Nguyên Kinh tế gia trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam nói rằng nếu phải đặt cược vào một nước Đông Nam Á có khả năng vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình để tiến tới vị trí thu nhập cao, ông sẽ chọn Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế kì cựu này cũng chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng manh mún, rời rạc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc hoạch định chính sách. Thậm chí TS. Pincus còn cho rằng Việt Nam là một trong những nước có hệ thống quyền lực phân tán, phi tập trung nhất trên thế giới nếu xét trong lĩnh vực đầu tư công.
Nhà kinh tế đã có hàng thập kỉ quan sát, phân tích và tư vấn chính sách phát triển kinh tế cho Việt Nam đã dành cho VietTimes một cuộc trao đổi thẳng thắn xoay quanh những nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.
Mục tiêu 2045 hoàn toàn khả thi
PV: Lãnh đạo Việt Nam đã xác định mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, đúng 100 năm kể từ khi thành lập nước. Là một chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam trong hàng thập niên qua, ông nghĩ mục tiêu này có thể thực hiện được hay không?
TS. Jonathan Pincus: Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải duy trì mức tăng trưởng trung bình 6%/năm kể từ nay cho đến năm 2045, mức tăng trưởng cao hơn một chút so với những gì Việt Nam đã đạt được trong suốt 20 năm qua, khoảng 5.5%.
Tức là, Việt Nam phải làm tốt hơn so với hai mươi năm vừa qua.
Tuy nhiên, phần khó khăn không phải là tốc độ tăng trưởng mà là làm thế nào duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong suốt một thời kì dài như vậy. Bởi vì như chúng ta thấy, cuộc sống có những biến cố không lường trước được, như đại dịch COVID-19 chẳng hạn, khiến cho tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng xuống còn hơn 2%/năm.
Tất nhiên là Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều nước khác nhưng đại dịch xảy ra kéo theo khủng hoảng tài chính, rồi thương mại toàn cầu bị gián đoạn. Nói tóm lại, duy trì được mức tăng trưởng 6%/năm trong suốt 25 năm là một thách thức vô cùng lớn.
Mặc dù vậy, tôi vẫn khá lạc quan về mục tiêu này. Không thể phủ nhận, đó là mục tiêu đầy tham vọng nhưng Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng hơn 5% trong suốt 30 năm. Do vậy, mục tiêu đạt 6% trong 25 năm hoàn toàn khả thi.
Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang có tiềm năng lớn có thể vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình, tiến lên nước thu nhập cao. Ảnh: Internet |
PV: Khi nói về viễn cảnh phát triển kinh tế ở châu Á, người ta hay nhắc đến hai mô hình: Một là các nước Đông Bắc Á, là những nước đã hoá rồng hoá hổ sau khi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong suốt vài thập niên.
Mô hình còn lại là các nước Đông Nam Á, khởi đầu với tốc độ tăng trưởng cao, rồi sau đó thì chậm dần lại và không thể thoát ra khỏi cái mà các nhà kinh tế hay gọi là “bẫy thu nhập trung bình”. Theo ông thì Việt Nam sẽ có khả năng đi theo xu hướng nào?
TS. Jonathan Pincus: Bí quyết của các nước Đông Bắc Á là các ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Xét về thành tích trong lĩnh vực này, Việt Nam đang làm tốt hơn bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á.
Thực chất, Việt Nam có nhiều điểm gần gũi với Đông Bắc Á hơn là Đông Nam Á. Bởi vậy, nếu phải đặt cược vào một nước nào ở Đông Nam Á có khả năng vượt qua được giai đoạn chuyển tiếp lên nước thu nhập cao thì tôi sẽ chọn Việt Nam.
Bẫy thu nhập trung bình là gì? Thuật ngữ này xuất hiện trong khoảng 15 năm trở lại đây.
Ban đầu, nó được đưa ra như một ý tưởng rằng các quốc gia đi lên từ vị trí nước nghèo sẽ trải qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng bởi họ ở rất xa biên giới công nghệ (các công nghệ tiên tiến). Do vậy, các nước này có thể phát triển rất nhanh bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại, chứ chưa cần áp dụng các công nghệ cao, vì những công nghệ hiện tại của họ đã lỗi thời.
Tuy nhiên, khi trở thành một nước thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại bởi họ tiệm cận đến biên giới công nghệ và ngày càng có ít công nghệ mới để họ có thể áp dụng và đạt được tốc độ tăng trưởng cao.
Nói tóm lại, lập luận của “bẫy thu nhập trung bình” là các quốc gia sẽ phát triển chậm lại một cách tự nhiên khi tiếp cận gần với biên giới công nghệ trong một loạt các ngành khác nhau.
Thú thực là tôi không cảm thấy thuyết phục bởi lập luận này. Đầu tiên là nó được áp dụng rất lỏng lẻo. Khi chúng ta nhìn vào các quốc gia được cho là đang trải qua bẫy thu nhập trung bình, chúng ta thấy họ vẫn còn ở rất xa biên giới công nghệ, đúng không nào?
