Thương mại toàn cầu đình trệ

Thương mại thu hẹp đang trở thành vấn đề nan giải toàn cầu, cho dù Ngân hàng trung ương các nước giảm giá đồng nội tệ cũng khó thúc đẩy nhu cầu như trước kia - theo báo Wall Street Journal.
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm một phần do nhu cầu giảm. Ảnh: AFP
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm một phần do nhu cầu giảm. Ảnh: AFP

Xuất khẩu Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 7 năm qua

Hôm nay 18-2, Nhật Bản công bố số liệu thương mại cho thấy xuất khẩu tháng 1-2016 giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái - sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp và là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Trong tháng 1-2016, nhập khẩu của Nhật Bản giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh cho thấy tình trạng kinh tế trì trệ tại Trung Quốc thực sự có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản.

Gần đây, nền kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Ngày 15-2, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 4-2015 của nước này suy giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014, kết quả không khả quan cho chính sách cải cách kinh tế của chính phủ nước này.

Giới phân tích cho rằng chính phủ Nhật Bản cần khuyến khích xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong mỗi 1% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, có từ 0,5-0,7% là nhờ xuất khẩu.

Ngày 15-2, Ngân hàng trung ương Nhật Bản chính thức áp dụng lãi suất âm nhằm khuyến khích xuất khẩu.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như không mấy nao núng trước số liệu trên. Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) vẫn tăng hơn 2,5% trong phiên giao dịch sáng nay.

Vấn đề nan giải mang tính toàn cầu

Không chỉ có Nhật Bản, thương mại thu hẹp hiện đã trở thành vấn đề nan giải toàn cầu. Ngay cả khi Ngân hàng trung ương các nước giảm giá đồng nội tệ cũng khó thúc đẩy nhu cầu.

Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá đã không đem lại kết quả như mong muốn. Tổng cục hải quan Trung Quốc ngày 15-2 phát hành số liệu cho thấy tính theo nhân dân tệ, xuất khẩu tháng 1-2016 của nước này giảm 6,6%, trong khi nhập khẩu giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính theo đô la Mỹ, xuất - nhập khẩu tháng 1-2016 của Trung Quốc lần lượt suy giảm 11,2% và 18,8 % so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà phân tích kinh tế vĩ mô Nhậm Trạch Bình của công ty chứng khoán Quốc Thái Quân An (Trung Quốc) nhận xét: "Sự suy giảm trong xuất khẩu do kinh tế toàn cầu ảm đạm và các tác động tiêu cực khác, cũng cho thấy nhân dân tệ mất giá không có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu".

Báo cáo hàng tháng của Ngân hàng trung ương Đức cũng cho thấy mặc dù xuất khẩu tháng 1-2016 của Đức vẫn đang tăng lên nhưng kể từ cuối năm ngoái, nền kinh tế Đức đã bắt đầu cảm nhận được nhu cầu yếu từ Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi và một số nước công nghiệp.

Ấn Độ cũng không tốt hơn. Ngày 15-2, Bộ thương mại và công nghiệp Ấn Độ phát hành số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 1-2016 của Ấn Độ giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái - suy giảm tháng thứ 14 liên tiếp. Một trong những nguyên nhân do nhu cầu quốc tế yếu, trong đó có Mỹ và châu Âu, cũng như sự mất giá của nhân dân tệ.

Fed cảnh báo gia tăng nguy cơ đe dọa triển vọng kinh tế Mỹ

Ngày 17-2, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp thường kỳ ngày 26-1 và 27-1, bày tỏ quan ngại về những nguy cơ tiêu cực có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến "sức khỏe" cũng như triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Giới chức Fed cho rằng những dấu hiệu gần đây cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế Mỹ là "không rõ ràng", trong khi "tình trạng không chắc chắn" có xu hướng gia tăng và có thể kéo theo nguy cơ làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo Fed, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn tại Mỹ, trong đó có sự biến động thị trường, đã khiến giá cổ phiếu nhanh chóng sụt giảm trong khi đô la Mỹ lại tăng cao. Những dấu hiệu xấu đe dọa triển vọng kinh tế Mỹ rõ nét hơn kể từ khi Fed nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong hơn 9 năm qua vào giữa tháng 12-2015. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng lo ngại về nguy cơ chững lại của nền kinh tế Mỹ do ảnh hưởng ngày càng lớn từ tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.

Do đó, Fed nhất trí tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức từ 0,25-0,5%, đồng thời nhấn mạnh sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến của tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu, cũng như đánh giá thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát để đưa ra quyết định về thời điểm và tốc độ điều chỉnh lãi suất cơ bản.

Báo cáo trên của Fed được công bố một tuần sau khi Chủ tịch Fed Janet Yellen cảnh báo nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ từ tình hình tài chính trong nước cũng như những bất ổn của kinh tế thế giới trong phiên điều trần  trước Ủy ban tài chính Hạ viện Mỹ. Theo bà Yellen, thời gian gần đây, nền kinh tế Mỹ nhận được ít sự hỗ trợ của các chính sách tài chính trong nước và nếu tình trạng này còn tiếp diễn, triển vọng kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ sẽ bị tác động đáng kể. Bà Yellen cũng viện dẫn chính sách tiền tệ "khó hiểu" của Trung Quốc như một nhân tố khiến các thị trường toàn cầu càng trở nên bất ổn, qua đó đe dọa "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ.

Hiện, Fed vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về lộ trình nâng lãi suất sắp tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhều biến động và nhiều nguy cơ gia tăng đe dọa triển vọng kinh tế Mỹ, nhiều khả năng Fed sẽ chưa thể sớm đưa ra quyết định cho lần nâng lãi suất tiếp theo. Theo cuộc khảo sát do báo Wall Street Journal thực hiện gần đây, chỉ 9% chuyên gia kinh tế dự đoán Fed sẽ điều chỉnh lãi suất trong tháng 3-2016, trong khi khoảng 60% cho rằng Fed chưa thể hành động ít nhất là cho đến tháng 6-2016.

Theo TBKTSG