Ông Trump đã đưa ra phát ngôn trên tại thượng đỉnh G7 tổ chức tại Biarritz, Pháp, sự kiện mà ông cùng tham dự với lãnh đạo các nước Canada, EU, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản và Anh. Ngoại trưởng Iran Mohammad Zavad Zarif cũng tới sự kiện này để tham dự các vòng tham vấn với Pháp.
"Tôi mong chờ vào một đất nước Iran thực sự tốt đẹp, thực sự mạnh mẽ chứ không muốn thay đổi chế độ. Các bạn đã chứng kiến nó có tác dụng thế nào suốt 20 năm qua, nó không quá tốt. Chúng tôi muốn giúp Iran giàu có trở lại. Hãy để họ trở nên giàu có, nếu họ muốn, hoặc họ có thể nghèo đi" - ông Trump nói khi xuất hiện cùng đối tác người Ai Cập.
Ông Trump từng đưa ra phát ngôn tương tự trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nói ông "có cảm giác rất tốt" về một thỏa thuận có thể đạt được với Iran, thêm rằng: "Đó là một quốc gia có tiềm năng khổng lồ, tôi cũng nói điều tương tự với Triều Tiên".
Ông Trump áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với cả Iran và Triều Tiên kể từ khi nhậm chức năm 2017, nhưng trong năm ngoái ông đã tham dự một cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong khi lại rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc nhằm vào nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông gọi cách tiếp cận với cả hai nước là "sức ép cực đại".
Bất chấp việc chưa đạt được thỏa thuận nào sau 2 Hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, ông Trump vẫn thường xuyên ngợi khen ông Kim Jong-un. Nhắc tới vị trí chiến lược của Triều Tiên khi tiếp giáp Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, lãnh đạo Mỹ hôm đầu tuần này nói rằng: "Triều Tiên có tiềm năng kinh tế khổng lồ và tôi nghĩ rằng ông Kim Jong-un nhận ra điều đó, ông ấy là nhà lãnh đạo và tôi nghĩ rằng ông ấy nhận ra tiềm năng khổng lồ đó".
"Điều đó cũng tương tự với Iran. Iran có những con người tuyệt vời, một đất nước có tiềm năng lớn. Họ là một người hàng xóm khá khó tính, nhưng cuối cùng sẽ trở thành một người hàng xóm tốt đẹp, tôi nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra" - ông Trump nói.
Ông còn nói rằng việc ông ngồi xuống bàn đàm phán cùng với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong vài tuần tới là điều "thực tế", nói rằng: "Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ muốn gặp gỡ, tôi nghĩ Iran muốn giải quyết tình hình hiện nay".
Trở lại Tehran, Tổng thống Rouhani ngụ ý rằng ông có thể chấp nhận đề xuất như vậy nếu nó phù hợp với lợi ích của Iran. Không nhắc tới tên ông Trump, lãnh đạo Iran nói trong một hội thảo tổ chức hôm đầu tuần rằng: "Nếu tôi sắp gặp ai đó và cuộc gặp đó có thể giải quyết các vấn đề của đất nước tôi, tôi sẽ không do dự làm vậy bởi nó phù hợp với lợi ích quốc gia".
Trung Quốc, EU, Pháp, Đức và Anh đều tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng chính quyền Trump lại muốn có một thỏa thuận mới để khiến Iran ngừng hậu thuẫn các nhóm vũ trang và ngừng phát triển tên lửa đạn đạo. Washington cũng tỏ ý hoài nghi tuyên bố của Iran cho rằng họ không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Newsweek