Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), ngày 14/03/2016, đã có công văn hỏa tốc số 202/ĐTCBL-Đ1 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để cảnh báo về một số rủi ro có thể phát sinh trên thị trường thép sau biện pháp tự vệ tạm thời.
Công văn cho biết, ngày 07/03/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép hợp kim và không hợp kim và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim bao gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau Việt Nam (có liệt kê mã HS cụ thể).
Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung, mức thuế tự vệ tạm thời đối với thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.
Cục Điều tra chống buôn lậu “tiên liệu” việc áp dụng thuế tự vệ như trên có thể dẫn đến 03 rủi ro: (1) Các doanh nghiệp nhập khẩu thép sẽ “tranh thủ” đưa hàng về và mở tờ khai trước ngày 22/03/2016 để tránh mức thuế suất tự vệ mới; (2) Các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo hàng từ các mã trên sang tên, mã hàng hóa khác, có cấu tạo, kích thước nhằm trọng diện được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ mới; (3) Xảy ra tình trạng gian lận về xuất xứ của hàng hóa khi các lô hàng có xuất xứ từ những nước bị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời (đặc biệt là Trung Quốc) sẽ được đưa qua một nước thứ 3 nằm trong danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời nhằm trốn thuế.
Vì vậy, để thực hiện tốt chính sách thương mại, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong việc thực thi chính sách thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: (1) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hoạt động nhập khẩu phôi thép và thép dài, chuyển kiểm tra thực tế hàng hóa, trưng cầu giám định để xác định tên gọi, chủng loại, mã HS hàng hóa; (2) Đối với các trường hợp nghi vấn gian lận về xuất xứ, cần chủ động xác minh làm rõ hoặc chuyển nhanh thông tin, hồ sơ về Tổng cục Hải quan đề cùng phối hợp;…
Được biết, kể từ sau khi Bộ Công Thương công bố áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm nhập khẩu phôi thép và thép dài, thị trường thép đã bị loạn giá với sức tăng chóng mặt trong suốt nhiều, khiến nhiều ý kiến lên tiếng rằng việc bảo hộ thép trong nước chỉ có lợi cho nhà sản xuất còn thực tế người dân phải mua thép giá cao hơn.
Nhưng theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị nắm giữ đến 23% thị phần thép Việt Nam và cũng là doanh nghiệp đã chủ động “kêu cứu” lên Chính phủ trước tình trạng nhập khẩu phôi thép ồ ạt, thì “bản chất việc tăng giá này là do nhiều nguyên nhân chứ không nên đổ lỗi cho việc áp thuế tự vệ tạm thời và cần khẳng định rằng trong nền kinh tế thị trường giá cả lên xuống phản ánh cung cầu là điều hết sức bình thường”.
“Việc các công ty thương mại trung gian tranh thủ gom gàng đầu cơ để chờ tăng giá trong khi nhu cầu thực đối với loại hàng hóa này không có gì đột biến là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sốt ảo trong gần 10 ngày qua, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, CEO Hòa Phát lý giải.
Hữu Vinh