Vì vậy, tôi không chắc đây là lời giải thích hợp lý cho lý do vì sao tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tôi nghĩ lời giải thích hợp lí hơn cho hiện tượng tốc độ tăng trưởng chậm lại là những quốc gia này đã không duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng chế xuất đủ cao.
Từ việc quan sát hàng chục năm phát triển của mỗi quốc gia, chúng ta đều biết rằng tốc độ tăng năng suất lao động có mối tương quan chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng của hàng hoá chế xuất.
Rõ ràng, duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng hoá xuất khẩu không hề dễ dàng vì bạn phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ đang cố gắng xuất khẩu những mặt hàng giống bạn.
Do đó, tôi nghĩ rằng, câu hỏi thực sự là làm thế nào một quốc gia có thể duy trì được năng lực cạnh tranh của mình?.
Như bạn biết đấy, một trong những lý do mà các nước nghèo thường phát triển rất nhanh là vì khi tất cả mọi người đều rất nghèo, khu vực sản xuất hàng hoá còn rất nhỏ bé thì việc dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực sản xuất diễn ra rất dễ dàng.
Nhưng khi quy mô sản xuất lớn hơn thì quá trình dịch chuyển đó bắt đầu chậm lại. Hậu quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại như một xu hướng tự nhiên.
Tuy nhiên, cách thức mà những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài là vì họ đã giữ được khả năng cạnh tranh trong rất nhiều ngành sản xuất. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để làm được điều này dù đó là thách thức ghê gớm trong kỉ nguyên cạnh tranh mà Trung Quốc là công xưởng của thế giới.
Bí quyết phát triển của các nước Đông Bắc Á là các ngành sản xuất hàng xuất khẩu có năng lực cạnh tranh. Ảnh: Internet |
Việt Nam nên học từ Trung Quốc cách hỗ trợ công nghiệp nội địa
PV: Trước áp lực cạnh tranh của người khổng lồ phương Bắc như ông vừa nói thì Việt Nam có thể làm được gì để duy trì năng lực cạnh tranh?
TS. Jonathan Pincus: Trung Quốc là một quốc gia khổng lồ với lực lượng lao động thuộc diện đông đảo nhất thế giới. Nhờ có lợi thế kinh tế theo quy mô này (sản xuất với quy mô càng lớn thì chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm, làm gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh – PV), Trung Quốc có vị thế cạnh tranh khó nước nào bì kịp trong rất nhiều ngành công nghiệp.
Chẳng hạn như trong ngành vải bông, họ sản xuất ra vải bông chất lượng cao với giá rất rẻ. Vì thế, nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn sản xuất vải bông cung cấp cho ngành may mặc, họ rất khó cạnh tranh nổi về giá thành với Trung Quốc.
Rõ ràng là nhập vải bông từ Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với mua vải bông sản xuất ở Việt Nam. Chúng ta phải chứng kiến việc này diễn ra không chỉ trong ngành công nghiệp dệt may mà ở mọi ngành khác, từ điện tử, ô tô, dược phẩm… Trung Quốc đang là nhà sản xuất mọi thứ với giá rẻ.
Tôi cho rằng một trong những việc mà Trung Quốc đã làm khá hiệu quả là chính phủ rất khéo léo trong cách thức họ hỗ trợ cho những ngành công nghiệp này.
Theo tôi, Việt Nam đã học được một chút từ cách mà Trung Quốc hỗ trợ cho các ngành công nghiệp nội địa, không phải thông qua bảo hộ, hay áp đặt thuế quan cao lên hàng hoá các nước khác, bởi những cách làm này đã trở nên bất hợp pháp theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp ước thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Thế nhưng, hoàn toàn có những cách làm khác để hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa, ví dụ như thông qua phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ hậu cần, cung cấp các dịch vụ tiện ích, đào tạo nghề, nghiên cứu và phát triển…
Đây là những cách thức khác nhau mà chính phủ có thể làm để giúp các doanh nghiệp tiết giảm các chi phí, trở nên hiệu quả hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể học một vài bài học từ Trung Quốc để duy trì tốc độ tăng trưởng hàng hoá chế xuất rất cao.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, một điển hình của các dự án trọng điểm chậm tiến độ. Ảnh: VNE |
Thách thức lớn nhất của Việt Nam: Ai cũng muốn giữ một phần trong "miếng bánh"
PV: Như ông vừa nói, Việt Nam đã học được một chút từ Trung Quốc nhưng vì sao mọi việc tiến triển không được như mong muốn? Để thực hiện được những cách thức hỗ trợ doanh nghiệp như vừa nói thì Chính phủ Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức chủ yếu nào?
