Tiến thoái lưỡng nan chính sách tiền tệ

 Hai thông tin cập nhật số liệu nhập siêu tính đến giữa tháng 5-2015 và CPI tháng 5-2015 đang đặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào thế tiến thoái lưỡng nan trong điều hành chính sách tiền tệ.
Nhập siêu đang là sức ép lớn nhất lên tỷ giá
Nhập siêu đang là sức ép lớn nhất lên tỷ giá

Theo Tổng cục Thống kê, bất chấp giá xăng tăng mạnh vừa qua, chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng 0,16%, và tăng 0,95% so với cùng kỳ. Như vậy, lạm phát trong năm tháng đầu năm tăng 0,2% so với tháng 12 năm ngoái - mức thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây.

Cùng lúc, con số nhập siêu đã vọt lên 3,7 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng rưỡi đầu năm. Tổng cục Hải quan cho biết riêng trong 15 ngày đầu tháng 5 nhập siêu là 1,87 tỉ đô la Mỹ. Chỉ mới tuần trước, số liệu nhập siêu bốn tháng đầu năm được công bố 2 tỉ đô la Mỹ và tỷ giá có dấu hiệu chùng xuống. Ngay sau khi có số liệu nhập siêu mới, tỷ giá lại “leo thang”, lần này cả ở thị trường tự do lẫn trong ngân hàng.

Khi kinh tế phục hồi, nhập siêu tất yếu diễn ra. Sẽ không có nhiều chuyện để bàn nếu nhập siêu thuần túy nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất. Đằng này, trong cơ cấu nhập siêu, một tỷ trọng không nhỏ hàng tiêu dùng đã có mặt, đáng kể là ô tô nguyên chiếc, mỹ phẩm, đồ điện tử... Sở dĩ nhập siêu hàng tiêu dùng tăng nhanh là do tỷ giá tương đối ổn định trong hai năm 2013-2014, đồng thời từ đầu năm đến nay các ngoại tệ mạnh khác mất giá nhiều so với đô la Mỹ. Hàng tiêu dùng nhập ngoại đang trở nên rẻ hơn so với chính nó cách đây 1-2 năm tính bằng tiền đồng, và mức độ rẻ kích thích sự tiêu thụ. Đáng nói là nhập khẩu xăng dầu thành phẩm đã giảm về giá trị so với cùng kỳ do giá dầu thô thế giới giảm. Nếu không, nhập siêu có thể còn cao hơn.

Nhập siêu đang là sức ép lớn nhất lên tỷ giá. Bên cạnh đó, sự biến động của các đồng tiền như euro, yen, bảng, franc Thụy Sỹ, đô la Canada, đô la Singapore, đô la Úc... đang rất khó lường. Trong tháng qua đồng euro đã tăng lên gần 1,15 đô la Mỹ/euro từ mức 1,05 đô la Mỹ/euro, nhưng vài ngày gần đây nó lại rớt nhanh về 1,1 đô la Mỹ đổi 1 euro. Còn đồng yen đã tiệm cận 121,5 yen/đô la Mỹ. Sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cuối tuần rồi hàm ý lãi suất đồng bạc xanh sẽ tăng nhẹ trong năm nay, lập tức đô la Mỹ lên giá so với mọi đồng tiền chủ chốt của thế giới (trừ đồng nhân dân tệ). Đại diện một công ty thủy sản chuyên xuất khẩu vào châu Âu lo lắng đối tác nhập khẩu sẽ yêu cầu giảm giá hơn nữa dù đồng tiền thanh toán giữa hai bên là đô la Mỹ.

Giờ đây cam kết điều chỉnh tỷ giá tối đa 2% trong năm nay của NHNN đang đứng trước thử thách. Có lẽ cũng nên thông cảm, sẻ chia với cơ quan quản lý nếu tỷ giá trong những tháng còn lại của năm được điều hành linh hoạt hơn bởi diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế thay đổi quá nhanh, ngoài sự tiên lượng và tầm kiểm soát của chúng ta. Làm sao có thể đoán định châu Âu, Nhật Bản lại tung ra các gói QE (nới lỏng định lượng) mạnh đến thế? Những cú rơi đột ngột đồng tiền mất giá tới 15-20% trong vài tháng là điều chưa từng diễn ra ở các quốc gia phát triển trong vài thập kỷ nay.

Trong khi đó, lạm phát ở mức thấp chưa từng thấy. Lạm phát 0,2% trong năm tháng đầu năm đã trượt khỏi dự báo của hầu hết các bộ, ngành cũng như giới nghiên cứu, chuyên gia kinh tế. Lạm phát thấp đòi hỏi mặt bằng lãi suất ở mức thấp tương ứng, cả ở hai chiều huy động và cho vay. Giả sử lạm phát cả năm ở mức 3%, tức bình quân 0,4%/tháng trong bảy tháng tới, lãi suất huy động ngắn hạn có thể giảm thêm 1%/năm, xuống 4%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay mới có thể hạ thêm. Kinh tế chỉ có thể phục hồi nhanh, vững chắc một khi sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa được cải thiện, mà sức cạnh tranh phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu vào, trong đó chi phí lãi vay chiếm một tỷ trọng lớn. 

Cắt giảm lãi suất tiền đồng khi tỷ giá đang chịu sức ép điều chỉnh (có thể lên, có thể xuống) là điều cơ quan quản lý không hề mong muốn.

Tuy nhiên, cắt giảm lãi suất tiền đồng khi tỷ giá đang chịu sức ép điều chỉnh (có thể lên, có thể xuống) là điều cơ quan quản lý không hề mong muốn. Trào lưu nắm giữ ngoại tệ, vàng như một kênh bảo toàn vốn mới lắng xuống một vài năm. Lãi suất tiết kiệm thấp có thể tạo động lực, thổi bùng trở lại việc dịch chuyển tiền đồng sang ngoại tệ. Khi ấy, mọi nỗ lực để có được thành quả ổn định và nâng cao giá trị đồng tiền Việt sẽ bị cuốn trôi.

Thế lưỡng nan sẽ buộc NHNN phải tính toán cẩn trọng từng đường đi nước bước cho một chính sách tỷ giá - lãi suất hợp lý và có tính dẫn dắt thị trường. Những tay súng thiện nghệ, bách phát bách trúng thường không ngắm chính xác mục tiêu, đặc biệt đối với mục tiêu di động. Họ ngắm vào nơi mục tiêu sẽ chuyển động đến.

Làm thế nào xác định được điểm đến của mục tiêu mới là điều khó. Một tỷ giá linh hoạt không đơn thuần chỉ là “ổn định nhưng không cố định”! Lãi suất hợp lý không chỉ giữ thanh khoản, đảm bảo an toàn cho các ngân hàng, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp, người làm ăn, đầu tư, nền kinh tế ở mức tối đa có thể.

Theo TBKTSG