Trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới tại Phòng bầu dục, ông Trump đã đề cập tới vấn đề Iran và Afghanistan, chỉ trích ông Bolton vì quan điểm của ông này về vấn đề Iraq và Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh sự bất đồng giữa ông với vị cựu cố vấn về vấn đề Venezuela.
Dù ông Bolton từng ra sức thúc đẩy các biện pháp cứng rắn nhằm vào Iran và Triều Tiên - và trước còn kêu gọi sử dụng vũ lực đối với cả hai nước - nhưng ông Trump vẫn ca ngợi tiềm năng của hai nước này và không loại trừ khả năng bỏ bớt các lệnh trừng phạt đối với Tehran - một điều kiện tiên quyết mà nước này đưa ra để trở lại bàn đàm phán.
Ông chủ Nhà Trắng còn gợi mở khả năng liên lạc cấp cao với cả Bình Nhưỡng và Tehran, nói rằng "đây là hai quốc gia mà chúng tôi đang tiếp cận ở cấp cao" đồng thời tuyên bố rằng các vòng hòa đàm với Taliban "đã chết".
"Đó là quyết định của tôi" - ông Trump nói về quyết định hủy cuộc gặp bí mật với Taliban tại Trại David, dường như đã xung đột ý kiến với ông Bolton - "Và điều mà chúng tôi đang làm hiện tại là quyết định của tôi".
Tổng thống Mỹ nói rằng ông vẫn chưa quyết định tổ chức một cuộc gặp với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ tổ chức tại New York trong tháng tới, nhưng để ngỏ khả năng này. "Tôi không trông chờ điều gì cả" - ông Trump nói - "Tôi thực sự tin rằng họ muốn có một thỏa thuận. Nếu vậy thì tốt, mà nếu không phải vậy cũng chẳng sao".
Iran và Triều Tiên "có triển vọng"
Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc về việc gỡ bỏ bớt lệnh trừng phạt để dọn đường cho cuộc gặp trên hay không, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra. Tôi nghĩ Iran có triển vọng và cả Triều Tiên nữa. Đó là 2 quốc gia mà chúng tôi đang làm việc ở cấp cao".
Ông Trump cũng khẳng định một lần nữa rằng "Chúng tôi không muốn thay đổi chế độ" ở Tehran.
Về các vòng hòa đàm đổ vỡ với Taliban, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng "ở thời điểm hiện tại chúng tôi đang công kích họ mạnh hơn so với trước đây. Điều mà họ đã làm thật kinh khủng".
"Họ đã giết hại một binh sỹ Mỹ, khi họ giết hại 12 người, những người vô tội. Họ đã làm vậy bởi họ nghĩ rằng điều đó tạo nên vị trí tốt hơn trong vòng đàm phán" - ông Trump nói.
Taliban đã nhận trách nhiệm đối với cái chết của ít nhất 9 binh sỹ Mỹ trong năm 2019 và có khả năng còn dính líu tới 7 cái chết khác, dựa trên địa điểm các vụ tấn công xảy ra và các khu vực mà Taliban có sự hiện diện mạnh mẽ. Có tổng cộng 16 binh sỹ Mỹ đã thiệt mạng ở Afghanistan tính từ đầu năm nay, và hơn 2.4000 binh sỹ Mỹ thiệt mạng nếu tính từ năm 2001.
Giới chức chính quyền Trump hiện vẫn chưa lý giải nguyên nhân vì sao mà vụ đánh bom xe tự sát xảy ra hồi tuần trước lại khiến binh sỹ Elis Ortiz thiệt mạng, sau đó khiến ông Trump hủy các vòng hòa đàm với Taliban. Tuy nhiên trong hôm thứ Tư vừa qua, ông Trump nói trước báo giới về sự việc này: "Tôi đã nói đó là sự chấm hết với họ (Taliban), đuổi họ ra, tôi không muốn bất cứ điều gì với họ nữa".
Ông Trump cũng cho hay ông bất đồng quan điểm với ông Bolton về vấn đề Venezuela. Chính quyền Trump trước đó ủng hộ ông Juan Guaido - chính trị gia đối lập tự xưng là Tổng thống lâm thời Venezuela - và dường như hậu thuẫn cho ông Guaido trong âm mưu lật đổ Tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro.
