Quan hệ Mỹ - Trung hiện đang ở vào tình trạng rạn nứt nghiêm trọng (Ảnh: Deutsche Welle). |
Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 20/9, bắt đầu từ hôm nay (21/9), Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức cuộc tranh luận chung kéo dài một tuần tại phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng. Các vấn đề toàn cầu như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu sẽ trở thành trọng điểm của hội nghị. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Mỹ AP trước khi diễn ra cuộc họp đã cho rằng, hai nền kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và Mỹ nên hợp tác về khí hậu và tiến hành các cuộc đàm phán mạnh mẽ hơn về thương mại và công nghệ.
"Thật không may, hôm nay chúng ta chỉ có đối đầu”, “Chúng ta cần thiết lập lại mối quan hệ có tính chức năng giữa hai cường quốc”. Ông Guterres cho rằng đây là điều vô cùng cần thiết để giải quyết vấn đề vaccine, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức toàn cầu khác. Nếu cộng động quốc tế, nhất là giữa các siêu cường thiếu mối quan hệ mang tính xây dựng thì không thể giải quyết được những vấn đề này.
Hai năm trước, ông Guterres đã cảnh báo các nhà lãnh đạo toàn cầu rằng thế giới có thể bị chia cắt làm hai. Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh về Internet, tiền tệ, thương mại và các quy tắc tài chính, địa chính trị tổng bằng không và chiến lược quân sự.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 20/9 cảnh báo Trung Quốc và Mỹ tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới (Ảnh: AFP) |
Giờ đây, ông Guterres một lần nữa nhắc lại những cảnh báo trên và cho rằng, hai chiến lược địa chính trị và quân sự thù địch sẽ gây nguy hiểm và chia rẽ thế giới. Vì vậy, ông cho rằng mối quan hệ rạn nứt và "hoàn toàn mất cân bằng" (completely dysfunctional) giữa hai nước phải được sửa chữa càng sớm càng tốt.
"Chúng ta cần phải tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh khác với trước đây bằng mọi giá. Một cuộc chiến tranh Lạnh như vậy thậm chí có thể nguy hiểm hơn và khó đối phó hơn".
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Chiến tranh Lạnh đã nổ ra giữa Liên Xô với khối phương Đông với Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, cuộc chiến này cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 mới kết thúc. Đó là cuộc xung đột giữa hai siêu cường có vũ khí hạt nhân, đối lập nhau về mặt ý thức hệ.
Ông Guterres tuyên bố rằng cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể còn nguy hiểm hơn, bởi vì sự đối kháng giữa Liên Xô và Mỹ trước đây đã tạo ra các quy tắc rõ ràng và cả hai bên đều ý thức được nguy cơ hủy diệt hạt nhân, điều này đã làm nảy sinh các kênh “dưới gầm bàn” để đảm bảo rằng tình hình không vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
"Còn giờ đây mọi thứ không ổn định hơn, và kinh nghiệm quản lý khủng hoảng trong quá khứ cũng không tồn tại nữa".
Thứ trưởng Ngoại giao hai nước hội đàm tại Thiên Tân hôm 26/7 là cuộc tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa hai bên (Ảnh: Dwnews). |
Ông Guterres tuyên bố rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Vương quốc Anh để hỗ trợ Australia phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là “chỉ là một miếng ghép nhỏ của một trò chơi ghép hình phức tạp hơn...trong mối quan hệ đã hoàn toàn mất cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ ...".
Việc Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thành lập Liên minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mới (AUKUS) vào tuần trước đã khiến Trung Quốc và Pháp tức giận. Trước đó, Pháp đã ký hợp đồng với Australia để mua 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường (điện và diezen) trị giá 66 tỷ USD. Sau khi Australia hủy bỏ thỏa thuận với Pháp và quay sang ủng hộ các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, Pháp đã triệu hồi đại sứ của họ tại Canberra và Washington về nước – một động thái chưa từng có.
Đáp lại ý kiến của ông Guterres, người phát ngôn của Nhà Trắng đã cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh chứ không phải đối đầu.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki: quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung hiện nay là cạnh tranh chứ không phải đối đầu (Ảnh: AP). |
Theo trang tin Dwnews, ngày 20/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Nhà Trắng, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, khi được hỏi về bình luận của ông Guterres, đã nói bà không đồng ý với thuật ngữ “đối đầu” để mô tả quan hệ Mỹ - Trung.
Bà Psaki đã đề cập đến cuộc điện đàm ngày 9/9 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bà Psaki còn cho biết, ông Biden sẽ tuyên bố trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng LHQ rằng "nước Mỹ không tìm cách bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với bất kỳ quốc gia nào".
Psaki nói: "Trước hết, tôi muốn nói rằng quan điểm của Tổng thống (Biden) và quan điểm của chính phủ khóa này là, mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc không phải là xung đột, mà là cạnh tranh, vì vậy chúng tôi không đồng ý với cách mô tả như thế về mối quan hệ Mỹ - Trung".
"Tôi muốn chỉ ra rằng thông cáo báo chí tuần trước giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút bao gồm nhiều chủ đề. Đó là một cuộc đối thoại thẳng thắn và chắc chắn không có leo thang tranh luận".
"Chúng tôi nhận ra rằng mặc dù Trung Quốc là quốc gia mà chúng tôi có thể phản đối một số cách thức tham gia vào các vấn đề quốc tế của họ, nhưng chúng tôi cũng thấy có những lĩnh vực mà chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục cộng tác. Nhiều vấn đề trong số này cũng đã được Tổng Thư ký LHQ đề cập".
"Tổng thống Biden sẽ có cuộc hội đàm với ông ấy (Guterres) vào tối 20/9. Tôi cũng muốn nói rõ, mọi người đều biết rằng Tổng thống Biden sẽ phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào ngày 21/9, và ông sẽ nói rõ ông sẽ không tìm cách bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong tương lai".
Hôm 9/9, hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình đã cuộc điện đàm lần thứ hai kể từ khi ông Biden nhậm chức kéo dài 90 phút (Ảnh: IFeng). |
Bà Jen Psaki cuối cùng nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao các ưu tiên toàn cầu, nhưng (Chiến tranh Lạnh mới) không phải là mục tiêu hay chính sách của Mỹ".
Bắt đầu từ ngày 21/9, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức cuộc tranh luận chung kéo dài một tuần của Đại hội đồng khóa 76. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đích thân đến Liên Hợp Quốc để đọc diễn văn. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Biden phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kể từ khi ông trở thành tổng thống Mỹ.
Phía Trung Quốc thông báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự cuộc tranh luận lần thứ 76 của Đại hội đồng LHQ và có bài phát biểu qua truyền hình vào ngày 21/9.
Về quan hệ Trung - Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ cần có nhận thức khách quan và đúng đắn về Trung Quốc, lựa chọn cách đi cùng hướng với Trung Quốc, tôn trọng lẫn nhau, cạnh tranh công bằng và cùng tồn tại hòa bình, thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển lành mạnh và ổn định.