Tiêm vaccine Covid: Ưu tiên những người “một ngày không ra đường là đói”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Việt Nam đã đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số, tức khoảng 75 triệu người vào cuối năm nay đến đầu năm sau, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Việt Nam đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 75 triệu người đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Ảnh: BHXH.
Việt Nam đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 75 triệu người đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Ảnh: BHXH.

Để thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với thời gian tương đối ngắn như vậy, theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia), Việt Nam cần đảm bảo bốn tiêu chí: An toàn, Hiệu quả, Đạt miễn dịch cộng đồngDuy trì miễn dịch này.

“Do vậy, việc lựa chọn đúng những loại vaccine an toàn và hiệu quả, phù hợp với từng nhóm dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng”, TS. Thu Anh nhấn mạnh.

Vaccine không tạo miễn dịch mãi mãi

“Phải tính đến việc vaccine nào thì an toàn với những nhóm người nào chứ không phải tỉ lệ an toàn chung chung. Ví dụ các nước trên thế giới ưu tiên dùng Astra Zeneca cho người cao tuổi và Pfizer cho người trẻ tuổi”, bà Thu Anh nêu quan điểm.

Về mặt hiệu quả, trong bối cảnh có nhiều chỉ số như hiệu quả giảm lây nhiễm cộng đồng, hiệu quả giảm xác suất bị bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt là hiệu quả đối với từng chủng virus đang lưu hành tại các quốc gia, Việt Nam cần lựa chọn những vaccine phù hợp cho từng giai đoạn dịch tễ.

“Nhiều nhà dịch tễ học dự đoán vaccine không tạo miễn dịch mãi mãi, mà phải tiêm nhắc lại hàng năm. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược để đảm bảo nguồn vaccine lâu dài trong nhiều năm và những vaccine này phải có hiệu quả với những biến chủng phổ biến trên thế giới”, bà Thu Anh cho biết.

Mặt khác, việc triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho một số lượng người khổng lồ như vậy đòi hỏi phải huy động một hệ thống tiêm chủng rộng khắp cả nước.

Ngoài các điểm tiêm chủng cố định, các địa phương cần mở thêm các điểm tiêm chủng di động để tạo thuận lợi cho người dân.

Để đảm bảo an toàn tối đa, cán bộ y tế cần được tập huấn, xử lý sự cố. Ngoài ra, Bộ Y tế phải thiết lập một hệ thống hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng tuyến dưới, chẳng hạn như hệ thống các xe cấp cứu di động trong các khu vực nhất định để có thể đi qua nhiều điểm tiêm chủng.

"Việt Nam cần lựa chọn những vaccine phù hợp cho từng giai đoạn dịch tễ". Ảnh: Bộ Y tế.

"Việt Nam cần lựa chọn những vaccine phù hợp cho từng giai đoạn dịch tễ". Ảnh: Bộ Y tế.

Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Bộ Y tế nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc tổ chức tiêm chủng diện rộng.

Ông lấy ví dụ, Mỹ đã tập huấn cho nhân viên hiệu thuốc để có thể tiêm cho dân. Đức tổ chức các điểm tiêm di động cho mọi người ngay trên đường cao tốc. Nhật sửa luật cho phép những lực lượng không phải là bác sĩ nhưng nếu trải qua các khoá tập huấn thì có thể tiêm.

Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố kế hoạch sẽ tập huấn và tổ chức khoảng 15.000 điểm tiêm chủng bao gồm các điểm cố định ở các trạm y tế phường, xã cho đến các điểm lưu động.

Ông Nghĩa đề xuất huy động cả sinh viên y khoa và những nhân viên bán thuốc tham gia tiêm chủng để có thể đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn về lực lượng nhân sự tham gia tiêm chủng này.

Ưu tiên cho những khu vực và nhóm đối tượng nguy cơ cao

Nhưng ngay cả trong điều kiện lý tưởng như sự sẵn sàng của hệ thống và nguồn cung vaccine thoải mái, các chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số từ nay đến cuối năm.

Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì tốc độ mà các nước phát triển tiêm được và tiêm nhanh vào khoảng 500 ngàn liều một ngày trên toàn quốc. Theo TS Thu Anh, đây là bài toán khó đối với Việt Nam.

Thậm chí, khi năng lực hệ thống có thể triển khai tiêm 500 ngàn liều/ngày thì có một thực tế phải tính đến là hiệu ứng tâm lý của người dân.

“Giai đoạn đầu người dân sẽ đổ xô đi tiêm vaccine nhưng sau khi số lượng ấy tiêm xong sẽ xuất hiện các tác dụng phụ, bao gồm cả những trường hợp nặng như tử vong. Khi đó người dân sẽ sợ và tốc độ tiêm sẽ giảm.

Nói cách khác, khi tỉ lệ tiêm đạt đến một con số % nhất định thì số người tiêm vaccine sẽ giảm mạnh”, bà Thu Anh cảnh báo.

Do vậy, TS Thu Anh đề xuất chiến lược tập trung ưu tiên vào những địa phương, những khu vực và nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất.

“Việc xác định nguy cơ không dựa trên số ca chúng ta phát hiện mà phải dựa trên rủi ro mà những người này có thể bị phơi nhiễm do các hoạt động kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày.

Thứ hai, cần ưu tiên cho những nhóm người có nguy cơ bị tử vong cao nhất, ở đây là nhóm người cao tuổi và có bệnh nền, để giảm áp lực cho hệ thống y tế, từ đó hệ thống y tế có thể tiếp tục chăm sóc cho những bệnh nhân mắc các bệnh khác”, bà Thu Anh nêu quan điểm.

