Tòa nhà Lê Trực bị “cắt ngọn”, khách mua căn hộ sẽ thế nào?

Trước thông tin tòa nhà 8B Lê Trực bị dỡ bỏ phần xây sai phép, nhiều khách hàng đã mua căn hộ ở các tầng cao đang lo lắng về quyền lợi của mình.
Tòa nhà 8B Lê Trực
Tòa nhà 8B Lê Trực

Tòa nhà 8B Lê Trực đang gây xôn xao dư luận bởi xây dựng sai so với giấy phép được cấp, lấn chiếm không gian Lăng Bác và khu trung tâm chính trị Ba Đình. Sự việc càng thu hút sự chú ý của người dân hơn khi UBND TP Hà Nội vừa mới yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tự phá dỡ phần công trình sai phép này.

Nhiều người băn khoăn, vậy với những khách hàng đã đóng tiền mua các căn hộ ở các tầng xây cao vượt phép thì họ sẽ được bồi thường như thế nào theo luật?

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Danh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Công ty Luật Lincon cho biết, theo Khoản 1, Điều 25, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2005 (đã hết hiệu lực từ 01/7/2015) và Điều 58 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2015 thì Chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực khi cung cấp thông tin cho khách hàng mua căn hộ phải có nghĩa vụ "Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về nhà, công trình xây dựng và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp".

Việc Chủ đầu tư xây dựng sai phép nếu không cung cấp cho khách hàng biết là vi phạm quy định đã được trích dẫn nêu trên.

Khách hàng trong trường hợp này có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên Hợp đồng mua bán nhà vô hiệu theo Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2005:

"Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình".

Khi Tòa tuyên Hợp đồng vô hiệu thì hậu quả pháp lý sẽ được xử lý theo Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau:

"Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường".

Cũng theo Luật sư Danh, trong trường hợp chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực không thực hiện việc xử lý sai phạm theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là tự nguyện dỡ bỏ phần công trình xây sai phép thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Chủ đầu tư trong trường hợp này sẽ phải chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến việc cưỡng chế nêu trên.

Theo Kiến Thức