Tờ Rossiyskaya Gazeta Nga ngày 7 tháng 2 cho rằng "Thuyết NATO lỗi thời" và tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi NATO của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa các nước thành viên khác, làm cho họ phát đi tín hiệu rõ ràng bản thân có khả năng chi tiền trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự định tổ chức vào cuối tháng 5/2017.
Nhưng, hiện còn khó có thể phán đoán điều kiện trao đổi cuối cùng giữa Nhà Trắng và các nước thành viên NATO khác là gì. Sau khi nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ đồng ý tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Vấn đề quan trọng hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là tài chính.
Nói một cách chính xác hơn là Washington dự định yêu cầu các nước thành viên NATO chi tiền. Văn phòng NATO xác nhận, ông Donald Trump và ông Jens Stoltenberg "đã thảo luận cách thức thuyết phục tất cả các nước thành viên thực hiện nghĩa vụ chi tiền cho tổ chức".
Tổng thống Mỹ hy vọng các nước thành viên và các nhà lãnh đạo NATO "triển khai công việc sửa chữa sai lầm" trước hội nghị thượng đỉnh. Khi trả lời phỏng vấn báo chí Anh và Đức sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chỉ ra điểm này.
Ông Donald Trump cho biết: "Thứ nhất, NATO là một tổ chức lỗi thời, bởi vì nó được thành lập đã rất nhiều, rất nhiều năm trước. Thứ hai, kinh phí do các nước thành viên bỏ ra không đạt tỷ lệ mà họ cần bỏ ra".
Sự phẫn nộ của ông Donald Trump có thể hiểu được. Trong 25 nước thành viên NATO, chỉ có 5 nước thực hiện nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP trở lên. Các nước khác thậm chí không muốn bỏ ra số tiền thiếu của mình. Hơn nữa, những số tiền này đã không còn ít.
Chẳng hạn, chi tiêu quân sự năm 2015 của Đức chỉ chiếm 1,2% GDP, Italia không đến 1%, Pháp là 1,8%. Chi tiêu quốc phòng của các nước NATO bình quân chiếm 1% GDP của họ, cá biệt thậm chí chỉ 0,4%.
Tháng 3 năm 2016, một cuộc thăm dò dư luận theo yêu cầu của Nghị viện châu Âu cho thấy Đức cần chi 31 tỷ USD mới có thể bù thiếu, Italia cần chi 20 tỷ USD, Tây Ban Nha 15 tỷ USD. Hà Lan và Bỉ còn thiếu ít hơn, lần lượt là 7,5 và 5,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đối với người Bỉ, khoản tiền này chiếm khoảng 10% ngân sách nhà nước.
Trái với Tây Âu không ngừng tiết kiệm về chi tiêu quân sự, Đông Âu đồng ý hy sinh kế hoạch dân sinh để tăng chi tiêu quân sự. Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Ba Lan và Slovakia đồng ý tăng ngân sách quân sự gần 20% trong năm 2017. Bulgaria, Croatia, Cyprus, Hi Lạp, Romania, Serbia và Slovenia cũng đồng ý tăng khoảng 9%.
Nhưng, xét tới Mỹ bỏ ra 72% chi tiêu quốc phòng của NATO, trong khi đó năm 1955 chỉ có 59%, ông Donald Trump phải chăng sẽ cho rằng những nỗ lực này đã đủ hay chưa?
Các chuyên gia nhất trí cho rằng: Ông Donald Trump ít nhất có 2 phương pháp buộc châu Âu chi tiền để giảm gánh nặng cho Mỹ. Hai phương pháp này xem ra đều tương đối triệt để.
Thứ nhất, sử dụng Điều 5 của Hiến chương NATO - điều khoản phòng thủ tập thể khi một nước thành viên bị tấn công- áp dụng cho các nước nợ tiền.
Việc này dù cho là giả thiết thì chắc chắn sẽ có tác dụng đối với các nước thành viên ở Đông Âu.
Chuyên gia Melvin Klaus từ Viện nghiên cứu Hoover, Đại học Stanford Mỹ đề cập đến phương pháp thứ hai, cho rằng: "Muốn gây ảnh hưởng đến tư duy ngoại giao của ông Donald Trump, việc có ý nghĩa nhất mà châu Âu có thể làm là móc hầu bao chi nhiều tiền hơn cho phòng thủ chung của NATO".
Đồng thời, châu Âu có thể tiến hành "trao đổi" với ông Donald Trump – gắn việc tăng chi tiêu quân sự với việc giảm bớt trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, châu Âu phải tăng chi tiền gấp bội - các biện pháp chống trừng phạt của Nga đã làm cho rất nhiều nước bị tổn thất. Hiện nay, họ còn buộc phải trả các hóa đơn của NATO nhằm duy trì các biện pháp hạn chế bất lợi cho EU.
Điều hoang đường là, khác với Đông Âu, Nhà Trắng không coi Moscow là mối đe dọa hiện thực đối với Mỹ như Liên Xô trước đây. Khi trả lời phỏng vấn kênh tin tức Fox, Tổng thổng Mỹ cho rằng Iran mới là loại mối đe dọa này.
Mặc dù vậy, đối với vấn đề Mỹ và Iran có nổ ra xung đột công khai hay không, ông Donald Trump cũng trả lời mơ hồ. Ông Donald Trump nói: "Tôi chưa từng nói phải sử dụng lực lượng quân sự".
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới, Tổng thống Mỹ sẽ nói với NATO cần dùng tiền của Mỹ để làm việc gì. Trong đó chắc chắn bao gồm tấn công "Nhà nước Hồi giáo" (IS) và kế hoạch quân sự ứng phó với Iran.
Còn biện pháp tiếp theo của NATO đối với Nga, một phần rất lớn tùy thuộc vào thỏa thuận đạt được trong cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Cuộc hội đàm này có thể sẽ được tổ chức trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO.
Trước mắt, điều mà các nhà lãnh đạo NATO đang thực hiện chủ yếu là thỏa thuận ký kết trước Donald Trump - "Hiện diện quân sự mặt đất của NATO ở khu vực Biển Đen" và điều động xe bọc thép đến Estonia, Latvia và Ba Lan.
Họ không thể không cân nhắc đến ý đồ của Tổng thống Mỹ - ông chủ chi tiền chính - trong việc đạt được thỏa thuận với Moscow và hợp tác chống khủng bố ở Trung Đông.
Vì vậy, như tờ Nhật báo phố Wall đã nói, trong giai đoạn hiện nay, NATO sẽ nỗ lực để tránh tiếp tục làm căng với Điện Kremlin, áp dụng thái độ "xem chừng" trước hội nghị thượng đỉnh trong tháng 5/2017.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc hội đàm thảo luận về vấn đề phòng thủ tên lửa giữa các nhà lãnh đạo NATO và quan chức Ukraine bị hủy bỏ chính là do nguyên nhân này.
Những ảnh hưởng to lớn từ chương trình ngoại giao của ông Donald Trump đến các quyết sách của châu Âu rõ ràng làm cho Berlin không vui. Tân Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi các đồng nghiệp không nên “ngồi chờ chết”, chờ đợi các quyết định của Washington.
Ông Sigmar Gabriel nói: "Chúng ta cần xây dựng một mặt trận thống nhất để phát huy vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới". Nhưng hầu như không hề có ai sẽ xem xét nghiêm túc với lời kêu gọi của ông.