Một công bố mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có tới 11% thuốc chữa bệnh tại các nước đang phát triển là thuốc giả. Trong đó, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm khoảng 65%. Đây là kết quả đưa ra sau khi WHO tiến hành 100 cuộc nghiên cứu với 48.000 loại thuốc.
Dĩ nhiên, hậu quả của thuốc giả là khôn lường. Vì thuốc giả không có tác dụng điều trị bệnh, thậm chí còn có các hoạt chất gây phản ứng, dẫn đến tử vong. Điều này đã được chứng thực qua công bố của WHO: Thuốc giả là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em và ước tính các nước đã thiệt hại khoảng 30 tỷ USD. Điều đáng nói là, con số thuốc giả mà WHO biết mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Chỉ trong tháng 7-2018, Bộ Y tế đã liên tiếp có hàng loạt công văn chỉ đạo thu hồi thuốc giả.
|
Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó, khi tháng nào ngành y tế cũng phát hiện và thu hồi vài vụ thuốc giả. Chỉ trong tháng 7-2018, Bộ Y tế đã liên tiếp có hàng loạt công văn chỉ đạo thu hồi thuốc giả. Vụ đình chỉ lưu hành 23 loại thuốc điều trị cao huyết áp, suy tim do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals, Trung Quốc sản xuất đã sử dụng nguyên liệu Valsartan có khả năng gây ung thư, là một ví dụ.
Cũng trong tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu thu hồi thuốc viên nén bao phim Unicet (điều trị viêm mũi dị ứng, chứng viêm kết mạc dị ứng, bệnh mề đay mạn tính), do Công ty Bal Pharma Ltd. (India) sản xuất, vì không đạt chất lượng. Chỉ vài ngày sau, Bộ Y tế tiếp tục đình chỉ lưu hành thuốc viên nang Agifamcin 300 giả; sau đó thu hồi lô thuốc Fenbrat 200M do Công ty CP dược phẩm và sinh học y tế sản xuất v.v.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công bố đợt 26 danh sách 50 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng, thực hiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 100% lô thuốc nhập khẩu.
|
Nhưng vụ đình đám nhất trong nửa đầu năm 2018 phải kể đến “thực phẩm chức năng” hỗ trợ điều trị ung thư Vinaca. Dư luận bàng hoàng khi thứ sản phẩm được rao bán là hỗ trợ điều trị ung thư này chỉ là làm từ bột than tre tán mịn. Mức độ vi phạm đến mức Công an đã khởi tố vụ án và Giám đốc Nguyễn Xuân Thu đã bị bắt giữ.
Cũng tháng 4-2018, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) còn thông tin về loại thuốc kháng sinh giả Zinnat 500 mg mạo danh nhà sản xuất Công ty Glaxo Opertione UK Ltđ-Anh, doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty cổ phần Armephaco (118 Vũ Xuân Thiều, Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội).
Không thể không nhắc tới vụ thuốc giả gây phẫn nộ nhất từ trước đến nay là vụ VN Pharma được đưa ra xử vào cuối 2017 khi phạm tội tày đình là buôn bán thuốc điều trị ung thư giả. Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ việc Công ty VN Pharma nhập khẩu, lưu hành 6 loại thuốc mang nhãn hiệu do Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada, khi trên thực tế Công ty Health 2000 không có nhà máy sản xuất tại Canada. Thế nhưng, thuốc mang nhãn mác của Công ty Health 2000 Inc Canada đã có mặt tại Việt Nam và nhiều bệnh viện sử dụng theo danh mục thuốc trúng thầu.
Đoàn liên ngành quận Hoàng Mai thu giữ đông dược không rõ nguồn gốc. (Ảnh Đức Duy- Vietnam+)
|
Đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều vụ thuốc giả đã được phát hiện và việc thuốc giả đã vào bệnh viện cũng … không còn là điều ngạc nhiên. PGS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức từng kể cho chúng tôi nghe chuyện một người bạn của ông bị bệnh hiểm nghèo, phải điều trị tại một bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội. Mặc dù được chỉ định loại thuốc đặc hiệu nhưng cả tháng trời bệnh không thuyên giảm. PGS. Quyết đã khuyên bạn sang một nước châu Âu điều trị, thì vẫn loại thuốc đó, nhưng lập tức hiệu quả. Kể chuyện này, PGS. Quyết không giấu nỗi lo về chất lượng thuốc chữa bệnh trên thị trường cũng như trong bệnh viện.
