Trung Quốc đã triển khai ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn mang tên lửa đạn đạo ở vịnh Á Long |
Hải Nam hiện là căn cứ của hạm đội Nam Hải để vươn sức mạnh quân sự xuống khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc đã triển khai ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tại vịnh Á Long trên đảo Hải Nam.
Từ đây, Trung Quốc có thể phát động các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Guam và Alaska với các tên lửa đạn đạo Cự Lãng 2 phóng từ tàu ngầm. Tên lửa Trung Quốc bắn từ đảo Hải Nam cũng có thể tấn công các mục tiêu tiềm tàng trên lãnh thổ Úc.
Quân đội Trung Quốc đã tiến hành các hoạt dộng nhằm mục mục tiêu tạo lập cho Trung Quốc khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng lực lượng pháo binh thứ hai (lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc). Tuy nhiên, các hoạt động của quân đội Trung Quốc lâu nay tại vịnh Á Long vẫn bị máy bay tuần tra tối tân P-8A của Mỹ giám sát nếu như không tạo ra một vùng đệm.
Đây chính là một trong những lý do tại sao Trung Quốc quyết định ồ ạt ở chiến dịch bồi lấp biển, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm kéo sự chú ý của Mỹ khỏi Hải Nam. Hải quân Trung Quốc cũng tăng cường sức mạnh của hạm đội tàu ngầm thông thường, với việc triển khai 4 tàu ngầm Kilo mua của Nga và 4 tầu ngầm nội địa thông thường lớp Nguyên Type 039A để thay thế các tàu ngầm lớp Minh Type 035 cồng kềnh và ồn hơn.
Theo Kanwa Defense Review, vịnh Á Long rất gần Việt Nam, rất có thể sẽ trở thành căn cứ để Bắc Kinh phát động chiến tranh tàu ngầm chống nước láng giềng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Mỹ lừng chừng khiến Trung Quốc tiếp tục bắt nạt
Alexander Benard - Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Schulze toàn cầu và Paul J. Leaf - luật sư luật quốc tế ngày 11/9 vừa có bài phân tích trên tạp chí The National Interest, gợi ý Mỹ và Việt Nam cần khẩn trương làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương do những diễn biến căng thẳng và sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hai chuyên gia đánh giá, quan hệ Việt - Mỹ đã được tăng cường trong vài năm qua phần lớn là do hai bên có chung mối quan tâm với sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng một số phương diện của quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn đang "phát triển từ từ" càng khiến Trung Quốc tin rằng họ có thể "tiếp tục bắt nạt Việt Nam", một phần trong chiến dịch chiếm quyền kiểm soát khu vực mà không dẫn đến phản ứng quá mạnh.
Benard và Leaf cho rằng gần đây Trung Quốc đã hạ đặt một giàn khoan trong vùng biển chưa phân định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ với Việt Nam. Tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ kéo dài hoạt động của giàn khoan này thêm 2 tháng. Đây là hành động khiêu khích mới nhất, cùng với tuyên bố của ông Tập Cận Bình hôm 3/9 rằng sẽ phát triển mạnh hải - không quân có thể thúc đẩy Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hơn nữa một số lĩnh vực quan trọng trong quan hệ đang phát triển.
Tháng 5/2014, chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Barak Obama kết thúc chuyến công du châu Á để trấn an các đồng minh của Mỹ thì Bắc Kinh đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ giàn khoan 981, hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam được quốc tế công nhận, Benard và Leaf lưu ý. Hơn hai tháng căng thẳng leo thang, cuối cùng Trung Quốc cũng rút lui nhưng vẫn cảnh báo rằng "sẽ quay lại".
Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981, Mỹ gọi hành động của Trung Quốc là "khiêu khích", nhưng tránh các hành động can thiệp, xử phạt, từ chối hòa giải cuộc xung đột này và không điều động lực lượng quân sự đến khu vực. Như để nhấn mạnh thông điệp dọa nạt này đối với Việt Nam, tháng 6 vừa qua, chỉ vài tuần trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, Trung Quốc lại kéo giàn khoan ra vùng biển chồng lấn với Việt Nam ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa được phân giới để thăm dò tài nguyên. Bắc Kinh còn ngang nhiên tuyên bố vùng cấm tàu thuyền hoạt động bán kính 2.000 mét xung quanh giàn khoan (bất chấp luật pháp quốc tế trong khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 chỉ cho phép vùng an toàn có bán kính tối đa 500 mét với các công trình nhân tạo trên biển).
Mỹ không ngần ngại đối đầu
Hai chuyên gia cho rằng hành động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông là rất đáng báo động, vì nó được xem như một phần của mô hình "xâm lược liên tục" sau khủng hoảng giàn khoan 981. Mùa hè này Bắc Kinh công khai hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp quy mô lớn chưa từng có ở Trường Sa. Tiếp theo Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Tuần trước Trung - Nga tập trận hải quân chung ở biển Nhật Bản, Bắc Kinh phô trương các loại vũ khí hiện đại trong duyệt binh 3/9 và thông báo tập trung nguồn lực phát triển hải - không quân. Đặc biệt là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc điều 5 chiến hạm áp át bờ biển Alaska trong phạm vi 12 hải lý đúng lúc Tổng thống Obama có chuyến công du ở đó.
Nhận thức được tham vọng của Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam đã có những bước khiêm tốn để tăng cường mối quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tăng cường các chuyến thăm cấp cao và tập trận chung, Mỹ cung cấp 18 triệu USD hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam mua sắm tàu tuần tra, Mỹ nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Cả hai nước đều muốn làm nhiều hơn, nhưng cả hai đều chưa thực sự thúc đẩy quan hệ với cảm giác cấp bách. Chính quyền Tổng thống Obama không muốn khiêu khích Bắc Kinh và đã được chứng minh bằng "phản ứng câm lặng" trong vụ giàn khoan 981, thất bại trong việc thực hiện cam kết qua lại 12 hải lý vùng biển, vùng trời quốc tế xung quanh 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa.
Hơn nữa còn nhiều người đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của Mỹ về việc đứng lên chống sự bành trướng của Bắc Kinh, bởi lẽ Washington đang bị sa lầy trong các điểm nóng khác trên thế giới, đúng lúc chi tiêu quân sự đang phải cắt giảm dần. Benard và Leaf cho rằng, hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc là một cơ hội khôi phục những động lực này. Trung Quốc đang ngày càng thể hiện rằng họ khao khát quyền bá chủ trong khu vực như thế nào, và họ sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào không "tuân theo" Trung Quốc.
Hai ông cho rằng: "Việt Nam cần ngay lập tức cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn đến các căn cứ quân sự của mình. Việt Nam có thể duy trì sự kiểm soát của mình, nhưng nên để cho Mỹ truy cập và cho phép họ xây dựng cơ sở hạ tầng và lắp đặt các thiết bị mới. Mỹ có thể nhanh chóng điều động lực lượng ra Biển Đông và dễ làm Bắc Kinh nản chí hơn, không dám quấy rầy Việt Nam. Việt Nam cũng nên cho phép hải quân Mỹ thăm cảng nhiều hơn và cung cấp quyền tiếp cận quân cảng Cam Ranh."
Về mặt kinh tế hai chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách theo kêu gọi của các đối tác tham gia đàm phán TPP. Việc tham gia TPP có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, có thể tự do hơn để theo đuổi lợi ích quốc gia của mình ngay cả khi có xung đột mâu thuẫn với Trung Quốc, Benard và Leaf bình luận. Benard và Leaf gợi ý Tổng thống Barack Obama sẽ đưa vấn đề Biển Đông và Trung Quốc chèn ép Việt Nam lên trên bàn đàm phán với ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc. Hai tác giả cho rằng, bằng cử chỉ này Mỹ sẽ báo hiệu cho Việt Nam thấy, Mỹ nghiêm túc và không ngần ngại đối đầu với Trung Quốc nếu Bắc Kinh liều lĩnh có hành động vũ lực.
Theo Benard và Leaf, Hoa Kỳ nên giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào mối quan hệ an ninh khu vực, kể cả khuyến khích Việt Nam cùng phát triển công nghiệp quốc phòng, mời tham gia tập trận chung đa phương và tuần tra hải quân chung, mua sắm vũ khí Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để tránh lệ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Mỹ phải sớm kết thúc TPP, trong đó sẽ có lợi cho cả Mỹ và Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành một trong những đối tác tốt nhất của Mỹ để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh. Theo hai chuyên gia, Mỹ và Việt Nam phải nâng cao hợp tác song phương, điều này báo hiệu rằng Washington cam kết ngăn chặn ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong lúc các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang lo lắng, không chắc Mỹ có làm những gì cần thiết để chống hành vi gây hấn của Bắc Kinh hay không.
Theo QPAN