Tiệc chiêu đãi tổng thống Mỹ được chuẩn bị thế nào

Sau khi Việt Nam đưa ra thực đơn, an ninh của Mỹ sẽ cùng đến địa điểm chế biến để kiểm tra quy trình.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ảnh: Columbian
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ảnh: Columbian

Các đầu bếp của khách sạn Sofitel Metropole là những người vinh dự được chuẩn bị tiệc chiêu đãi đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông đến thăm Việt Nam hồi 2000, ông Đinh Xuân Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao, chia sẻ với VnExpress.

"Chúng tôi đưa ra thực đơn cho khách sạn Metropole rồi an ninh của Mỹ và người của Việt Nam đều đến kiểm tra an toàn thực phẩm. Việc này phải đảm bảo từ đầu đến cuối quá trình chế biến, thậm chí các mẫu thức ăn phải lưu lại một thời gian sau chuyến thăm mới được hủy", ông Lưu nói.

Theo nguyên vụ trưởng, tiệc chiêu đãi thời điểm đó gồm có món súp nấm khai vị, tiếp đến là món chính nem rán cùng thịt bò bít tết và món tráng miệng. Ông Lưu lý giải sở dĩ có món thịt bò là vì tiệc chiêu đãi nguyên thủ nước ngoài ngoài điểm nhấn giới thiệu ẩm thực Việt, cũng cần có chút pha trộn cho phù hợp với khách.

Trả lời câu hỏi về sự đồn đoán "có người nếm đồ ăn của tổng thống Mỹ", ông Lưu nói ông không dám chắc nhưng Mỹ có những thiết bị kiểm tra hiện đại, đồng thời kiểm soát chặt đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Cựu vụ trưởng cho hay nghi thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia các nước đến Việt Nam (State visit) chỉ có một và thường không có thay đổi. Các lịch trình chủ yếu gồm hội đàm với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tiệc chiêu đãi và chương trình thăm một số địa điểm văn hóa, lịch sử tùy vào mức độ quan hệ giữa nước đó và Việt Nam. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa điểm lựa chọn.

Về khía cạnh Việt Nam có bắn đại bác chào đón lãnh đạo một số nước đến thăm, ông Lưu cho hay vấn đề này có yếu tố "có đi có lại", tức là Việt Nam sẽ đáp lễ so với những gì lãnh đạo Việt Nam được đón tiếp ở nước đó. Việc này cũng tùy thuộc mức độ quan hệ giữa hai nước, chẳng hạn như quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện.

"Tôi rất ấn tượng về sự chuyên môn hóa cao độ của đoàn Mỹ trong công tác chuẩn bị hồi năm 2000. Tất nhiên công tác lễ tân đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nhưng những người phía Mỹ đưa ra lịch trình dứt khoát và sít sao, phối hợp nhịp nhàng với bên an ninh để đảm bảo đúng giờ đó phải có mặt ở địa điểm nào đó", ông Lưu nói.

Có một "sự cố" diễn ra trong chuyến thăm là khi tổng thống Mỹ đi bộ từ khách sạn Daewoo ra xe thì nhân viên các văn phòng ở khu vực đó ùa ra, lập tức người phụ trách an ninh đoàn Mỹ kéo tay ông Lưu "trách móc" ông "để bao nhiêu người đứng thế này". Khi ấy ông Lưu trấn an rằng các nhân viên trong khu Daewoo đều đã được kiểm tra an ninh, việc họ chạy ra là để bày tỏ tình cảm với ông Clinton. Ở phía ngoài, các con đường dẫn tới phố Kim Mã cũng đông nghịt người, điều đó thể hiện người dân Việt Nam rất hiếu khách và là "hiện tượng đáng mừng".

Tuy nhiên đến nửa chặng đường, chính người phụ trách an ninh này khi ra sân bay để  tháp tùng đoàn tổng thống vào thăm TP HCM đã nói với ông Lưu: "Bây giờ thì tôi có thể hoàn toàn yên tâm rồi".

Trong suốt hành trình đi theo đoàn của ông Clinton, ông Lưu nhiều lần chứng kiến tổng thống Mỹ thể hiện sự cởi mở, thân thiện với các cán bộ lễ tân, phục vụ và cả người dân Việt Nam. Lúc đến ăn phở tại quán ăn hỗ trợ các trẻ em lang thang ở gần Văn Miếu, ông Clinton đã bắt tay rất nhiều người bên cạnh, kể cả những người chỉ thò được cánh tay vào đến gần.

Tuy không chứng kiến nhưng ông Lưu còn được nghe kể lại cuộc gặp gỡ thú vị của ông Clinton với các cô các chị trên phố Hàng Gai, có một số người nói rằng: "Thưa tổng thống, được gặp ông thế này và bắt tay ông, chúng tôi rất thông cảm cho bà Clinton".

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Mỹ sau chiến tranh, sau 5 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đã tạo nên "áp lực lớn" với ông Lưu khi đó, bởi nó mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Thế nhưng những dư âm còn lại của chuyến thăm với ông là những kỷ niệm không thể quên.

"Tổng thống Mỹ Clinton khi chào tạm biệt đã đặt tay lên vai tôi và nói: Cảm ơn, bạn của tôi", ông Lưu cho hay.

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/the-gioi/tiec-chieu-dai-tong-thong-my-duoc-chuan-bi-the-nao-3406384.html