Theo Bộ Y tế, hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm dược đã lấy hơn 30.000 mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra và kết quả cho thấy, thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 3% và thuốc giả khoảng 0,1%. Cũng cần lưu ý, là con số này chưa phải là tất cả. Và giờ, thuốc giả không chỉ tập trung ở các loại kháng sinh nữa, mà “lan” sang các loại thuốc bổ, thuốc điều trị tim mạch, giảm đau, đặc biệt là các loại thuốc giảm cân, viagra v.v.
Vụ việc thuốc trị ung thư làm bằng than tre và Cty TNHH Vinaca (Thanh Xuân, Hà Nội) có sản phẩm ung thư VinacaCo3.2 từng nhận được Giải thưởng Top 10 thương hiệu hàng đầu Viêt Nam đã để lại rất nhiều tai tiếng.
|
Chỉ trong 2 năm qua, Bộ Y tế đã có 26 đợt công bố danh sách các công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng, mỗi đợt từ 49-52 công ty với hàng trăm sản phẩm, như một lời cảnh báo về chất lượng thuốc ở Việt Nam. Trong số này, đa phần là các doanh nghiệp của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc. Đặc biệt, có những công ty vi phạm đến 12 lần. Con số này tăng hơn nhiều so với trước. Nhân kết quả này cũng cần nhắc lại cảnh báo của FDA (Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) về chất lượng và độ an toàn của các loại thuốc sản xuất tại Ấn Độ. Vụ bê bối vaccine phòng dại của Trung Quốc mới đây cũng là lời cảnh báo không thừa cho Việt Nam.
Các công ty trong nước cũng không chịu kém cạnh các công ty nước ngoài về vi phạm. Chỉ một đợt kiểm tra thuốc trên thị trường của Cục Quản lý Dược và các đơn vị liên quan mới đây đã phát hiện hàng chục doanh nghiệp vi phạm và thu hồi cả trăm lô thuốc.
Cục Quản lý Dược cho biết vi phạm phổ biến nhất về chất lượng thuốc của các doanh nghiệp là không đạt tiêu chuẩn chỉ tiêu định lượng, độ hòa tan. Nhiều doanh nghiệp dược trong nước bị phát hiện sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc nguyên liệu rởm có giá rẻ. Một báo cáo của Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI&ADR quốc gia) cho biết, chỉ trong 6 tháng, Trung tâm đã tiếp nhận 4.621 báo cáo phản ứng có hại của thuốc. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh chiếm 20,8% và Hà Nội chiếm 14,4% - là 2 địa bàn có tỉ lệ cao nhất.
Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, hệ thống kiểm nghiệm thuốc hiện chỉ kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất trên tổng số 1.000 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Trong khi số lượng thuốc được sản xuất và cấp phép lưu hành ngày càng tăng, nhiều loại thuốc được bào chế sản xuất bằng công nghệ cao, thì hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam lại chưa đủ điều kiện hiện đại để kiểm nghiệm.
Một vụ phát hiện hơn 300.000 viên thần dược trị tiểu đường không rõ nguồn gốc
|
Trong khi việc kiểm tra phát hiện còn “chạy sau”, thì việc thu hồi các thuốc không đạt chất lượng cũng nhiều rào cản. Mặc dù Bộ Y tế liên tục có các văn bản chỉ đạo thu hồi, đình chỉ các loại thuốc vi phạm, nhưng thông tin này lại không được công bố ở các nơi khám chữa bệnh, các cửa hàng bán thuốc. Bên cạnh đó, việc thu hồi thuốc vi phạm chất lượng theo yêu cầu của Cục Quản lý Dược hay Sở Y tế chưa được làm tích cực, kết quả thực hiện thu hồi thuốc vi phạm chất lượng và kiểm tra giám sát không được báo cáo đầy đủ và kịp thời cho Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ v.v.
Chắc chắn, câu chuyện thuốc giả chưa dừng lại, mà còn tiếp tục đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh, nếu không có những biện pháp mạnh tay hơn.
Ngày 9-8, Bộ Y tế công bố danh sách các công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng. Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu, mà là đợt thứ 26 các công ty có thuốc vi phạm được xướng tên. Trong số 50 công ty vi phạm đợt này, có tới 40 công ty thuộc Ấn Độ, 3 công ty của PAKISTAN, 2 Công ty của Trung Quốc, 2 công ty của Mỹ, còn Bangladesh, Nga và Hàn Quốc mỗi nước có 1 công ty. 50 công ty này sẽ phải kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu và giám sát việc chấp hành quy định về kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành. |