Tin được không: Trung Quốc tuyên bố không dùng vũ lực ở Biển Đông

Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long ngày 17.10 cho biết Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng vũ lực ở Biển Đông.
Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long phát biểu tại diễn đàn an ninh Xiangshan tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 17.10.2015 - Ảnh: Reuters
Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long phát biểu tại diễn đàn an ninh Xiangshan tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 17.10.2015 - Ảnh: Reuters

Phát biểu tại diễn đàn an ninh Xiangshan tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 17.10, ông Phạm cam kết Trung Quốc “sẽ không bao giờ liều lĩnh dùng vũ lực, thậm chí trong vấn đề chủ quyền” ở Biển Đông, theo AFP.

“Chúng tôi cố gắng hết sức tránh những cuộc xung đột không mong muốn. Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết những tranh chấp và bất đồng với các bên liên quan thông qua đối thoại và cam kết phối hợp với các bên liên quan duy trì an ninh và ổn định khu vực”, ông Phạm cho hay.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, xây dựng nhằm biến những bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những đảo nhân tạo phi pháp để đặt các căn cứ quân sự, đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.

Washington đã quyết định điều tàu chiến và máy bay tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa, để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Nhưng ông Phạm lại ngang ngược cho rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ vì mục đích dân sự và “sẽ không ảnh hưởng tự do hàng hải ở Biển Đông”. Ông ta còn ngang ngược nói hai hải đăng Trung Quốc mới xây dựng phi pháp ở Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma (thuộc Trường Sa) “đã bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị hàng hải cho tất cả các quốc gia”.

Hôm 13.10, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình đã khẳng định việc Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng phi pháp tại Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, theo TTXVN.

Theo AFP, các quan chức Trung Quốc cũng đưa ra những tuyên bố tương tự như ông Phạm nhiều lần trước. Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố cho thấy Trung Quốc xây ba đường băng trên những đảo nhân tạo phi pháp và các chiến đấu cơ có thể đáp xuống những đường băng này.

Phát biểu tại thủ đô Washington hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép, và Biển Đông không phải là ngoại lệ.

Sau phát biểu của ông Phạm, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết “tuyên bố của ông Phạm làm yên lòng tất cả chúng ta” và cảnh báo cách tốt nhất là thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ông Hishammuddin là một trong những Bộ trưởng Quốc phòng từ 10 quốc gia thành viên ASEAN đến tham dự diễn đàn Xiangshan, AFP cho hay.

Trong cuộc gặp gỡ không chính thức với bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN bên lề diễn đàn Xiangshan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn ngày 16.10 nói rằng Trung Quốc sẵn sàng tiến hành những cuộc tập trận chung với các nước ASEAN trên Biển Đông.

Ông Thường cho biết thêm dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu “cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực”, theo TTXVN.

Trung Quốc tổ chức diễn đàn Xiangshan, một diễn đàn tập trung về an ninh và quốc phòng khu vực, nhằm tăng cường sức ảnh hưởng toàn cầu của nước này. Diễn đàn này được xem là đối thủ cạnh tranh với diễn đàn Shangri-La do Singapore tổ chức thường niên, thu hút nhiều quan chức, chuyên gia quân sự quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu về những vấn đề an ninh hàng hải trong phiên thảo luận ngày mai 18.10, theo AFP.

Theo Thanh Niên