Phải chăng người có tiền không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm mà mang tiền đi đầu tư vào các kênh đầu tư khác?
Giảm gửi tiết kiệm
Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay cũng chỉ còn quanh mức 7%/năm, chỉ bằng một nửa so với cách đây 3 năm. Khảo sát cho thấy các NH OCB, SCB, HDBank, TPBank đang có mức lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 5,1-5,5%/năm, cao hơn so với các nhà băng khác dao động từ 4,3-4,9%/năm. Ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất đầu vào cao nhất tại VPBank, Southernbank 7,1%/năm, tiếp đến BaoVietBank, Kienlongbank 7%/năm, SCB 6,95%/năm...
Kể từ cuối tháng 5-2015, trên thị trường ghi nhận lãi suất huy động tại một số NH tăng thêm từ 0,2-0,5% chủ yếu ở kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên. Nhưng thực ra do lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm mạnh trước đó, nên sự điều chỉnh này là để phù hợp hơn với mặt bằng chung của thị trường.
Mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đưa ra một công bố kết quả khảo sát tại quý II-2015, cho thấy 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các TCTD giảm khoảng 11 điểm phần trăm so với khảo sát trước đó vào quý III-2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Kết quả khảo sát cho thấy số người rút tiền khỏi kênh tiết kiệm gia tăng đáng kể dù các NH đã tăng nhẹ lãi suất huy động. Điều này cũng dễ hiểu khi từ đầu năm đến nay lãi suất huy động giảm và đang ở mức thấp, trong khi đó các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán phục hồi đang làm giảm sức hấp dẫn của các mức lãi suất tiền gửi.
Nói như ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, nguồn vốn gửi NH đang có sự dịch chuyển sang lĩnh vực kinh doanh trực tiếp và các món giải ngân tín dụng bắt đầu tập trung thực hiện. Do vậy, tình trạng thừa vốn trong hệ thống NH không còn nữa.
Vốn chảy vào nhiều kênh
NH chính là kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Thông qua NH vốn được dịch chuyển từ người có tích lũy tiền nhưng không trực tiếp đầu tư đến những người có nhu cầu vốn để đầu tư. Việc tăng trưởng tín dụng đã gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2014 (tăng 7,32%) trong 7 tháng đầu năm cho thấy nhu cầu vốn đầu tư trong nền kinh tế đang tăng mạnh.
Việc Thống đốc NHNN chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho 18 NH, với chỉ tiêu cao nhất lên tới 30-36% cũng cho thấy NHNN rất chủ động trong việc “cởi trói” dòng tiền vận động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cao trong khi tăng trưởng huy động không tương ứng cũng sẽ gây nên sự mất cân đối nhất định.
Lý giải về việc mất cân đối này, UBGSTCQG cho rằng số người gửi tiết kiệm giảm là do các hộ gia đình tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với khảo sát cho thấy 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm phần trăm so với quý I-2014.
Xem ra tiền có thực sự đổ vào sản xuất kinh doanh và tạo ra giá trị gia tăng thực sự cho nền kinh tế hay không vẫn là một câu hỏi không dễ trả lời. Kết quả khảo sát số hộ gia đình dự định đầu tư gia tăng so với trước cũng không phải là một khẳng định chắc chắn tiền đang đổ mạnh vào lĩnh vực sản xuất. Bởi trong những tháng vừa qua, bất động sản đã khởi sắc, nhiều dự án “nằm chết” trước đó đã hồi sinh trở lại nhờ sự ấm lên của thị trường.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án ngàn tỷ cũng ra đời, đang hút một lượng tiền rất lớn từ nền kinh tế. Xét về mặt tích cực, thị trường bất động sản đang tạo ra nhiều công ăn việc làm, cứu các nhà băng khỏi đống nợ xấu và giúp nhiều doanh nghiệp hồi sinh. Tuy nhiên, nếu sự phục hồi này chỉ là “giả tạo” khi chỉ nhờ được bơm tiền chứ không phải xuất phát từ những nhu cầu thật và khả năng chi trả của nền kinh tế, chắc chắn không duy trì được bền vững.
Bên cạnh bất động sản, thời gian qua dòng tiền cũng đổ mạnh vào chứng khoán và ngoại tệ. Thị trường chứng khoán đã có một sự tăng trưởng ngoạn mục trong những tháng vừa qua. Những cổ phiếu lớn trên thị trường như VCB của Vietcombank, BID của BIDV, VNM của Vinamilk… đã mang lại cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận vượt xa lãi suất tiết kiệm.
Đây quả là một kênh đầu tư rất hấp dẫn và không thể bỏ qua đối với nhiều người. Trong khi đó ngoại tệ cũng có sự hấp dẫn nhất định. Theo Chủ tịch một công ty đầu tư kinh doanh vàng, hiện có lượng lớn người bắt đầu dịch chuyển từ vàng sang ngoại tệ.
Theo SGĐT