Sáng 6/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo: do phía Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với số hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trị giá 300 tỷ USD, vi phạm nghiêm trọng sự thỏa thuận của hai nguyên thủ quốc gia tại cuộc gặp gỡ ở Osaka; vì vậy Ủy ban thuế quan Quốc Vụ viện không loại trừ việc đánh thuế nhập khẩu đối với các hợp đồng mua nông sản từ Mỹ được ký sau ngày 3/8; đồng thời các doanh nghiệp liên quan của Trung Quốc đã tạm đình chỉ việc mua nông sản của Mỹ.
Giới chức trách Trung Quốc có liên quan cho rằng, Trung Quốc có thị trường rộng lớn và triển vọng sáng sủa để nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao từ Mỹ. Tuy nhiên, hy vọng phía Mỹ hãy thực hiện một cách tích cực sự đồng thuận đạt được tại Osaka giữa các nhà lãnh đạo nhà nước Trung Quốc và Mỹ, nói phải giữ lời, thực hiện cam kết, tạo điều kiện cần thiết cho sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp hai nước.
Phía Mỹ luôn chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết thu mua ngay lập tức số lượng lớn nông sản như đã hứa tại cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình tại Osaka hôm 29/6
|
Đồng thời, trước việc “phía Mỹ nói rằng Trung Quốc không có hành động thực tế mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ”, người phụ trách Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ngày 5/8 đã bác bỏ, nói: từ sau cuộc gặp gỡ giữa các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đến cuối tháng 7, đã có 2,27 triệu tấn đậu tương Mỹ mới được chuyển đến Trung Quốc và dự kiến sẽ có thêm 2 triệu tấn nữa xuống tàu trong tháng 8. Trong số 14 triệu tấn đậu tương mà các công ty hai bên đã ký kết, chỉ còn lại 300.000 tấn đợi xuống tàu vào tháng Chín.
Theo người phụ trách ủy ban này, bắt đầu từ ngày 19/7, các công ty liên quan của Trung Quốc đã tiếp tục khảo sát giá để mua thêm đậu tương, cao lương, tiểu mạch, ngô, ethanol và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Tính đến tối ngày 2/8, họ đã ký được các hợp đồng mua 130.000 tấn đậu tương, 120.000 tấn cao lương, 75.000 tấn cỏ khô, 60.000 tiểu mạch, 40.000 tấn thịt lợn, 25.000 tấn bông, 5.700 tấn sản phẩm sữa và 4.500 tấn trái cây chế biến. 400 tấn, trái cây tươi... Những hợp đồng mua sản phẩm nông nghiệp đã được ký này đều được các doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị Ủy ban Thuế quan của Quốc Vụ viện miễn đánh thuế nhập khẩu.
Ông Trump chỉ trích Bắc Kinh áp dụng chiến thuật câu giờ trong đàm phán thương mại giữa hai bên, nhằm trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020
|
Trước đó, hôm 1/8, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng xuất khẩu 300 tỷ USD của Trung Quốc sang Mỹ bắt đầu từ ngày 1/9. Theo các nguồn tin, Trump cho rằng các bước đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “không đủ nhanh”. Sau các cuộc thảo luận căng thẳng với các cố vấn, bất chấp sự phản đối, ông Trump vẫn quyết áp thuế mới đối với Trung Quốc và kiên trì cho rằng thuế quan là cách tốt nhất để buộc Trung Quốc đồng ý với các yêu cầu của Mỹ.
Chính phủ Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ buộc phải nhượng bộ vì lo lắng về tác động xấu của thuế quan đối với sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích đang tự hỏi liệu chiến thuật của Trump có đạt hiệu quả hay không?
Tờ Financial Times của Anh cho rằng, các biện pháp thuế quan mới của ông Trump cho thấy niềm tin giữa hai nước lớn thường xuyên cãi vã nhau đã sụp đổ. Cuộc chiến thương mại đang bước vào một không gian lớn chưa từng có. Giả thiết của ông Trump rằng Trung Quốc sẽ khuất phục đã được chứng minh chỉ là suy nghĩ trong mơ. Ngược lại, Bắc Kinh quyết không thỏa hiệp và loại trừ khả năng nhượng bộ ngay lập tức.
Ông Peter Navarro: Trung Quốc phải chấm dứt "bảy tội lỗi" mà họ phạm phải thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới kết thúc.
|
Ngày 4/8, ông Peter Navarro, cố vấn thương mại và kinh tế của Nhà Trắng, khi tham gia chương trình “Fox News Sunday” đã nêu chi tiết về “bảy tội lỗi” (Seven Deadly Sins) mà Trung Quốc đã phạm phải. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc phải chấm dứt những hành vi sai trái này thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới kết thúc.
Theo ông Navarro, “bảy tội lỗi”mà Trung Quốc phạm phải với Mỹ là: ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ; ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ; đột nhập mạng máy tính của Mỹ; bán phá giá thị trường khiến các công ty Mỹ phá sản; trợ cấp mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhà nước; tuồn loại ma túy fetanyl sang Mỹ và thao túng tiền tệ.