Tìm hiểu tham vọng tạo ra thành phố di động thông minh của Hồng Kông

VietTimes – ASTRI là cơ quan chuyên trách của Hồng Kông có nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh công nghệ cao của thành phố. Họ đang áp dụng 5G để hỗ trợ các giải pháp thành phố thông minh.

Kế hoạch đưa Hồng Kông trở thành thành phố thông minh hàng đầu thế giới đã được công bố cách đây 3 năm, vào ngày 15/12/2017, với một bản chi tiết các bước tiến hành trong giai đoạn 5 năm.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với các giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học Ứng dụng Hồng Kông (ASTRI), phóng viên của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đã hỏi về viễn cảnh thành phố thông minh và vai trò của cộng nghệ di động 5G.

Ông Eric Tsang, Giám đốc công nghệ các giải pháp băng tần của ASTRI cho biết: “Chúng tôi sẽ áp dụng một số giải pháp 5G để nâng cao trải nghiệm cho xe tự lái. Các công nghệ của chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng vẫn cần thêm thời gian thử nghiệm”.

Kế hoạch tăng cường tính cạnh tranh công nghệ của Hồng Kông thời gian qua đã gặp phải khó khăn do bất ổn chính trị và kinh tế, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính quyền đang diễn ra bên cạnh những nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19.

So với Trung Quốc đã từng đầu tư hàng tỷ USD kể từ năm ngoái để triển khai 5G trên khắp cả nước, thì việc triển khai 5G ở Hồng Kông chỉ bắt đầu từ quý II năm nay. Các thử nghiệm 5G ở Hồng Kông – với dân số hơn 7 triệu người trên diện tích 1.100 km2 – cũng có quy mô nhỏ hơn.

Chính quyền một số thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đang thực hiện các chương trình đầy tham vọng với sự trợ giúp của 3 nhà mạng khổng lồ (tổng số thuê bao di động của 3 nhà mạng này đạt 1,6 tỷ tính đến tháng 4). Những công ty Internet lớn nhất Trung Quốc, dẫn đầu bởi Baidu, Tencent Holdings và Alibaba, cũng nằm trong các dự án liên quan đến 5G.

Cũng giống như Trung Quốc, Hồng Kông coi 5G là công cụ để trợ giúp cái gọi là “sự liên lạc giữa các phương tiện di chuyển với vạn vật” (C-V2X). Công nghệ di động thông minh này cho phép các phương tiện giao thông, khách bộ hành và hạ tầng thông tin liên lạc bên đường trao đổi thông tin với nhau. Mục tiêu chính là cải thiện an toàn đường bộ và giúp luồng xe cộ lưu thông hiệu quả hơn.

Là một phần trong viễn cảnh hệ thống giao thông thông minh của Hồng Kông, C-V2X sẽ tạo ra những chiếc xe kết nối thế hệ mới cũng như những phương tiện tự hành cấp độ cao xuất hiện trong thành phố.

“Chúng tôi đang tiến gần đến việc thương mại hóa các công nghệ di động thông minh, đưa chúng vào thực tế, nhờ những thử nghiệm liên tục từ năm 2017”, ông Henry Wong – Giám đốc chiến lược Công nghệ không dây và Mạng lõi của HKT (nhà mạng lớn nhất Hồng Kông) cho biết.

Vào năm 2018, HKT và ASTRI đã có sự hợp tác chặt chẽ hơn khi cùng nhau thành lập Phòng thí nghiệm SmartCity để nghiên cứu các ứng dụng tiên tiến dành cho đường xá điện tử và xe kết nối.

HKT đã khai trương dịch vụ mạng 5G vào ngày 1 tháng 4. Nhà mạng này đã tham gia dự án C-V2X với ASTRI trong khu Công viên Khoa học Hồng Kông. Dự án này có mục đích thử nghiệm các mẫu xe hơi tích hợp hệ thống C-V2X, một ứng dụng di động chuyên dụng và hệ thống liên lạc dọc đường. Các phương tiện kết nối với nhau qua tần số 5,9 gigahertz.

Ông Herry Wong quả quyết rằng C-V2X sẽ giúp cải thiện độ an toàn của giao thông đô thị. “Nó có thể cứu sống hơn 100 người mà chúng ta mất mỗi năm vì tai nạn giao thông”, ông nói.

ông Henry Wong nói rằng công nghệ C-V2X sẽ phục vụ cho tham vọng xây dựng thành phố thông minh của Hồng Kông (ảnh: SCMP)
ông Henry Wong nói rằng công nghệ C-V2X sẽ phục vụ cho tham vọng xây dựng thành phố thông minh của Hồng Kông (ảnh: SCMP)

Việc áp dụng 5G dự kiến sẽ thúc đẩy rất nhiều các chương trình di động thông minh khác trong thành phố, chẳng hạn như hệ thống xe tự hành. Công nghệ di động thế hệ thứ 5 có thể hỗ trợ 1 triệu thiết bị kết nối với nhau trên mỗi kilomet vuông, với độ trễ 1 mili giây (biểu thị thời gian gần như tức thời mà một gói dữ liệu đi từ địa điểm này đến địa điểm khác). Công nghệ này cũng mang lại hiệu quả cao hơn về mặt công suất và sử dụng phổ tần. 5G cung cấp tốc độ tải xuống lên tới 20 gigabit mỗi giây, nhanh hơn vài chục lần so với mạng 4G hiện nay.