TS. Jonathan Pincus: Tôi có cảm giác rằng điều mà Việt Nam không làm tốt là tập trung vào khoảng 5 hay 6 ưu tiên hàng đầu, triển khai chúng và buộc tất cả mọi người đều phải đồng lòng và thực hiện chúng một cách nhất quán ở mọi cấp độ của chính phủ, từ trung ương đến địa phương, và xuyên suốt tất cả các bộ ngành.
Chúng ta thấy sự phối hợp và gắn kết giữa các địa phương, chính phủ trung ương và các bộ khác nhau chưa thực sự đồng bộ và nhịp nhàng. Mọi thứ ở Việt Nam dường như có xu hướng rời rạc.
Lấy ví dụ về đầu tư công. Xu hướng chung là 63 tỉnh thành ai cũng có một phần. Tất nhiên, việc mỗi người đều có một phần miếng bánh giúp giữ mọi thứ ổn định và giúp Việt Nam bình đẳng trong phân phối thu nhập.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để Nhà nước có thể hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khi họ không tập trung đầu tư công vào một vài nơi cho một vài dự án trọng điểm cũng như đảm bảo những dự án đó hoàn thành đúng thời hạn. Mọi thứ ở Việt Nam có xu hướng dàn trải, manh mún và chậm trễ.
Việt Nam có lẽ là một trong những nước có hệ thống quyền lực phân tán, phi tập trung nhất trên thế giới nếu xét trong lĩnh vực đầu tư công. Các chính quyền tỉnh đơn giản là có quyền quyết định những dự án nào mà họ muốn triển khai. Nhưng họ lại không thực sự có năng lực để triển khai, hay cung cấp tài chính cho những dự án đó.
Do vậy, có rất nhiều dự án được thông qua mà không thể hoàn thành. Nếu bạn có rất nhiều dự án ngoài kia không thể hoàn thành đúng thời hạn, ví dụ như cảng biển, sân bay, đường xá, nhà máy điện, vv..vv, nền kinh tế sẽ trở nên cực kì kém hiệu quả bởi các ngành công nghiệp không có được cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển.
Trong khi đó, Trung Quốc lại triển khai đầu tư công cực kì hiệu quả. Bạn cần có một cảng biển lớn, cần tuyến đường sắt và đường cao tốc nối ra cảng. OK. Mọi thứ hoàn thành ngay tắp lự. Họ rất giỏi phối hợp với nhau nhờ có một hệ thống quyền lực tập trung cao độ.
Dĩ nhiên, mặt trái của hệ thống tập trung quyền lực cao là vấn đề bất bình đẳng. Các tỉnh miền tây Trung Quốc vô cùng nghèo nàn, kém phát triển trong khi các tỉnh phía đông cực kì giàu có và phát triển. Đây là nguồn cơn của bất bình đẳng ở Trung Quốc.
Việt Nam không phải đối mặt với những thái cực bất bình đẳng như ở Trung Quốc nhờ hệ thống quyền lực phân tán. Nhưng cũng vì vậy, chúng ta không có được năng lực tập trung vào các dự án trọng điểm như Trung Quốc.
Và không chỉ trong lĩnh vực đầu tư công, mà ngay cả đối với các chính sách quan trọng, chúng ta cũng không có năng lực tập trung vào một vài chính sách chủ chốt, đảm bảo có thể triển khai chúng đúng thời điểm, hoàn thành các lời hứa. Nhiều thứ đôi khi rời rạc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Chẳng hạn như một bộ nói rằng chúng ta sẽ làm A nhưng một bộ khác lại nói, không, chúng ta không làm A, chúng ta sẽ làm B. Thay vì ngồi xuống và tìm tiếng nói chung thì các bộ lại có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau. Hậu quả là cộng đồng doanh nghiệp bị bối rối.
Có rất nhiều câu chuyện về việc cộng đồng doanh nghiệp nhận được quy định từ một bộ hoàn toàn mâu thuẫn với quy định từ một bộ khác. Chưa nói đến chính quyền địa phương cũng ra các quy định mâu thuẫn với nhau, khiến cho doanh nghiệp không biết đâu mà lần.
Rõ ràng, đã đến lúc Việt Nam phải giải quyết tình trạng này. Từ đầu tư công, cho đến các quy định, quy hoạch, tất cả cần phải phối hợp tốt hơn và nhất quán hơn.
(Còn tiếp)
TS. Jonathan Pincus |
Tiến sĩ Jonathan Pincus là một nhà kinh tế học phát triển nổi tiếng chuyên về khu vực Đông Nam Á. Ông từng đảm nhận vai trò chuyên gia kinh tế cao cấp tại nhiều tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Khi còn là Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam, Tiến sĩ Pincus đã thiết kế và triển khai hàng loạt chương trình tư vấn và đối thoại chính sách cấp cao với Chính phủ Việt Nam.
Từ năm 2008 đến 2013, Tiến sĩ Pincus làm Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tiền thân của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. Tại đây, ông sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (VELP), chuỗi thảo luận chính sách tại Đại học Harvard dành cho các quan chức cấp cao của Việt Nam.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu