Tổ chức lễ tang nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh theo nghi thức cấp Nhà nước

VietTimes -- Lễ tang ông Nguyễn Phúc Thanh được tổ chức theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước. Lễ viếng từ 08 giờ đến 11 giờ, thứ Tư, ngày 20/02/2019 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Tp. Hà Nội. Lễ truy điệu và Lễ an táng tại nghĩa trang quê nhà thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Tp. Hà Nội.

TIN BUỒN

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí: Nguyễn Phúc Thanh

Sinh ngày 25 tháng 6 năm1944

Quê quán: Xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).

Thường trú tại số nhà 38, ngõ 9 đường Nguyễn Tri Phương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;

Đồng chí Nguyễn Phúc Thanh tham gia hoạt động cách mạng năm 1964; vào Đảng ngày 8/2/1966; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa X, khóa XI; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 12 giờ 15 phút, ngày 08/02/2019 (tức ngày 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Trên 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nư­ớc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang đồng chí Nguyễn Phúc Thanh với nghi thức lễ tang cấp nhà nước.

Thông báo lễ tang:

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Ban Lễ tang Nhà nước gồm 23 đồng chí; đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm Trưởng Ban.

Linh cữu đồng chí Nguyễn Phúc Thanh quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng từ 08 giờ đến 11 giờ, thứ Tư, ngày 20/02/2019 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; sau đó là Lễ truy điệu và Lễ an táng tại Nghĩa trang quê nhà thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.

Tiểu sử nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh:

Đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, sinh ngày 25/6/1944; Quê quán: Xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội); Thường trú tại số nhà 38, ngõ 9, đường Nguyễn Tri Phương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; Tham gia hoạt động cách mạng năm 1964; Vào Đảng ngày 08/02/1966.

Tháng 11/1964, đồng chí nhập ngũ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304.

Tháng 7/1967 đến tháng 11/1970, đồng chí làm Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Quân khu Trị Thiên.

Tháng 12/1970 đến tháng 8/1972, đồng chí học tại Học viện Lục quân.

Tháng 8/1972, đồng chí làm Trợ lý tác chiến Quân khu Trị Thiên.

Tháng 5/1973 đến tháng 02/1975, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 1 rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 324.

Tháng 3/1975 đến tháng 9/1978, đồng chí làm Tham mưu phó Sư đoàn 324.

Tháng 10/1978 đến tháng 6/1980, đồng chí Học tại Học viện Quân sự cấp cao.

Tháng 7/1980 đến tháng 6/1981, đồng chí làm Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.

Tháng 7/1981 đến tháng 4/1985, đồng chí làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Trong thời gian này đồng chí được cử đi đào tạo tại Học viện Quân sự PunDe Liên Xô.

Tháng 5/1985 đến tháng 9/1987, đồng chí làm Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn 2.

Tháng 10/1987 đến tháng 5/1988, đồng chí làm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 2.

Tháng 6/1988 đến tháng 3/1994, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2.

Tháng 4/1994 đến tháng 9/1997, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Quyền Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần. Tháng 10/1994, đồng chí được phong quân hàm Trung tướng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 9/1997, đồng chí được bầu vào Đảng đoàn Quốc hội khóa X, làm Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội khóa X, XI.

Năm 2007, đồng chí thôi giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội và nghỉ theo chế độ.

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX; Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI.

Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.