dầu, được cho là bao gồm cả Eagle S.
Mặc dù tàu chở dầu này đã bị chính quyền Phần Lan bắt giữ nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra về việc nó có liên quan đến vụ phá hoại. Moscow hiện chưa bình luận về vụ việc.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu