“Tôi đã thông báo với ông John Bolton rằng công việc của ông không còn cần thiết tại Nhà Trắng. Tôi bất đồng quan điểm với rất nhiều đề xuất của ông ta, cũng giống như với nhiều người khác trong chính quyền, bởi vậy tôi đã đề nghị John từ chức” – ông Trump viết trên Twitter.
Ông Bolton gần như ngay lập tức đưa ra một câu chuyện khác hẳn với ông Trump. “Tối hôm trước tôi đã ngỏ ý từ chức và Tổng thống Trump nói: “Hãy bàn về điều đó vào sang hôm sau”” – ông Bolton viết trên Twitter. Ông Bolton cũng cố gắng tiếp xúc với nhiều phóng viên để khẳng định thông tin rằng ông tự đưa ra đề xuất từ chức chứ không phải bị sa thải như lời ông Trump.
Sự việc diễn ra chỉ vài giờ trước một cuộc họp báo chung có sự tham dự của ông Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để thông báo về việc liệt tổ chức al-Qaeda nhánh Syria vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, ông Nicholas Heras – chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm An ninh nước Mỹ mới – cho rằng cuộc họp báo này dường như không liên quan tới vụ sa thải ông Bolton. “Mỹ đã cân nhắc về quyết định này từ lâu rồi” – ông Heras nói.
Khi được các phóng viên đặt câu hỏi về việc ông Bolton bị sa thải trong cuộc họp báo giờ đã bị rút ngắn, cả ông Pompeo và ông Mnuchin đều mỉm cười. “Tổng thống lựa chọn đội ngũ mà ông ấy muốn” – ông Pompeo nói và thêm rằng ông ấy (Trump) “đã đúng khi làm vậy”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ thì thêm rằng: “Quan điểm của Tổng thống và ông Bolton về cuộc chiến Iraq rất khác biệt”. Được biết, ông Bolton có mối quan hệ đầy thách thức – nếu không muốn nói là đấu đá nội bộ - với cả ông Pompeo và ông Mnuchin trong suốt 17 tháng làm việc trong chính quyền Trump.
Sự xung đột giữa ông Bolton và Tổng thống Trump cuối cùng đã đi đến điểm bùng phát, khi hai người tranh luận gay gắt về tiến trình hòa bình Afghanistan. Ông Trump suốt nhiều năm qua ngỏ ý muốn rút binh sỹ khỏi Afghanistan, và chính quyền của ông tham gia các vòng đàm phán với Taliban suốt gần 1 năm qua. Lãnh đạo Mỹ, tuy nhiên, mới đây đã hủy cuộc gặp bí mật với Taliban tại Trại David.
“Chỉ riêng việc quan sát các cố vấn an ninh của ông Trump đã đủ thú vị rồi” – Đại tá Danny Sjursen, người từng tham gia các chiến dịch cả ở Iraq và Afghanistan, nhận định – “Có một nhóm bộ ba các tướng lĩnh, còn gọi là “những người lớn trong căn phòng”, họ chống lại việc rút quân khỏi Afghanistan nhưng lại làm như vậy dựa vào sự ủng hộ của giới truyền thông bởi họ là “người lớn” và phải chịu trách nhiệm. Nhóm còn lại bao gồm các cố vấn an ninh quốc gia có tư tưởng tân bảo thủ, đó là ông Bolton và Pompeo. Họ cũng chống lại việc rút quân bởi vốn có hệ tư tưởng chống lại bất cứ thứ gì khiến người ta nghĩ rằng Mỹ đang thoái lui hay thiếu sự can thiệp”.
Brett McGurk – đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống trong liên minh chống IS dưới cả thời Trump và Obama – đã lên tiếng chỉ trích kiểu “tiến trình hỗn loạn” mà cả hai nhóm cố vấn an ninh quốc gia trên thực hiện trong việc đưa ra quyết sách. “Chưa từng thực sự có một quy trình an ninh quốc gia nào thực sự két nối với Tổng thống cả” – ông McGurk nói tại một sự kiện tổ chức tại Viện Brookings, chỉ 3 giờ sau khi ông Bolton bị sa thải.
Đại tá Sjursen tin rằng cơ hội để Mỹ rút binh sỹ khỏi Afghanistan vẫn chưa thực sự “chết” do bản chất khó đoán, dễ thay đổi của ông Trump và đặc biệt là bởi giờ đã không còn “vật cản” là ông Bolton nữa.
“Tôi nghĩ rằng các cố vấn an ninh quốc gia của ông ấy không giúp được nhiều cho ông ấy ngay từ lúc bắt đầu. Tôi cho rằng bản năng của ông Trump thậm chí còn tốt hơn của họ, dù cho ông ấy có thể bị người ta xem là vô lý theo nhiều cách” – ông Sjursen nhận định.
Việc ông Bolton – một cố vấn mang tư tưởng diều hâu và là người theo chủ nghĩa đơn phương – ra đi đã mở ra nhiều triển vọng cho các bước đột phá trong ngoại giao, xét trên nhiều lĩnh vực.