Theo ông Lou Tiancheng, Giám đốc công nghệ Pony.ai, độ trễ thấp và băng thông lớn của 5G sẽ giúp các phương tiện liên lạc với hạ tầng giao thông tốt hơn và nhanh hơn. Poni.ai là công ty khởi nghiệp được sự hậu thuẫn của Toyota Motor, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ xe tự lái.

“Khi sự giao tiếp giữa xe hơi và các vật thể xung quanh, cũng như hệ thống điều khiển giao thông và trung tâm dữ liệu trở nên nhanh hơn, thì an toàn của xe tự lái cũng sẽ được cải thiện”, ông Lou nói.

ASTRI dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm C-V2X tại một đoạn dường dài 14km ở quận Sha Tin vào cuối năm nay. Dự án này không chỉ áp dụng cho các phương tiện tự lái mà cả xe hơi thông thường. Ban đầu, các thử nghiệm sẽ được tiến hành trên nền tảng 4G sẵn có, sau đó sẽ được nâng cấp lên khi 5G phủ sóng tới khu vực này. ASTRI cũng dự định mở một khu vực thử nghiệm khác ở khu Công viên Khoa học Hồng Kông.

Các chương trình thử nghiệm này sẽ giúp ASTRI cung cấp thông số kỹ thuật và thiết kế tham khảo C-V2X cho Sở Giao thông để xem xét triển khai C-V2X ở các khu vực khác. ASTRI cũng có kế hoạch lập báo cáo đánh giá về các tính năng 5G hỗ trợ an toàn xe tự lái.

Ông Eric Tsang của ASTRI nói rằng Viện của ông giống như một “nguồn công nghệ” giúp các công ty trong ngành có thể triển khai sản phẩm, cũng như giúp các nhà mạng theo đuổi các dịch vụ tiên tiến và giúp thúc đẩy sự phát triển thành phố thông minh của chính quyền Hồng Kông.

Các thử nghiệm C-V2X sắp tới của ASTRI tại Hồng Kông sẽ giống với các thử nghiệm mà họ phối hợp thực hiện với Huawei Technologies tại Triển lãm “Internet of Things 2018” tổ chức tại Vô Tích, phía nam tỉnh Giang Tô. Các thử nghiệm này đã được thực hiện trên 6km đường mở với 6 điểm giao cắt mở. Vô Tích đã trở thành địa điểm trình diễn ứng dụng C-V2X cấp thành phố đầu tiên trên thế giới.

17 ứng dụng được thử nghiệm tại Vô Tích bao gồm cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo va chạm giao lộ, phụ trợ rẽ trái, cảnh báo điểm mù xe hoặc thay đổi làn đường, cảnh báo nguy hiểm đường bộ, cảnh báo giới hạn tốc độ, hướng dẫn tốc độ dựa trên đèn tín hiệu, cảnh báo tắc nghẽn phía trước , cảnh báo về người đi bộ qua đường trong khu vực điểm mù và cảnh báo các phương tiện trên đường dốc, theo ASTRI.

Những người tham gia thử nghiệm đã được chứng kiến liên lạc giữa các thiết bị bên đường C-V2X do Huawei chế tạo với các thuật toán và phần mềm của ASTRI.

Tại Hồng Kông, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép thử nghiệm xe tự lái từ năm 2017. Có 8 mẫu xe khác nhau đã được cấp phép. Các địa điểm thử nghiệm được chỉ định bao gồm Khu văn hóa Tây Cửu Long, Công viên Khoa học Hồng Kông và Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.

Một thử nghiệm kéo dài 3 phút trong Công viên Khoa học Hồng Kông ngày 7/4 vừa qua đã cho cái nhìn thoáng qua về tương lai của giao thông đô thị. Một chiếc xe hai chỗ ngồi có một người lái xe bên trong. Người lái xe không hề chạm vào vô lăng và chân ga, chỉ can thiệp trong trường hợp khẩn cấp. Chiếc xe được cài đặt chạy với vận tốc 10km/giờ. Nó di chuyển, rẽ trái và phanh một cách tự động khi phát hiện một người phụ nữ băng qua đường chỉ cách mũi xe vài mét.

Chiếc xe tự lái trong thử nghiệm này là mẫu xe điện mang thương hiệu Trung Quốc, được trang bị camera ở mặt trước và sau, hệ thống định vị vệ tinh, phần mềm lập bản đồ có độ chính xác cao, công nghệ đo khoảng cách sử dụng ánh sáng laser (Lidar), và nhiều cảm biến khác giao tiếp với từng thiết bị trong xe thông qua 5G.

