Tổng Tham mưu trưởng Nga: nếu sự sống còn của quốc gia bị đe dọa, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng Tham mưu trưởng Nga Gerasimov tuyên bố tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow chính sách hạt nhân của Nga mang tính phòng thủ, nhưng nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân
Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga (Ảnh:
Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga (Ảnh:

Theo Theo Hãng thông tấn TASS ngày 23/6, Đại tướng Valery Gerasimov đã tuyên bố tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow: "Quan điểm chính thức của Nga về vấn đề này đã được công bố lần đầu tiên trong chính sách răn đe hạt nhân của Nga vào năm 2020. Tài liệu này đã làm rõ các quy định trong học thuyết quân sự của Nga (Military Doctrine) và chính sách hạt nhân của Nga hoàn toàn mang tính chất phòng ngự (defensive)".

Tuy nhiên, tướng Gerasimov nhấn mạnh rằng khả năng răn đe hạt nhân (nuclear deterrence) vẫn là một yếu tố của sự ổn định chiến lược. "Nếu một quốc gia nào đó sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga, hoặc sử dụng vũ khí thông thường để xâm lược Nga, đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga, Nga sẽ bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại". Ông đồng thời bổ sung thêm: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân đòi hỏi tuân thủ những hạn chế và quy định nghiêm ngặt”.

Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần 9 họp tại Khách sạn Ukraine (Ảnh: RIA).

Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần 9 họp tại Khách sạn Ukraine (Ảnh: RIA).

Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow (Moscow International Security Conference, MCIS) hàng năm do Bộ Quốc phòng Nga đăng cai tổ chức nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng và các tổ chức quốc tế thông qua giao lưu trao đổi, cùng nhau tìm kiếm các cách thức và phương tiện đối phó với các thách thức và mối đe dọa quốc tế. Hội nghị này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, năm nay là lần thứ 9, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu.

Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow năm nay được tổ chức tại Khách sạn Ukraine ở Moscow từ ngày 23 đến 24/6. Năm nay, Nga đã gửi lời mời tới 119 quốc gia và tổ chức, bao gồm các nhà lãnh đạo quốc phòng của NATO, Mỹ, một số nước thuộc Liên minh Châu Âu EU và các chuyên gia quân sự từ các nước khác nhau. Khoảng 600 đại diện từ khắp nơi trên thế giới tới tham dự hội nghị.

Theo trang web của Điện Kremlin, hôm 23/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một bài phát biểu qua truyền hình gửi tới những người tham gia hội nghị.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu chủ trì khai mạc hội nghị (Ảnh: RIA).

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu chủ trì khai mạc hội nghị (Ảnh: RIA).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, trong bài phát biểu, ông Gerasimov cũng chỉ ra rằng NATO đã trở thành một liên minh quân sự và chính trị toàn cầu để kiềm chế Trung Quốc và Nga. Lực lượng này đã đóng quân ở Afghanistan trong 20 năm và không đạt được thành công nào. Việc rút quân gần đây đã gây ra khả năng bùng phát nội chiến. Ông yêu cầu NATO cần có các biện pháp khẩn cấp để điều chỉnh tình hình ở Afghanistan.

Tham dự và phát biểu trước hội nghị với hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói: toàn thế giới đang đứng trước những thách thức phức tạp, cần phải có sự ứng phó trên quy mô toàn cầu. Ông nói, cho biết quân đội Trung Quốc mong muốn hợp tác với các quân đội trên thế giới để xây dựng lòng tin an ninh quân sự ở mức độ cao. Ông cũng nói, hòa bình và phát triển là xu thế lớn, nhưng Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.

Ngụy Phượng Hòa nói, Trung Quốc sẽ đóng góp cho hòa bình thế giới, nhưng đồng thời nhấn mạnh kiên quyết phản đối các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 9 gồm 5 phiên toàn thể: Sự ổn định chiến lược, chuyển đổi và triển vọng; khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh chính trị toàn cầu; hợp tác quân sự và kỹ thuật - quân sự giữa Liên bang Nga và các nước Trung Đông - Châu Phi như một yếu tố chính trong việc củng cố an ninh khu vực; sự phối hợp hành động về quân sự như một yếu tố trong đấu tranh chống các thách thức và mối đe dọa khu vực tại Mỹ - Latin và Tây bán cầu; an ninh châu Âu: các xu hướng và triển vọng. Ngoài ra, Hội nghị có hai phiên hội thảo chuyên đề: Vai trò của các cơ quan quốc phòng trong đấu tranh chống Covid-19; an ninh thông tin: các vấn đề và giải pháp.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng đoàn đại biểu cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã tham dự tại đầu cầu Hà Nội dưới hình thức trực tuyến.

Phát biểu ý kiến tại phiên toàn thể thứ 2 “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh chính trị toàn cầu”, với chủ đề “Các quan điểm chiến lược về an ninh khu vực”, Thượng tướng Phan Văn Giang nhận định: Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo của thế giới từ sau năm 1945. Điểm lại các thách thức an ninh đang diễn ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thượng tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ chế hợp tác đa phương khu vực, đặc biệt là cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) trong duy trì hòa bình, an ninh khu vực.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều mang khẩu trang phòng dịch (Ảnh: aps).

Các đại biểu tham dự hội nghị đều mang khẩu trang phòng dịch (Ảnh: aps).

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định lại chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; nhắc lại nguyên tắc giải quyết các tranh chấp, bất đồng, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động hợp tác với các nước, trong đó có Nga nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; cũng như cam kết của Việt Nam đóng góp cho nền hòa bình chung...

Thượng tướng Phan Văn Giang nêu rõ: Về phần mình, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các quy định thống nhất trong khu vực; tích cực, chủ động hợp tác với các nước, trong đó có Nga nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vì cuộc sống của người dân. Từ những kinh nghiệm xương máu của dân tộc mình, Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình, và cũng sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho công cuộc bảo vệ hòa bình vì lợi ích không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia khác.