Tổng thư ký NATO kêu gọi các đồng minh cam kết 500 triệu euro hàng năm cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang kêu gọi các đồng minh quyên góp tổng cộng 500 triệu euro (543 triệu USD) mỗi năm giúp Ukraine bằng viện trợ phi sát thương và những hỗ trợ dài hạn khác.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh Valeria Mongelli/Bloomberg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh Valeria Mongelli/Bloomberg

Trang Bloomberg, dẫn nguồn từ những người quen thuộc với vấn đề NATO – Ukraine cho biết, lãnh đạo liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương muốn các quốc gia đồng minh tăng cường đóng góp vào quỹ cho gói hỗ trợ toàn diện của NATO dành cho Ukraine, bao gồm viện trợ ngắn hạn như nhiên liệu, các thiết bị bảo vệ cá nhân và hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái (UAV) trong cuộc chiến với Nga. Các nguồn tin yêu cầu không nêu tên do vấn đề an ninh.

Gói viện trợ cũng hướng tới sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang quốc gia này, đáp ứng những tiêu chuẩn quân sự về khả năng tương tác của NATO. Nhiều chi tiết của gói viện trợ vẫn chưa được giải quyết, một nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Mặc dù sự hỗ trợ là những khả năng không gây sát thương, nhưng nỗ lực giúp Ukraine chuyển sang những tiêu chuẩn NATO theo mặc định cũng có thể được hiểu là giúp các đồng minh duy trì sức mạnh quân sự bằng biện pháp chuyển giao vũ khí hiện đại trong giai đoạn chiến tranh, khi các quốc gia NATO và đối tác sắp cung cấp hết vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine. Phát ngôn viên NATO đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Ngày 3/4, ông Stoltenberg trong cuộc họp báo nói với các phóng viên, các ngoại trưởng của liên minh sẽ thống nhất bắt đầu làm việc về một chương trình viện trợ kéo dài nhiều năm cho Ukraine khi tập trung tại Brussels cho cuộc họp 2 ngày bắt đầu từ ngày 4/4.

Ngoài vấn đề cấp thiết là nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ cho Ukraine để chống lại Nga, ông Stoltenberg cho biết các đồng minh sẽ xem xét mối quan hệ đối tác lâu dài hơn với Ukraine để cung cấp hỗ trợ sau khi chiến tranh kết thúc. Những mối quan hệ lâu dài với liên minh và các quốc gia thành viên sẽ giúp Ukraine “tiến gần hơn với NATO bằng những biện pháp như thực hiện những cải cách, tiếp tục hiện đại hóa các thể chế quốc phòng và an ninh, bao gồm các chiến dịch chống tham nhũng, chuyển từ các thiết bị, tiêu chuẩn, học thuyết thời Liên Xô sang những tiêu chuẩn và học thuyết của NATO.”

Tư cách thành viên NATO

Các quốc gia đồng minh nhắc lại cam kết của NATO, Ukraine sẽ trở thành thành viên. Nhưng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương từ chối đưa ra một mốc thời gian hoặc những bước cụ thể hơn bất chấp nỗ lực đổi mới của Ukraine, do lo ngại nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Mặc dù vậy, các quốc gia đồng minh NATO muốn giữ Ukraine gần gũi trong thời gian dài và giúp đặt nền móng cho tư cách thành viên của nước này, bao gồm cả việc củng cố hệ thống phòng thủ để ngăn chặn Nga thực hiện một cuộc tiến công khác sau khi cuộc chiến hiện nay kết thúc.

Stoltenberg một lần nữa không đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho tư cách thành viên của Ukraine, ông nhấn mạnh nỗ lực tăng cường khả năng tương tác của Ukraine và giúp nước này chuyển đổi từ hệ thống quân sự thời Liên Xô sang những tiêu chuẩn NATO “nhằm đưa Ukraine đến gần hơn với hội nhập Châu Âu-Đại Tây Dương, vào gia đình NATO.”

NATO sẽ chào đón thành viên thứ 31 ngày 4/4 sau khi tất cả các đồng minh phê chuẩn đề xuất của Phần Lan. Sự kiện này khiến Thụy Điển hy vọng hoàn thiện triển vọng trở thành thành viên của liên minh vào thời điểm các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại Vilnius vào tháng 7, dù Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện vẫn đang phản đối đề xuất này.

Theo Bloomberg