Kinh tế thế giới chao đảo trong đầu năm 2016 có phải tại Trung Quốc?

Bất chấp những dự đoán lạc quan về sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế thế giới trong năm 2016 sau một năm 2015 được đánh giá là khá thành công, thì nền kinh tế toàn cầu trong năm mới lại đang tỏ ra xấu hơn hết trong vòng gần một thập kỷ trở lại đây.
Kinh tế thế giới chao đảo trong đầu năm 2016 có phải tại Trung Quốc?

Năm mới chỉ vừa bắt đầu được hơn một tháng, mà đủ loại tin tức xấu đã liên tiếp xảy ra trên khắp các nền kinh tế trên toàn cầu, không chỉ ở ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, mà còn diễn ra ở cả những khu vực kinh tế lớn nhất thế giới như liên minh châu Âu. 

Khi mà mọi bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu đều rơi vào trục trặc thì dĩ nhiên cỗ xe kinh tế thế giới sẽ bắt đầu chao đảo. Vậy thì nguyên nhân là do đâu?

Một thực tế ở thời điểm hiện tại là nền kinh tế thế giới đang trải qua thời điểm ảm đạm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hồi 2008. 

Không hẹn mà gặp, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đồng loạt rơi vào trì trệ và gần như không có một nhà kinh tế nào dự đoán được trước kịch bản bất ngờ đó: Lần lượt là Trung Quốc, Mỹ rồi đến Nhật Bản và EU lọt vào danh sách các nền kinh tế gặp trục trặc chỉ trong một tháng đầu năm 2016. 

Tình trạng suy sụp tập thể này đang đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cơn suy trầm lớn nhất kể từ năm 2008.

Cơn địa chấn nổ ra đầu tiên ở Trung Quốc, khi ngay trong phiên giao dịch đầu năm trên thị trường chứng khoán (TTCK) nước này vào ngày 4.1, thị trường đã phải đóng cửa do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, chỉ số CSI 300 của TTCK Trung Quốc giảm vượt mức 7% khiến hệ thống ngắt cầu dao mà nước này vừa đưa vào lắp đặt đã phải hoạt động ngay trong ngày đầu tiên. 

Tình trạng tương tự đã lặp lại chỉ vài ngày sau đó, buộc chính phủ Trung Quốc phải tháo gỡ thiết bị được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. 

Sự hỗn loạn trên TTCK Trung Quốc ngay lập tức tạo sức ép lên đồng nhân dân tệ, khi đồng tiền này liên tiếp bị phá giá bởi chính phủ nước này. Sự hỗn loạn trên TTCK và sụt giá của đồng nhân dân tệ ngay lập tức tác động đến các thị trường lớn khác trên thế giới.

Thị trường đầu tiên hứng chịu dư chấn từ cơn địa chấn bắt nguồn từ Trung Quốc là Mỹ, khi ngay sau khi TTCK Trung Quốc buộc phải ngừng giao dịch trong ngày 4.1 thì TTCK Mỹ cũng gặp trục trặc. 

Chỉ số Dow Jones ngay lập tức giảm 500 điểm. Phần lớn các nhà kinh tế đánh giá nguyên nhân hàng đầu là do các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung sau sự hỗn loạn của nền kinh tế Trung Quốc. 

Sự sụt giảm trên TTCK ngay trong thời điểm đầu năm gần như trở thành một vận đen cho kinh tế Mỹ, khi chỉ số S&P 500 liên tiếp giảm sau đó và gần như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 11.2 thì tổng cộng chỉ số này đã giảm 10,5% từ đầu năm đến nay.

Mỹ là nơi đầu tiên cảm nhận được tác động từ cơn địa chấn bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng nơi phải hứng chịu những hậu quả lâu dài nhất và có quy mô lớn nhất thì lại là Nhật Bản. 

TTCK Nhật Bản không có một cú sốc ngay lập tức sau khi TTCK Trung Quốc hỗn loạn trong ngày đầu năm như Mỹ, nhưng sự trì trệ của TTCK Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung lại đang khiến Nhật Bản gặp khó khăn nghiêm trọng.

 Ngay sau khi TTCK Trung Quốc rơi vào tình trạng “thị trường con gấu” khi chỉ số CSI 300 giảm tổng cộng hơn 20%, thì đến lượt TTCK Nhật chịu chung số phận chỉ một tuần sau đó, khi chỉ số Nikkei cũng sụt giảm hơn 20%. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc đang ở trong tình trạng ảm đạm nhất trong vòng 3 năm trở lại đây kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền. 