Nghị quyết 21 của Chính phủ đã xác định 9 nhóm đối tượng ưu tiên và mới bổ sung thêm nhóm công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Nghệ An. Ảnh: THNA

Tiêm vaccine Covid-19 tại Nghệ An. Ảnh: THNA

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng), trong tình hình hiện nay cần bổ sung thêm hai yếu tố nữa vào trình tự ưu tiên tiếp cận vaccine.

Thứ nhất là ưu tiên về địa phương. Những đô thị đông dân, là trung tâm kinh tế tài chính lớn như Hà Nội và TP.HCM cần được ưu tiên tiêm trước.

Trước đây, TP.HCM có thứ tự ưu tiên thấp nhất nhưng hiện nay, khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát mạnh cho thấy nếu Thành phố - “đầu tàu kinh tế” của cả nước bị ảnh hưởng thì hệ luỵ toàn quốc phải gánh chịu.

Đến thời điểm này, trong 1,99 triệu liều vaccine mới về Việt Nam, Trung ương đã chuyển ngay cho TP.HCM gần 1 triệu liều để tổ chức tiêm chủng ngay lập tức. Đây là một quyết sách rất đúng hướng, theo các chuyên gia.

Thứ hai là ưu tiên về kinh tế. Những lĩnh vực có thể làm online hoặc làm từ xa không cần được ưu tiên, nhưng công nhân các khu công nghiệp, những người lao động thường xuyên di chuyển, tiếp xúc với nhiều người như shipper, tài xế,.. cần được ưu tiên.

Đồng tình với ý kiến này, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng người lao động phải được tiêm trước không chỉ đơn thuần là do họ có nguy cơ lây nhiễm cao.

Quan trọng hơn, điều đó thể hiện vai trò đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ sinh kế người dân của Nhà nước bởi những người này “chỉ cần một ngày không ra đường là đói”.

Công bằng chứ không phải cào bằng

Trong bối cảnh Chính phủ đã mở cho khối tư nhân tham gia tiếp cận và đưa vaccine về Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đặc biệt lưu ý cần tách biệt rõ ràng giữa luồng vaccine chính thức của Nhà nước đưa về và luồng vaccine do doanh nghiệp huy động được.

Đối với nguồn vaccine chính thức của Nhà nước thì phải tổ chức tiêm theo đúng trình tự ưu tiên và đảm bảo tính công bằng xã hội trong tiếp cận với vaccine.

Nhưng đối với luồng vaccine của tư nhân thì phải chấp nhận sự bất bình đẳng ở mức độ nào đó, tức là các doanh nghiệp có nguồn lực, có quan hệ, có khả năng tiếp cận để đưa vaccine về thì họ sẽ ưu tiên tiêm cho nhân viên của họ trước.

“Việc các doanh nghiệp tự lo được vaccine cho người lao động của mình sẽ giúp Chính phủ rảnh tay hơn và có thêm nguồn lực để dành cho các đối tượng ưu tiên theo chính sách của Nhà nước.

Điều kiện tiên quyết là hai luồng này không được cạnh tranh, loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau và có sự phân định rõ ràng”, ông Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm.

Tiêm miễn phí hay tiêm dịch vụ?

Trước câu hỏi băn khoăn của nhiều người rằng nên coi vaccine Covid là hàng hoá công hay hàng hoá tư, trong bối cảnh Bộ Y tế mới thông báo sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm dịch vụ, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng Nhà nước nên bỏ tiền ra mua vaccine và tiêm miễn phí cho người dân cho đến khi trở về tình trạng bình thường và vaccine được trợ giá đáng kể.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Bình Định. Ảnh: Sở Y tế Bình Định.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Bình Định. Ảnh: Sở Y tế Bình Định.

Ông Thành lý giải, mặc dù vaccine không phải là hàng hoá công nhưng lại có đặc tính mang lại lợi ích công cộng đặc biệt.

Người được tiêm vaccine được hưởng lợi nhưng chính cộng đồng cũng được hưởng một phần lợi ích rất lớn bởi đa số được tiêm sẽ góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Vì vậy, cho dù bản chất vaccine là hàng hoá có thể thương mại hoá nhưng vì lợi ích cộng đồng nên Nhà nước phải có vai trò như tài trợ cho nghiên cứu phát triển vaccine, trợ giá, thậm chí dùng toàn bộ ngân sách để mua vaccine và tiêm miễn phí trong tình trạng khẩn cấp.

Trong tình trạng bình thường, Nhà nước cũng phải tổ chức tiêm vaccine với giá thấp hơn giá thị trường, thậm chí thấp hơn cả chi phí sản xuất để khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng.

Trước lo ngại về viễn cảnh vaccine nhập từ các nước phát triển được đem bán với giá cao trong khi vaccine từ các nước như Nga, Trung Quốc sẽ được dùng để tiêm miễn phí, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa lưu ý sẽ không có khái niệm công bằng theo nghĩa “cào bằng” một cách tuyệt đối trong tình trạng khẩn cấp như hiện nay.

“Nhà nước nên cung cấp tiện ích ở mức độ phổ quát nhất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Các vaccine đã được thế giới công nhận và chứng minh được hiệu quả trong việc giảm đáng kể số lượng lây nhiễm, cho dù là của Nga và Trung Quốc, đều có thể chấp nhận được”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Mặt khác, theo TS Phạm Duy Nghĩa, những người có điều kiện kinh tế mong muốn tìm kiếm những tiện ích tốt hơn thì cũng không nên bị hạn chế quyền lựa chọn. Họ có thể sử dụng dịch vụ tiêm có trả phí.

(Còn tiếp)