“Động thái này là sự phản ánh thực tế rằng ông Trump muốn theo đuổi đường lối ngoại giao trong một số lĩnh vực, và rằng việc có một “chuyên gia phá hoại” trong đội ngũ của ông là điều khó có thể đỡ nổi, kiểu như nuôi cáo trong chuồng gà vậy” – Trita Parsi, Phó Chủ tịch Viện Quincy, nhận định.
“Sự sụp đổ của các vòng hòa đàm Afghanistan đã khiến ông Trump khó có thể giành chiến thắng ngoại giao trên các mặt trận: Afghanistan giờ gần như vụt tắt, hòa bình Israel/Palestine rõ ràng đã biến mất, vấn đề Triều Tiên chả đi đến đâu, vấn đề Trung Quốc cũng vậy” – ông Parsi nói – “Vấn đề Iran giờ có thể đang được ông Trump để tâm nhất. Và vì vấn đề đó, ông cần phải sa thải ông Bolton”.
Ông Bolton được cho là nhân tố mà Ngoại trưởng Pompeo tìm cách lật đổ bằng mọi giá (Ảnh: Politico)
|
Trong cuộc họp báo vắn tại Nhà Trắng, ông Pompeo đã nhấn mạnh một lần nữa rằng Tổng thống Trump vẫn cởi mở với ý tưởng tổ chức một cuộc gặp trực diện với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Ken Silverstein – cựu biên tập viên tạp chí Harper – nhận định rằng, thiếu đi ông Bolton trong chính quyền Trump sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong các chính sách của My, đặc biệt là chủ trương đối với chính phủ Venezuela hiện tại.
“Ông Bolton từng là tiếng nói tiên phong trong chính quyền Trump nhằm kêu gọi thay đổi chế độ ở Venezuela. Ông ấy không giấu giếm về điều đó. Không nghi ngờ khi nói ông ta là người kêu gọi thay đổi chế độ mạnh mẽ nhất trong chính quyền Trump. Giờ không có ông ta, lời kêu gọi đó sẽ suy yếu” – ông Silverstein nhận định.
Nhưng có lẽ sự thay đổi lớn nhất từ việc ông Bolton bị sa thải sẽ là vấn đề về Triều Tiên.
“Giờ thì mọi thứ đều có thể xảy ra” – Daniel L. Davis, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu cao cấp tại Cơ quan nghiên cứu chính sách Defense Priorities, nhận định – “Triều Tiên chắc chắn sẽ muốn tham gia đàm phán, bởi các đòn cấm vận đang ảnh hưởng tới họ. Và nếu có bất kỳ cơ hội nào giải quyết vấn đề đó, họ sẽ nắm lấy. Triều Tiên từng cảm thấy rằng họ bị phản bội trong kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai bởi mọi thứ lúc đó diễn biến theo chiều hướng rất tích cực. Và thứ duy nhất mà Triều Tiên cho là vật cản chính là ông Bolton”.
Tổng thống Trump cho hay một cố vấn an ninh quốc gia mới sẽ được lựa chọn và công bố vào tuần tới.
Ông Mark Perry – Giáo sư kinh tế và là một học giả thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ - đã đưa ra một số ứng viên tiềm năng cho chức cố vấn an ninh quốc gia.
“Nhiều người đang đặt cược cho ông Fred Fleitz, nhưng tôi không tin vào điều đó” – ông Perry nói. Được biết ông Fleitz từng giữ chức vụ chánh văn phòng tại Hội đồng An ninh Quốc gia trong năm ngoái, và được xem là cộng sự đáng tin cậy nhất của ông Bolton. Nhưng chính vì sự gần gũi này nên ông Fleitz khó có thể được lựa chọn để thay thế cho sếp của ông.
Ông Perry tin rằng người có khả năng được lựa chọn cao là Douglas Macgregor, đại tá quân đội đã về hưu người từng lọt vào danh sách các ứng viên chức vụ cố vấn an ninh quốc gia.
“Tôi cho rằng ông Macgregor là lựa chọn tuyệt vời. Ông ấy sẽ giúp chúng ta thoát khỏi các cuộc chiến này và ông ấy rất hiểu về quân sự. Ông ấy từng phục vụ trong quân ngũ, từng nhảy vào các cuộc chiến, điều mà ông John Bolton chưa từng kinh qua” – ông Perry nói.
Ngoài ra, Tướng Jack Keane cũng được xem là người kế nhiệm tiềm năng của ông Bolton.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là bất cứ ai thay thế ông Bolton cũng cần phải hợp tác tốt với Ngoại trưởng Pompeo.
“Ông Pompeo từng nỗ lực mỗi ngày hòng loại bỏ ông Bolton. Việc đó làm tiêu tốn nhiều thời gian, và gây nên sự bất ổn trong công tác an ninh quốc gia. Chúng ta không được lặp lại điều đó. Tôi nghĩ bất cứ ai được lựa chọn cũng cần phải hài hòa được với ông Pompeo. Ông Pompeo là một nhân vật rất mạnh mẽ trong chính quyền này” – ông Perry nhận định.
Theo National Interest