Nó cũng có nghĩa là chính sách cải tổ nền kinh tế Nhật của Thủ tướng Abe vẫn được gọi với cái tên Abenomics đang bị mắc kẹt.

Tình trạng suy sụp đồng loạt của các TTCK tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chỉ ra một thực tế rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

 Tình hình ở thời điểm hiện tại đang xấu hơn năm 2015 rất nhiều, khi mà trong năm 2015 nền kinh tế Mỹ đã có tốc độ tăng trưởng rất cao trong 9 tháng đầu năm, còn kinh tế Trung Quốc và Nhật thì không quá ảm đạm như thời điểm hiện tại.

Theo thống kê, tổng cộng đã có khoảng 8.000 tỉ USD bị thổi bay khỏi các TTCK trên toàn cầu từ đầu năm 2016 đến nay.

Tình hình còn tệ đến mức, mọi nỗ lực để cứu vãn của chính phủ các nền kinh tế này đều gần như đang trở nên vô dụng. Đồng nhân dân tệ vẫn đang sụt giá dù chính phủ Trung Quốc đã bơm khoảng 150 tỉ USD ra thị trường từ đầu năm đến nay để ghìm đà mất giá của đồng tiền này. 

Nhật Bản còn tệ hơn khi ngân hàng trung ương nước này vừa mới buộc phải đưa lãi suất về mức âm 0,1% để hy vọng cứu vãn tình hình và thúc đẩy xuất khẩu trở lại, nhưng lại chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, khi mà chỉ sau đó vài ngày giá cổ phiếu tại TTCK Tokyo lập tức lao dốc hơn 5%. 

Chính sách suy trì tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu của Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện trong vài năm qua giờ đây có vẻ như đã không còn tác dụng dù đã hạ xuống mức thấp nhất có thể.

Rất khó để lý giải tình trạng tồi tệ đang diễn ra trên khắp các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đúng là cơn địa chấn bắt nguồn từ Trung Quốc trước khi lan sang các nền kinh tế lớn khác, nhưng sự trì trệ của TTCK và nền kinh tế Trung Quốc chỉ là một phần nguyên nhân chứ không phải tất cả. 

Sự hỗn loạn trên TTCK và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế là một đòn nặng giáng vào nền kinh tế toàn cầu, khi sự trì trệ của nước này đã tác động tới hàng loạt các nền kinh tế lớn khác. Nó khiến cho các nền kinh tế có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà điển hình là Nhật Bản, Đức và Mỹ. 

Trong vòng nhiều năm qua, sự tăng trưởng nóng của kinh tế Trung Quốc đã trở thành động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và giờ đây khi chiếc bánh xe này chạy chậm lại thì điều hiển nhiên là cỗ xe kinh tế thế giới cũng bị chao đảo.

Nhưng sẽ là không công bằng nếu trút mọi trách nhiệm lên vai Trung Quốc. Tình trạng trì trệ của nền kinh tế thế giới còn bắt nguồn từ tình trạng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Mỹ cũng không là ngoại lệ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bắt đầu chệch choạc từ cuối năm 2015. 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV năm 2015 chỉ đạt 0,7%, thấp hơn nhiều so với 3 quý trước đó, trong đó quý II là 3,9% và quý III là 2,5%. Sự chững lại đột ngột của nền kinh tế lớn nhất thế giới trên thực tế cũng gây ra tác động không kém gì sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc. 

Cùng với đó là việc tỷ giá đồng USD tăng lên sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12.2015 cũng khiến cho các nền kinh tế khác trên thế giới bị tác động nghiêm trọng. 

Dĩ nhiên, còn phải kể đến việc giá dầu sụt giảm mạnh khiến cho nhu cầu sử dụng dầu nói riêng và nhu cầu tiêu dùng nói chung trên toàn cầu bị ảnh hưởng lớn.

Nói cách khác, cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ, nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm đầu năm 2016 vẫn còn quá yếu, và cơn địa chấn đến từ TTCK và nền kinh tế Trung Quốc đóng vai trò tác nhân mở đầu. 

Về sâu xa hơn, sự trì trệ của nền kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại là do bị ảnh hưởng bởi hai tác động kép: sự giảm tốc đột ngột của kinh tế Trung Quốc trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. 

Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thì tất yếu kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn thay đổi động lực tăng trưởng chủ đạo và ít nhiều sẽ gặp khó khăn. Điều không may là nó lại diễn ra đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang rơi vào trì trệ nhất từ cuối năm 2015 cho đến nay, mà kinh tế Mỹ là điển hình.

Theo Bloomberg, Một thế giới