Tính hay thay đổi của ông Trump khiến Trung Quốc phải chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ nhất

VietTimes – Tính hay thay đổi của Tổng thống Trump đã làm sâu sắc thêm sự ngờ vực từ phía Trung Quốc, một nhà phân tích cho biết. 
Thương chiến Mỹ - Trung sẽ khó chấm dứt trong ngày một ngày hai (ảnh Market Watch)
Thương chiến Mỹ - Trung sẽ khó chấm dứt trong ngày một ngày hai (ảnh Market Watch)

Có lẽ không ai ngạc nhiên khi nghe thông tin rằng đại diện Trung Quốc đã gọi điện cho chính quyền Tổng thống Trump để xin nối lại đàm phán, ngoại trừ những người trong chính phủ Trung Quốc.

Sau một ngày cuối tuần với những tín hiệu khó hiểu, uy tín của Tổng thống Trump đã trở thành một trở ngại chính cho Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận lâu dài với Mỹ. Hầu như chẳng nhà thương thuyết nào phía Trung Quốc tin rằng họ sẽ đạt được một thỏa thuận với Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Sẽ nguy hiểm cho bất cứ quan chức nào đưa ra lời khuyên cho Chủ tịch Tập Cận Bình ký một thỏa thuận mà Tổng thống Trump có thể phá vỡ bất cứ lúc nào.

Trong một bài phát biểu ngắn gọn với các phóng viên tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 tại Pháp vào hôm thứ Hai (26/8), Tổng thống Trump nói rằng các quan chức Trung Quốc đã gọi điện cho “những nhà thương thuyết hàng đầu của chúng tôi” để nói “hãy trở lại bàn đàm phán”. Hàm ý của ông Trump là Trung Quốc đã cảm thấy tuyệt vọng. “Họ đã bị tổn thương nặng nề, nhưng họ hiểu đây là điều đúng đắn [khi muốn trở lại bàn đàm phán]”, Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Donald Trump (ảnh AFP)
Tổng thống Donald Trump (ảnh AFP)

Phát biểu của ông Trump đã giúp cổ phiếu tăng trong giây lát, nhưng không một ai trong giới chức Bắc Kinh có ở đó để biết được Tổng thống Trump đã nói gì. Tệ hơn, những nỗ lực của ông Trump nhằm mô tả Trung Quốc như một nước “chiếu dưới” trên bàn đám phán đã khiến cho Bắc Kinh cảm thấy ông Trump không phải là một người đáng tin cậy để ký kết một thỏa thuận.

“Tính dễ thay đổi của Trump đã làm đối tác ngày càng mất tin tưởng”, ông Tào Đông, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc của ngân hàng Credit Suisse ở Hồng Kông nhận xét. “Điều này khiến cho một giải pháp nhanh chóng là bất khả thi”.

Để đáp lại hành vi của Mỹ, hai quan chức trong chính quyền Trung Quốc nói rằng họ sẽ áp dụng kế sách giống như đã làm với Mỹ trong thời chiến tranh Triều Tiên, tức là “vừa đánh vừa đàm”, sử dụng các trận chiến để tăng tốc đàm phán. Trung Quốc đã chuẩn bị các kế hoạch dự phòng trong trường hợp không có thỏa thuận nào được thông qua, bao gồm việc đưa các công ty Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy và áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/8 nói rằng họ không biết gì về phát biểu của ông Trump. Một trong những người đầu tiên phản bác lời tuyên bố của Tổng thống Trump là ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu. Ông Tiến nói rằng Tổng thống Mỹ đang phóng đại tầm quan trọng của các cuộc đàm phán cấp thấp, và rằng vị thế của Trung Quốc trên bàn đàm phán không hề thay đổi.

Trong khi các quan chức Bắc Kinh vẫn sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán với Mỹ, họ đồng thời cũng ủng hộ ý tưởng tách rời khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới – một động thái khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi Tổng thống Mỹ cũng đang kêu gọi các công ty của mình “trở về nhà”. Sau khi các cuộc đàm phán thất bại hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc phải tự lực trong các công nghệ cốt lõi và kêu gọi người dân tham gia “một cuộc hành quân trường kỳ mới”.

Tim Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc đồng thời là cựu trợ lý đại diện thương mại Hoa Kỳ nói rằng các công ty đang có xu hướng giảm dần sự lệ thuộc. Họ đang tìm các giải pháp thay thế khi mà nhận thấy một tương lai bất định.

Khi cả hai nhà lãnh đạo không cùng nhìn về một hướng (ảnh Market Watch)
Khi cả hai nhà lãnh đạo không cùng nhìn về một hướng (ảnh Market Watch)

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây tổn thương khá lớn cho Trung Quốc, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đã ở mức chậm nhất trong ba thập kỷ trở lại đây, khi mà chính quyền cũng tìm cách che đậy các rủi ro về nợ và sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể nới lỏng hơn nữa các chính sách kinh tế. Tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tiết lộ một chương trình cải cách lớn nhằm giảm chi phi vay. Chính phủ đang xem xét cho phép các tỉnh thành phát hành thêm trái phiếu để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Về mặt chính trị, ông Tập không có nhiều lựa chọn để chiều theo ý Tổng thống Mỹ. Những người có quan điểm cứng rắn trong chính phủ Trung Quốc đã cất tiếng nói mạnh mẽ hơn mỗi khi ông Trump phá vỡ một thỏa thuận tạm thời – từ tăng thuế cho đến đưa các công ty công nghệ hàng đầu như Huawei vào danh sách đen.

Mặc dù Trung Quốc sẵn sàng ký một thỏa thuận mua nhiều nông sản hơn từ Mỹ, nhưng về mặt chính trị, ông Tập không thể ký kết một thỏa thuận gỡ bỏ thuế quan trừng phạt. Ông cũng không thể đồng ý tư nhân hóa các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế mà nhà nước đang kiểm soát. Nói tóm lại, Trung Quốc hiện không có khả năng nhượng bộ đáng kể nào.

Theo Bloomberg