Chiếc xe tự lái trong thử nghiệm của ASTRI tại khu Công viên Khoa học Hồng Kông (ảnh: SCMP)
Chiếc xe tự lái trong thử nghiệm của ASTRI tại khu Công viên Khoa học Hồng Kông (ảnh: SCMP)

Là một phần trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh, chính quyền Hồng Kông có kế hoạch triển khai 1.200 thiết bị phát hiện giao thông trong thành phố trong năm nay để cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực. Một hệ thống tín hiệu giao thông thông minh thí điểm với các cảm biến theo dõi người đi bộ và phương tiện tại các nút giao thông đường bộ, dự kiến sẽ được lắp đặt vào năm 2021. Đây là một phần trong mục tiêu của chính phủ nhằm triển khai  các xe tự lái hỗ trợ bởi công nghệ C-V2X.

Năm ngoái, chính quyền Hồng Kông cũng đã bắt đầu triển khai chương trình lắp đặt 400 cột đèn đa chức năng trên khắp lãnh thổ. Những cột đèn này được trang bị Wi-Fi, Bluetooth, cảm biến khí tượng và chất lượng không khí, máy dò nhiệt và có 2 camera. Việc triển khai rộng rãi cột đèn đa chức năng có thể hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống C-V2X trong tương lai.

Tuy nhiên, một vài cột đèn trong số 50 cây cột được lắp đặt đầu tiên đã bị những người biểu tình chống chính phủ phá hủy, vì họ lo ngại rằng những cây cột này có thể được sử dụng để nhận dạng khuôn mặt. Một ủy ban tư vấn, bao gồm các chuyên gia về công nghệ thông tin và quyền riêng tư, đã kêu gọi tiếp tục thực hiện dự án với các cột đèn không lắp camera.

Nhưng cột đèn không có camera sẽ là một thách thức lớn với sự phát triển của xe tự lái – vốn phụ thuộc rất nhiều vào camera bên đường để hỗ trợ di chuyển. “Chúng tôi đang hợp tác với ASTRI để thay thế camera bằng các công nghệ khác như radar và thiết bị nhiệt”, ông Henry Wong cho biết.

Ông Wong cũng nói rằng để tạo ra một mạng lưới các phương tiện được kết nối, Hồng Kông cần ít nhất từ 5.000 đến 10.000 thiết bị bên đường lắp trên các cột đèn đa năng tại các ngã tư giao nhau. “Trong khi việc triển khai xe tự lái ở Hồng Kông có thể phải mất từ 3 đến 5 năm nữa, chúng tôi phải tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá thông minh để hỗ trợ công nghệ tự lái và các ứng dụng liên quan”, ông Wong nói.

Một cột đèn đa năng có hỗ trợ Wi-Fi, Bluetooth ở Hồng Kông (ảnh: SCMP)
Một cột đèn đa năng có hỗ trợ Wi-Fi, Bluetooth ở Hồng Kông (ảnh: SCMP)

Bên cạnh phát triển xe tự lái, một số nhà khoa học đang yêu cầu chính quyền Hồng Kông quan tâm đến những lĩnh vực khác. Giáo sư Xu Yan, Phó khoa Kinh doanh và Quản lý tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nói rằng chính quyền cần phải tìm ra những điểm yếu trong quản lý thành phố và tìm biện pháp cải thiện nó thông qua những công nghệ như 5G, chẳng hạn như cần áp dụng rộng rãi hơn thanh toán điện tử trên taxi.

Ngoài cơ sở hạ tầng, chính quyền và các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cũng dự kiến tập trung vào việc xây dựng các quy định pháp lý.

“Trước khi xe tự lái được chính thức hoạt động ở Hồng Kông, chính quyền cần cập nhật các quy định pháp lý về bảo hiểm và giao thông”, ông Chau Kam Kun, Giám đốc công nghệ SmarTone Telecommunications nói. SmarTone là nhà mạng lớn thứ 3 Hồng Kông, mới khai trương dịch vụ 5G hồi cuối tháng 5.

Do lưu lượng giao thông lớn trên những con đường chật hẹp, Hồng Kông dự kiến sẽ dần áp dụng tự động hóa một phần các phương tiện giao thông khi hệ thống mạng 5G trở nên phổ biến.

“Sẽ cần thời gian và những nỗ lực của các bên liên quan trước khi chúng tôi có thể triển khai xe tự lái một cách toàn diện”, người phát ngôn của 3 Hong Kong – nhà mạng lớn thứ hai của lãnh thổ này nhận định. Ông nói rằng các sáng kiến xây dựng thành phố thông minh dựa trên 5G sẽ đem lại cho người dân Hồng Kông một cuộc sống an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.