"Tôi không tán thành với quan điểm của ông John Bolton về Venezuela. Tôi nghĩ rằng ông ta cư xử quá giới hạn và tôi đã chứng minh được điều đó là đúng. Tôi không muốn nói về điều đó" - ông Trump nói.
"Tôi có một chính sách kiên định về vấn đề Venezuela" - ông Trump nói tiếp - "Venezuela đang thực sự chịu ảnh hưởng và chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ theo một cách nhân đạo".
Bất đồng Trump-Bolton phơi bày
Trong cuộc họp báo, ông Trump liên tục nhằm vào ông Bolton, một phần là do các câu hỏi của phóng viên tập trung nhiều vào vị cựu cố vấn này.
"John là người mà tôi từng thực sự hòa hợp" - ông Trump nói về ông Bolton - "Nhưng ông ấy đã gây ra một số sai lầm lớn".
Ông Trump chỉ ra phát ngôn của ông Bolton về "mô hình Libya" để áp dụng cho lộ trình giải giáp hạt nhân Triều Tiên như một bước đi sai lầm. Được biết "mô hình Libya" đề cập tới một thỏa thuận ngầm năm 2003 giữa lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi với Anh và Mỹ, trong đó chính quyền Tripoli tự nguyện từ bỏ các trang thiết bị hạt nhân từng mua từ một nhà khoa học Pakistan.
Năm 2011, khi Mỹ cùng châu Âu can thiệp quân sự vào Libya, Gadhafi đã bỏ trốn và bị các tay súng phe nổi dậy giết hại. Sau cuộc xâm lược của quân đồng minh vào Libya, Ngoại trưởng Triều Tiên lúc bấy giờ đã tuyên bố rằng việc thúc đẩy Libya giải giáp hạt nhân là "một chiến thuật xâm lược nhằm tước vũ trang của nước này".
Ký ức đó đã phủ bóng mờ lên các vòng đàm phán ngày nay giữa Mỹ và Triều Tiên - đặc biệt là sau khi ông Bolton nhắc lại nó trong một cuộc phỏng vấn.
"Chúng tôi đã có một bước lùi tệ hại khi ông John Bolton nói về mô hình Libya, và ông ấy đã phạm sai lầm. Ngay khi ông ta nhắc đến mô hình Libya, nó đã là một thảm họa" - ông Trump nói.
"Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra với Gadhafi với mô hình Libya, và ông ta (Bolton) vẫn còn muốn đêm thứ đó để thỏa thuận với Triều Tiên sao? Tôi không trách ông Kim jong-un vì bất cứ điều gì ông ấy nói sau đó, ông ấy không muốn làm gì với ông Bolton cả. Đó không phải vấn đề về sự cứng rắn...mà đó là về vấn đề phải đủ thông minh để đừng nói thứ gì như vậy" - ông Trump nói.
Ông Trump cũng đề cập tới vai trò của Bolton trong cuộc chiến ở Iraq năm 2002, thời điểm mà ông Bolton còn đang là một quan chức dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush.
"John nổi tiếng là một người cứng rắn, ông ta cứng rắn đến nỗi ông ta đẩy chúng ta tới Iraq" - ông Trump bình luận - "Ngài cứng rắn...ông cần phải đến Iraq".
Khi được hỏi về việc ông Bolton dứt áo ra đi, ông Trump nói rằng vị cựu cố vấn "muốn làm gì thì làm", nhưng chắc chắn một thực tế là chính ông đã yêu cầu ông Bolton từ chức.
"Ông ta đã ngồi ngay trên chiếc ghế đó" - ông Trump nói, chỉ tay vào một chiếc ghế trong Phòng Bầu dục - "Và tôi nói với ông ta rằng: "John, ông có quá nhiều người bên cạnh, nhưng ông lại không thể hài hòa với họ". Và tôi nói rằng, tôi muốn điều tốt cho ông, nhưng tôi muốn ông đệ đơn từ chức. Và ông ta đã làm vậy".
Theo CNN